Kiến nghị “nóng” của doanh nhân trong tâm dịch TP.HCM trên 58.000 ca nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình càng lúc càng “nóng” của tâm dịch TP.HCM khi đã vượt quá con số 58.000 ca nhiễm và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, một doanh nhân nêu kiến nghị.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đưa nhiều kiến nghị tâm huyết giữa tâm dịch TP.HCM - Ảnh: NVCC
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đưa nhiều kiến nghị tâm huyết giữa tâm dịch TP.HCM - Ảnh: NVCC

Ngày hôm nay, người dân trong tâm dịch TP.HCM bị bất ngờ trước ý kiến của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Trần Quang Lâm nêu ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Ông Trần Quang Lâm cho rằng phải quy định người giao hàng (shipper) trên địa bàn TPHCM chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thêm, hiện nay, 2/3 xe máy đi đường là người giao hàng với 2 hình thức: shipper công nghệ và xe ôm truyền thống chuyển sang shipper. Để tăng cường phòng, chống dịch TP.HCM sẽ cấm các phương tiện giao hàng tự phát vì khó kiểm soát. Riêng các đơn vị vận chuyển được hoạt động nhưng phải tổ chức có trật tự, quy củ để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải món hàng thiết yếu nào cũng có thể vận chuyển bởi shipper. Chẳng hạn thiết yếu như thuốc men, dược sĩ tại nhà thuốc sẽ không thể bán mà không có đơn từ bác sĩ. Trong khi đó, một số đồ dùng do các gia đình đang trong các vùng cách ly khác nhau gửi cho nhau thì chắc chắn sẽ không phải đồ thiết yếu. Ví dụ, trường hợp cụ thể là một nhà bị nghẹt bồn cầu nhưng không có sẵn thiết bị trong nhà, sẽ không thể được sử dụng phương án gửi đồ từ nhà người thân tới để sử dụng vì shipper có quyền từ chối những thứ không thiết yếu.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - ông Trần Quang Lâm phát biểu tại họp báo hôm nay 25/7. Ảnh: Huyền Mai
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - ông Trần Quang Lâm phát biểu tại họp báo hôm nay 25/7. Ảnh: Huyền Mai

Trước thực tế khá nhiều vấn đề rối ren về quy định cách ly, phòng dịch, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, trong cuộc trao đổi với VietTimes, đưa ra những ưu tư, trăn trở, tâm huyết nhiều với giải pháp trong lúc bùng phát mạnh mẽ đại dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Về việc tiêm vaccine cho người dân, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng còn nhiều lúng túng, dẫn đến một số trường hợp chưa xác định được có đúng đối tượng tiêm chủng hay chưa. Riêng với vùng tâm dịch như TP.HCM, quyền được tiêm vaccine thuộc về toàn bộ người dân. Theo đó, ông Nam đưa kiến nghị, nên tiêm theo tuổi, không phân biệt nghề nghiệp, thành phần xã hội.

Theo ông Nam, có thể tính từ cao tuổi trở xuống, chẳng hạn trên 65 rồi đến trên 55, trên 45… tuỳ theo số lượng vaccine có được. Đơn giản thủ tục, chỉ cần xuất trình căn cước công dân, người cư trú tại các khu vực không phong toả sẽ được tiêm chủng. Đây là cách công bằng và dễ dàng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để giúp phòng dịch tốt nhất.

Về việc một số tập đoàn lớn, vì có đóng góp nên được ưu tiên, theo ông Nam, các tập đoàn đóng góp lớn thì được tiêm cho nhân viên nhưng không quá 10% trị giá đóng góp của đơn vị là hợp lý.

Trong đợt tiêm chủng COVID-19 đang tiến hành, người cao tuổi là đối tượng ưu tiên được lập danh sách, mời đi chích ngừa
Trong đợt tiêm chủng COVID-19 đang tiến hành, người cao tuổi là đối tượng ưu tiên được lập danh sách, mời đi chích ngừa

Với việc đẩy mạnh cách ly F0 không có triệu chứng và F1 tại nhà, ông Nguyễn Hoài Nam đưa sáng kiến, lực lượng chức năng nên làm 3 loại biển: Màu Đỏ - nơi cách ly F0 (bao gồm cả F0 phát hiện mới nhưng không có triệu chứng và F0 đã hết thời hạn điều trị tập trung được về nhà), Màu Cam F1 và Màu Vàng F2, ghi trên biển ngày bắt đầu cách ly, treo trước cửa các nhà có F0, F1, F2. Như vậy, giúp hàng xóm của những người này có thể dễ dàng hỗ trợ, tương trợ cho người cách ly trong thời gian tuân thủ quy định. Tiến tới bỏ dần cách ly tập trung, giảm sức ngưòi, sức của và dễ dẫn tới lây nhiễm chéo.

Riêng các F0 nặng và chuyển nặng thì nhanh chóng đưa đi nhập viện để tập trung nguồn lực điều trị, giảm thiểu tử vong.

Theo kiến nghị từ ông Nguyễn Hoài Nam, nên bớt ra các văn bản hành chính, khó hiểu, khó tuân thủ và kiểm tra do cách hiểu khác nhau. Theo ý kiến của ông Nam, nên để cho các shipper được hoạt động và tạo điều kiện cho bán hàng mang về, bởi thực tế trong các khu cách ly phong toả vừa rồi đã cho thấy, nhiều gia đình đã rất khó khăn về thực phẩm.

Ông Nam kiến nghị, các gia đình khó khăn về thực phẩm, đang trong khu vực bị cách ly thì nên treo cờ trắng, như kinh nghiệm của một số nước đã làm. Căn cứ trên dấu hiệu cờ trắng, chính quyền, các đội thiên nguyện sẽ giúp được chính xác hơn đến các hộ cần, tránh tràn làn, dễ lây nhiễm, dễ bị lợi dụng, phong trào.

Vấn đề thiện nguyện, ông Nam kiến nghị nên tập trung vào thiết bị, bảo hộ, dược... cho đội ngũ y tế, cán bộ chống dịch trên tuyến đầu. Tăng cường hướng dẫn các biện pháp cụ thể về cách chăm sóc F0 tại nhà, các triệu chứng bệnh và cách dùng thuốc để người dân an tâm tự cách ly.

Ông Nam kiến nghị nên truyền thông nhanh, Trung tâm báo chí của TP.HCM nên ra thông cáo báo chí hàng ngày, vừa đảm bảo chính xác, vừa hỗ trợ và tạo cảm giác an toàn về mặt thông tin tới người dân.