Kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ thời 4.0 hướng đến sinh thái bền vững

VietTimes – Hội nghị kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ thời 4.0 hướng đến kết nối tiện ích, mở rộng trên nền tảng mối quan hệ bền vững giữa đô thị sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.
Du lịch TP.HCM giảm sâu vì COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
Du lịch TP.HCM giảm sâu vì COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)

Trong hai ngày 27 và 28/6, tại vùng Đông Nam Bộ đã diễn ra hội nghị kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ thời 4.0. Sáu vùng đất, 6 bản sắc riêng biệt được phân tích, mổ xẻ những ưu thế, khơi nguồn kết nối tinh hoa, hướng đến hội tụ phát triển bền vững.

Điểm chung của 6 vùng đất Đông Nam Bộ là vừa có tinh hoa dẫn lối vào đô thị sầm uất, vừa sở hữu biển đảo tràn đầy nhựa sống, với nhiều mạch nguồn len lỏi trong những đô thị sinh thái rồi hòa mình vào giai điệu thiên nhiên của dòng văn hóa lịch sử.

TP.HCM sôi động hào sảng, Bà Rịa Vũng Tàu sắc biển hòa ca, Bình Dương âm vang vùng đất mới, Đồng Nai thiên nhiên xanh mát, Bình Phước đất lửa nở hoa, Tây Ninh danh nhân lịch sử.

Tại hội nghị, đại diện đến từ các điểm cầu vùng Đông Nam Bộ đã xác định trọng điểm của quảng bá kích cầu du lịch thời 4.0 là phải biết tận dụng những ưu thế về mặt địa lý của vùng đất này. Theo dòng chảy của lịch sử, Đông Nam Bộ hòa vào dòng chảy hợp lưu của đất nước, lấy hội nhập làm động lực, lấy sự giao thoa của các nền văn hóa làm sức mạnh để phát triển bền vững.

Tại hội nghị kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ thời 4.0, các đơn vị hướng đến kết nối tiện ích (Ảnh: Hữu Long)
Tại hội nghị kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ thời 4.0, các đơn vị hướng đến kết nối tiện ích (Ảnh: Hữu Long)

Với thế mạnh kết hợp hài hòa giữa đất liền và biển đảo, cung đường nhiều thuận lợi trong cả giao lưu kinh tế và văn hóa, vùng đất Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, đan xen với nhau, tạo thành một sắc thái đặc biệt, độc đáo trên nhiều phương diện. Ưu thế về vị trí địa lý và tính chất mở, cùng sức sống mới đã biến vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm hội tụ trong vùng tiếp xúc Đông – Tây.

Du lịch Đông Nam Bộ được các đại diện xác định điểm nhấn chính là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị, và công trình văn hóa.

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL Tây Ninh phát biểu: “Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP.HCM và thủ đô Phnompenh - vương quốc Campuchia, có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 240 km, với 16 cặp cửa khẩu (03 của khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ) trong đó cửa khẩu quốc tế gồm: Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; có đường Hồ Chí Minh đi qua, có sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông chảy qua là điều kiện thuận lợi về giao thông trong việc phát triển kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng Đông Nam bộ, kể cả Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN”.

“Tây Ninh Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - “Thủ đô” của cách mạng miền Nam; Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà Đen có đỉnh cao nhất Nam bộ, có Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen”, có công trình cáp treo- máng trượt đầu tiên ở Việt Nam, có nhà ga cáp treo Bà Đen Mountian được trao kỷ lục Guiness nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới; Hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước rộng hơn 27.000 ha có nhiều đảo lớn, nhỏ là công trình hồ thủy nông nhân tạo lớn nhất khu vực, phục vụ tưới tiêu cho hơn 72.000 ha đất nông nghiệp trong ngoài tỉnh, cảnh quan hữu tình; Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh - một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo nơi thờ phượng của một tôn giáo nội sinh phát tích tại Tây Ninh; Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát - Vườn Di sản ASEAN với hệ thống rừng mang tính nguyên sinh; là nơi cư trú của hơn 130 loài chim nước, đặc biệt có loài chim quí, hiếm được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam” – Ông Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Đông Nam Bộ (Ảnh: Hữu Long)
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Đông Nam Bộ (Ảnh: Hữu Long)

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Nai cho biết: “Với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức, du lịch Đồng Nai đang nỗ lực để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch, theo đó hướng du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn về môi trường sinh thái”.

Ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Chương trình kích cầu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020 sẽ diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12/2020 với 82 doanh nghiệp du lịch của tỉnh tham gia với chủ đề “Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu an toàn - thân thiện - vì sức khỏe cộng đồng” cùng nhiều hình thức khuyến mãi “Giám giá”, “Nâng cao chất lượng dịch vụ” hoặc kèm theo quà tặng.

Tận dụng sức mạnh số trong thời đại 4.0, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch đã cùng chung tay kết nối, mở rộng tiện ích, cam kết thúc đẩy, kích cầu du lịch theo hướng phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) năm 2019, Việt Nam đứng trong top 7 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Cũng trong năm vừa qua, tại giải thưởng World Travel Awards được coi là Oscar của ngành du lịch thế giới, Việt Nam vinh dự được xướng tên Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.