Là một người có nhiều đóng góp lớn với ngành TDTT nhưng ông chỉ thực sự được giới CNTT biết đến trước Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 (SEA Games 22). Do đây là một sự kiện thể thao quốc tế, việc đo kiểm thành tích thi đấu phải theo các tiêu chuẩn quốc tế (Khi đó, GS TS Dương Nghiệp Chí là Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì dự án xây dựng hệ thống điện tử xử lý thông tin SEA Games 22).
Cả 2 ngành thể thao và CNTT đều rất lo lắng cho dự án này và thậm chí một tờ tạp chí CNTT đã gọi đây là “phút thứ 89 của CNTT cho SEA Games”. Tuy nhiên, với cung cách lãnh đạo khoa học và kiên quyết, GS TS Dương Nghiệp Chí cùng các cộng sự và đối tác đã hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn này. Hệ thống điện tử xử lý thông tin của SEA Games 22 cũng vì thế mà đã hoạt động trôi chảy, không hề xảy ra một lỗi nhỏ.
Sau SEA Games 22, cuộc chơi cùng những sự hợp tác liên ngành giữa CNTT và thể thao ở Việt Nam cũng không vì thế mà dừng lại. Thêm một điểm thú vị là các trò chơi điện tử (game) trên môi trường máy tính và mạng đã trở nên sôi động với giới trẻ. Ngay ở thời điểm đó, GS TS Dương Nghiệp Chí đã hết sức quan tâm đến phong trào này và theo ông, thể thao điện tử phải được thừa nhận bình đẳng với thể thao truyền thống và người chơi game cũng cần phải có tổ chức của mình như bóng đá có Liên đoàn Bóng đá, cờ vua và cờ tướng có Liên đoàn Cờ…
Tuy nhiên, bản thân ông và những người có cùng tâm nguyện cũng phải chờ đợi điều kiện chin muồi là cuối năm 2007 mới chính thức vận động thành lập Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam để rồi hơn 1 năm sau thì tổ chức này chính thức được cho phép thành lập. GS TS Dương Nghiệp Chí đã làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký 2 nhiệm kỳ đầu tiên của tổ chức này và theo những người trong cuộc, ông là người đã đặt những nền móng đầu tiên cho nền thể thao điện tử Việt Nam.