Kiểm toán với những khoản tiền quá lớn trong công tác vận động cứu trợ của cá nhân rất cần và đúng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Cứu trợ nhân đạo luôn là một thực tế sôi động được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng. Tuy nhiên, rất cần có sự điều phối một cách thống nhất để hiệu quả hơn cho hoạt động này. 
TS Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
TS Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Đó là những chia sẻ của TS Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với VietTimes nhân một hội thảo mới đây.

PV: Xin ông cho biết một số nhận xét về sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu trợ nhân đạo, nhất là qua đợt lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung mới đây.

TS Trần Quốc Hùng: Trước hết, phải thấy rằng tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam đã có truyền thống từ xưa đến nay. Và mỗi khi đất nước lâm nguy, có khó khăn thì điều đó nổi lên rất rõ. Điển hình là trước thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung vào tháng 10/2020, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân gián tiếp và trực tiếp tham gia cứu trợ. Thực tế này rất phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hoá công tác nhân đạo và từ thiện.

PV: Dẫu sao, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vẫn là cơ quan đầu mối. Và những người làm thiện nguyện vẫn muốn trực tiếp làm việc này. Theo ông, các cấp Hội Chữ thập đỏ cần phải làm gì để những người có tấm lòng hảo tâm làm được tốt hơn các hoạt động từ thiện?

TS Trần Quốc Hùng: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo đã được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Hội có chức năng điều phối quá trình này. Tuy vậy, các tổ chức, cá nhân gần đây có xu hướng muốn trực tiếp đi cứu trợ. Có nhiều nguyên nhân, có thể do họ muốn trải nghiệm, cũng có thể do họ chưa thực sự tin tưởng vào tổ chức điều phối.

Và thực tế, sự ứng phó của các cơ quan điều phối có lúc, có nơi cũng không thật sự nhanh khi thiên tai, thảm hoạ xảy ra. Trong khi đó, những người tham gia cứu trợ muốn làm ngay. Nếu như, chúng ta muốn làm bài bản, chỉn chu thì bao giờ cũng cần một quy trình. Mà quy trình thì đương nhiên cần có thời gian. Cụ thể như đối với Hội Chữ thập đỏ, chúng tôi phải đánh giá thiệt hại và nhu cầu. Và sau đó là yêu cầu Hội Chữ thập đỏ địa phương tuyển lựa danh sách cần trợ giúp. Rồi các đối tượng đó còn phải được bình xét, công khai danh sách để mọi người cùng biết và giám sát lẫn nhau. Tiếp đó là tổ chức cấp phát, ký nhận… Thậm chí, còn phải mua hàng hoá cứu trợ mà việc này cũng cần có quy trình, các thủ tục đấu thầu… Với các quy trình như vậy, có những việc bị trễ là đương nhiên. Như thế, nếu nhanh thì ẩu còn chặt chẽ chính xác thì phải có thời gian.

Do vậy, có những tổ chức, cá nhân muốn trực tiếp tham gia cứu trợ cũng là dễ hiểu. Và cũng phải nói thêm là họ còn muốn biết, chứng kiến hoàn cảnh của người dân bị thiên tai, thảm hoạ. Song cũng có cả thực tế là có nhiều người, nhiều nhóm tranh thủ đi du lịch kết hợp với hoạt động từ thiện... Đương nhiên, nếu làm thiện nguyện theo kiểu nhân tiện thì có thể không ai muốn phối hợp với tổ chức, cá nhân nào cả.

Như vậy, chúng ta sẽ thấy nếu làm trực tiếp thì có thể sẽ nhanh hơn và đúng mong muốn hơn. Thế nhưng ngược lại là các hoạt động này không được điều phối khiến có nơi được cứu trợ nhiều, nhưng có nơi lại không được hỗ trợ. Thậm chí là hàng cứu trợ có thể rất nhiều nhưng lại không đúng nhu cầu. Cụ thể là hàng xe tải bánh chưng khi chuyển đến cho đồng bào lũ lụt miền Trung nhưng đành phải huỷ cũng là điều dễ hiểu. Hay là quá nhiều mì tôm nên phải chuyển ngược đi nơi khác… Thực tế này đúng là dở khóc, dở cười do hoạt động cứu trợ đã diễn ra quá tự phát mà thiếu vai trò điều phối.

PV: Trong đợt cứu trợ lũ lụt, sạt lở đất miền Trung vừa qua, nhiều cá nhân đã quyên góp được những khoản tiền rất lớn mà điển hình là ca sĩ Thuỷ Tiên. Ông nghĩ gì về thực tế này và liệu có cần một quy chế kiểm tra, giám sát với những khoản tiền rất lớn đó không?

TS Trần Quốc Hùng: Qua thực tế của những cá nhân từ thiện trực tiếp thì có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Vấn đề an ninh, vấn đề trật tự, vấn đề giải ngân, vấn đề công bằng, tính giải trình, minh bạch, đúng mục đích… cần phải đặt ra.

Ca sĩ Thuỷ Tiên trực tiếp đi cứu trợ đồng bào chịu hậu quả lũ lụt ở miền Trung. Ảnh: báo Thanh Niên

Ca sĩ Thuỷ Tiên trực tiếp đi cứu trợ đồng bào chịu hậu quả lũ lụt ở miền Trung. Ảnh: báo Thanh Niên

Tôi nghĩ, việc Nhà nước tham gia kiểm toán với những khoản tiền lớn trong công tác vận động cứu trợ của cá nhân, tổ chức rất cần và đúng. Điều này gần giống như chính sách về thuế thu nhập. Nếu như mức thu nhập dưới một mức nào đó thì không phải đóng khoản thuế này. Nhưng khi đã qua ngưỡng thì đương nhiên phải đóng thuế thu nhập. Và trong công tác từ thiện, nhân đạo có lẽ cũng vậy. Khi cá nhân, tổ chức huy động xã hội được quá lớn thì cần phải được kiểm soát. Dân gian có câu “Như xe không khoá để ngay Bờ Hồ” và với những khoản tiền quá lớn huy động được cho công tác cứu trợ thì Nhà nước phải có trách nhiệm để đảm bảo sự minh bạch, tránh thất thoát và sự cứu trợ phải đúng địa chỉ một cách công bằng nhất.

PV: Ông nghĩ gì về tác dụng và giá trị của các dịch vụ nhắn tin quyên góp tiền cho các hoạt động nhân đạo?

TS Trần Quốc Hùng: Đây là hoạt động mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thực hiện trong gần 10 năm nay. Thông qua dịch vụ này, mọi người không cần phải trực tiếp đến ủng hộ tiền, chỉ cần thao tác trên điện thoại, kể cả điện thoại không kết nối internet. Thứ hai là họ có thể ủng hộ một số tiền khá nhiều thông qua các cú pháp khác nhau. Thêm nữa là bản thân người nhắn tin với những số tiền lớn có thể yêu cầu chuyển tiền cho các địa chỉ mong muốn. Và như vậy, dịch vụ này là một hình thức rất nhanh nhạy và tiện lợi.

Ngoài hình thức nói trên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn áp dụng một hình thức khác nữa. Đó là hệ thống ngân hàng địa chỉ nhân đạo điện tử (iNhandao) nằm trong đề án Tri thức Việt số hoá (iTrithuc) của Chính phủ. Khi đó, các địa chỉ cần cứu trợ được đưa lên mạng và tương tác giữa người nhận với người cho để các khoản tiền hỗ trợ được chuyển thẳng vào tài khoản của người nhận. Tuy nhiên, hình thức này mới ở trong giai đoạn bước đầu và đang còn một số khó khăn về mặt kỹ thuật. Cụ thể là vẫn còn nhiều địa chỉ cần hỗ trợ chưa có tài khoản ngân hàng. Khi đó, đành phải thông qua chính quyền và Hội Chữ thập đỏ địa phương.

PV: Theo ông, Nghị định 64 về công tác cứu trợ nhân đạo cần phải điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để các hoạt động này có hiệu quả và ý nghĩ tốt hơn?

TS Trần Quốc Hùng: Thứ nhất là để huy động các tổ chức, cá nhân đều được tham gia, chúng tôi nghĩ là nên cho phép mọi tổ chức, cá nhân có thể đứng ra vận động nguồn lực. Tuy nhiên, phải có điều kiện thứ hai là sự công khai, minh bạch về những khoản tiền vận động được và khi triển khai thì nên phối hợp với chính quyền địa phương hoặc các tổ chức được giao trách nhiệm trong đó có hệ thống Hội Chữ thập đỏ.

Như Nghị định 64 hiện nay thì chỉ quy định một số cơ quan được ra lời kêu gọi và tổ chức vận động như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan báo chí, các quỹ xã hội và từ thiện. Vì thế, như trường hợp của ca sĩ Thuỷ Tiên hay MC Phan Anh theo Nghị định 64 còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Theo tôi, khi thay thế Nghị định 64 thì có thể cho phép rộng rãi hơn nhưng khi triển khai thì cần thông qua các tổ chức chính thống để được điều phối, quản lý một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn. Và như đã nói, với những khoản tiền huy động được quá lớn thì các cá nhân, tổ chức phải được giám sát, kiểm toán.

PV: Hiện nay, việc vận động và cứu trợ nhân đạo do cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đứng ra đảm nhận. Theo ông, hai cơ quan này cần phân chia trách nhiệm như thế nào để hợp lý và hiệu quả cao hơn?

TS Trần Quốc Hùng: Trong một quy trình chung của công tác nhân đạo, chúng ta có 5 bước. Thứ nhất là ra lời kêu gọi, thứ hai là tổ chức tiếp nhận, thứ ba là triển khai nguồn lực, thứ tư là kiểm tra giám sát và thứ năm là tôn vinh khen thưởng. Ở đây, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của từng tổ chức mà nói cụ thể hơn là giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thì chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 64 là nên trong giai đoạn ra lời kêu gọi là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò tập hợp, đoàn kết, huy động hiệu triệu nhân dân.

Thế nhưng việc tiếp nhận và triển khai các nguồn lực huy động được thì nên giao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với hệ thống 4 cấp, với các phương pháp, tài liệu, kinh nghiệm chuẩn thức từ phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã áp dụng ở nhiều nước. Đặc biệt, lực lượng của Hội Chữ thập đỏ rất chuyên nghiệp, bài bản trong công tác cứu trợ nhân đạo và có mặt từ cộng đồng. Và như vậy thì tiền và hàng sẽ được tập trung không chỉ từ các nguồn trong nước mà cả các nguồn từ nước ngoài vì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có cả chức năng kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy, khi nguồn lực không nhiều thì cần tập hợp lại, sau đó là triển khai bài bản thật tốt.

Và đến giai đoạn kiểm tra, giám sát thì đó là vai trò của Mặt trận Tổ quốc theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Rồi đến việc tôn vinh khen thưởng thì Mặt trận Tổ quốc cũng là tổ chức có thế mạnh. Như vậy, trong 5 bước như đã nói, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở trong 2 giai đoạn là tiếp nhận và triển khai. Còn như hiện nay thì Mặt trận Tổ quốc chỉ tiếp nhận tiền còn hàng thì chuyển sang Hội Chữ thập đỏ. Điều này diễn ra ở cả Trung ương và địa phương. Như vậy, trong cơ chế hiện nay thì nguồn lực huy động được không thật sự hiệu quả vì những khoản tiền mà Mặt trận Tổ quốc tiếp nhận cũng chỉ là phân bổ lại cho các địa phương và dừng lại ở đó. Riêng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các khoản tiền nhận được sẽ được triển khai thành các dự án, tiểu dự án. Và thông qua 4 cấp hội thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có thể triển khai rất bài bản.

Tuy nhiên, nếu như không đạt được việc giao trách nhiệm tiếp nhận cứu trợ cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thì chúng tôi kiến nghị phương án 2 là trong Ban cứu trợ các cấp thì đại diện của Hội Chữ thập đỏ nên là Phó Trưởng ban Thường trực. Điều đó giống như trong cơ cấu của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện hiện nay thì Bộ trưởng Bộ Y tế là Trưởng ban và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là Phó Trưởng ban Thường trực. Khi đó, các nguồn lực sẽ được quản lý thống nhất trong một cơ chế chung.

PV: Xin cám ơn ông!