|
Toàn cảnh khu đô thị Thanh Hà |
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội vừa có báo cáo thẩm định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Thanh Hà của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).
Về điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án Thanh Hà A và Thanh Hà B đã được UBND tỉnh Hà Tây trước đây cho phép đầu tư từ năm 2008-2011, Cienco5 Land đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng được khoảng 349ha/388,72ha tương đương khoảng 89,8% tổng diện tích đất của dự án và đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình của dự án.
Tuy nhiên, để có cơ sở tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án Thanh Hà A và Thanh Hà B và điều chỉnh cập nhật quy hoạch khu đô thị Thanh Hà theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến hết quý III/2026 là có thể xem xét, chấp thuận.
Về quy mô dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND thành phố chưa điều chỉnh quy mô ranh giới sử dụng đất của dự án Thanh Hà A và Thanh Hà B vì theo quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu đô thị Thanh Hà tỷ lệ 1/500, dự án Thanh Hà A có quy mô tăng từ khoảng 195 ha lên thành khoảng 206 ha (tăng khoảng 11 ha). Còn dự án Thanh Hà B có quy mô tăng từ khoảng 193 ha lên thành khoảng 194 ha (tăng khoảng 0,86 ha).
Trong khi, tại Văn bản số 10129/STNMT-QHKHSDĐ ngày 16/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến đối với phương án xử lý đối với diện tích tăng thêm của 2 dự án. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ việc xem xét, điều chỉnh quy mô, ranh giới của 2 dự án sẽ được xem xét sau khi quy hoạch điều chỉnh Khu đô thị Thanh Hà được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với việc xác định chủ đầu tư dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong quá trình triển khai đã xảy ra mâu thuẫn tranh chấp giữa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 về quyền và nghĩa vụ thực hiện các dự án.
Để tránh những vấn đề trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp cùng Sở Tư pháp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố và các đơn vị có liên quan làm việc với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để rà soát toàn bộ nội dung Hợp đồng BT số 02/HĐBT ngày 18/4/2008 và các phụ lục đã ký kết trước đây.
Về nhà ở xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ tỷ trọng diện tích đất dành xây dựng nhà ở xã hội tại dự án chỉ là 13,8% (14 ha/104 ha). Trong khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
Do đó, Sở kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị Thanh Hà, trong đó bổ sung diện tích đất dành xây dựng nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng sẽ rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện dự án tại Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo theo tiến độ điều chỉnh dự án và quy định hiện hành.
Dự án khu đô thị Thanh Hà, gồm khu A, khu B (193 ha) và khu đô thị Mỹ Hưng (182 ha) là quỹ đất thanh toán cho dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (trước khi sáp nhập Hà Nội). Tuy nhiên, do không đủ tiềm lực tài chính và gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ bất động sản đóng băng, dự án này bị bỏ hoang nhiều năm.
Đến năm 2016, Tập đoàn Mường Thanh đã chi khoảng 3.500 tỷ đồng mua lại dự án. Sau đó, dự án đã nhanh chóng chuyển mình khi được xây dựng, bàn giao hàng loạt công trình nhà ở cao và thấp tầng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn một số khu vực chưa triển khai do gặp vướng mắc về quy hoạch, pháp lý.