Kinh tế Thể thao: Làm gì để Việt Nam có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản?

VietTimes – Trong các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ở Việt Nam, bài toán kinh tế luôn là một đòi hỏi hết sức cấp thiết. Đương nhiên, ngoài các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, nhà quản lý TDTT... thì rất cần một lực lượng không phải là nhỏ. Đó là các chuyên gia kinh tế thể thao.
Trong các lĩnh vực thể thao ở Việt Nam, chỉ có bóng đá là được đầu tư nhiều tiền cũng những khoản tài trợ lớn. Ảnh ST
Trong các lĩnh vực thể thao ở Việt Nam, chỉ có bóng đá là được đầu tư nhiều tiền cũng những khoản tài trợ lớn. Ảnh ST

Kinh tế có khá thì TDTT mới có cơ phát triển

Theo cố Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí, TDTT của một quốc gia chỉ có thể khá được trong điều kiện kinh tế của quốc gia đó đủ sức chi trả. Bằng chứng là với các nước phát triển về kinh tế thì ngành TDTT của họ mới đem lại nhiều huy chương, thành tích quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến nền TDTT của các nước châu Phi là mặc dù kinh tế  không phát triển nhưng thành tích TDTT cũng rất cao vì tố chất con người của họ rất khỏe.

Có thể nói, để tham gia các hoạt động TDTT thì từ các câu lạc bộ, đội tuyển địa phương, đội tuyển quốc gia,… đều phải ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện một cách khoa học rồi thi đấu không chính thức và chính thức. Tất cả đều cần tính ra thành tiền để vận hành bộ máy nhân lực.

Cũng cần phải nói thêm là theo bình luận viên Trần Tiến Đức, bóng đá thế giới có thể có những huấn luyện viên giỏi như Valery Lobanovsky, Jeff Pjontech nhưng ai sẽ cung cấp cho họ những số liệu chính xác về điều kiện thi đấu, thể trạng cầu thủ nếu không phải là các nhà khoa học. Qua đó, có thể thấy là đội ngũ nhân lực phục vụ TDTT là không hề nhỏ và như thế, nhà nước cùng các ông bầu phải có đủ hầu bao để chi trả.

Cho tới nay, ở Việt Nam về cơ bản mới có bóng đá là thực sự có tiền và so với các liên đoàn bạn thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là giàu nhất với những khoản tiền tài trợ rất lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, nếu các đội tuyển lập công lớn thì tiền thưởng từ các doanh nghiệp cũng nhiều như mưa.

Còn nếu nói đến bóng chuyền thì tuy cũng sôi động nhưng với các Giải Bóng chuyền Quốc tế Cup VTV hàng năm thì dường như chẳng thấy báo chí nhắc đến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam – đối tác đồng tổ chức sự kiện này của Đài Truyền hình Việt Nam (?). Qua thực tế của với bóng chuyền và của nhiều lĩnh vực khác, có thể thấy các liên đoàn đang quá yếu về truyền thông và cả về kinh tế thể thao.

Chuyên gia kinh tế thể thao cần được ai đào tạo?

Khi vấn đề này được đặt ra với một lãnh đạo cao cấp của Hội Khoa học TDTT Việt Nam thì câu trả lời nhận được là chúng ta đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia kinh tế thể thao. Giống như với nghệ thuật, phần đa các “bầu sô" không phải là nghệ sĩ được đào tạo qua trường lớp thì với TDTT cũng phần nào như vậy. Cho dù các trường đại học của ngành TDTT đều có Khoa Quản lý TDTT nhưng về cơ bản mới chỉ cung cấp được các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự là về kinh tế mang tính đặc thù của TDTT.

Cũng cần nói thêm là giống như các bầu sô nghệ thuật, chuyên gia kinh tế thể thao phải là người tính được các bài toán về bán vé và vận động tài trợ. Đó là điều không dễ và nếu nói ở tầm vĩ mô thì lãnh đạo ngành TDTT cũng phải có tư duy về kinh tế cho các bài toán này, nhất là với những sự kiện TDTT quốc tế do Việt Nam đăng cai.

Đăng cai SEA Games, lãnh đạo ngành TDTT Việt Nam phải biết đến bài toán kinh tế. Ảnh ST
Đăng cai SEA Games, lãnh đạo ngành TDTT Việt Nam phải biết đến bài toán kinh tế. Ảnh ST

Vậy ai là người phụ trách lĩnh vực này ở Tổng cục TDTT? Căn cứ theo Quyết định số 21/2018/QĐ của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT thì tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ VHTTDL thực hiện trực tiếp chức năng quản lý nhà nước về kinh tế thể thao thì không có. Tuy nhiên, trên thực tế thì có thể hiểu là Vụ Kế hoạch Tài chính đang trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục về kinh tế thể thao.

Trong thời đại ngày nay, có lẽ chỉ trừ điền kinh được nhà nước bao cấp như cố giáo sư Dương Nghiệp Chí cho biết thì mọi lĩnh vực TDTT đều phải có bài toán kinh tế cho riêng mình để tự vận động và cân đối tài chính. Chính vì vậy, nguồn nhân lực về kinh tế thể thao càng là đòi hỏi cấp thiết.

Nên chăng, đã đến lúc các đại học về kinh tế phải tham gia nhập cuộc để đào tạo nguồn nhân lực này cho ngành TDTT. Và những sinh viên có định hướng tốt nghiệp về lĩnh vực này hoàn toàn có thể yên tâm về đầu ra với nhu cầu của các ông bầu cùng các liên đoàn thể thao. Tuy nhiên, dù sao lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng cần sớm có câu trả lời chính thức với công luận về những mong muốn của họ cùng giải pháp có thể thực hiện để đào tạo được chuyên gia có trình độ đại học và sau đại học về kinh tế thể thao.