Giàn khoan dầu khí đầu tiên ra đời tại California vào năm 1896, không lâu sau khi đường dây điện thoại dưới đáy biển đầu tiên được lắp đặt. Nhưng ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi này đã bị đình trệ trong nhiều thập kỷ sau đó. Phải đợi tới nửa cuối của thế kỷ 21, ngành công nghiệp khai thác dầu ngoài khơi mới lấy lại đà phát triển. Trong giai đoạn 1954-1971, sản lượng dầu mà Mỹ khai thác được từ biển tăng đều đặn từ 133.000 thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày. Tới nay, trên Vịnh Mexico có khoảng 4.000 giàn khoan dầu đang hoạt động, chiếm gần 75% tổng sản lượng dầu của khu vực.
Cùng với sự phức tạp trong cơ sở hạ tầng khoan dầu, các giàn khoan này cũng bộc lộ nhiều điểm yếu có thể trở thành mục tiêu tấn công. Riêng một giàn khoan ngoài khơi đã cần một hạ tầng trải dài trên hàng chục km dưới đáy biển và được kết nối với nhiều giếng dầu qua hệ thống đường ống có thể điều khiển từ xa - đây đều là những mục tiêu tiềm tàng của các hoạt động thù địch.
Một vụ tấn công vào hạ tầng dầu khí ở vùng nước sâu gây ra nhiều hệ lụy. Đầu tiên là thảm họa môi trường. Người dân sống trên Vịnh Mexico hẳn không thể quên được những tác động chết người của thảm họa tràn dầu sau vụ nổ giàn khoan nước sâu Horizon của hãng BP năm 2010, mà riêng chi phí làm sạch môi trường biển đã tiêu tốn hàng chục triệu USD. Và giàn khoan này chỉ là một trong hàng nghìn cơ sở khai thác dầu khí khác hiện đang hoạt động trên Vịnh Mexico, cùng hàng nghìn km đường ống và một mạng lưới rộng các giếng dầu dưới đáy biển.
Hai là, nó có thể khiến hoạt động cung ứng năng lượng toàn cầu bị gián đoạn. Ngày nay, 1/3 tổng sản lượng dầu thế giới được khai thác ngoài biển, trong đó, những cơ sở khai thác lớn nhất đang nằm ở Vịnh Persian và biển Caspi. Để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, các công ty dầu khí ngày càng mạo hiểm đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác ở vùng nước sâu và rất sâu (300 - 450 km) trên các đại dương. Trong thập kỷ qua, đầu tư toàn cầu vào hạ tầng dầu khí ngoài khơi tăng đều đặn từ 100 triệu USD tới trên 300 triệu USD/năm. Trữ lượng dầu khí mới phát hiện tại các vùng nước sâu hiện nay ước tính vượt qua trữ lượng trên đất liền và vùng nước nông. Đến năm 2035, ước tính các giếng dầu ở vùng nước sâu sẽ chiếm khoảng 11% tổng sản lượng dầu toàn cầu, so với 6% của năm 2013.
Như vậy, hạ tầng cơ sở viễn thông và dầu khí dưới đáy biển rất dễ tổn thương trước các vụ tấn công và nguy cơ này sẽ lớn hơn trong những năm tới, nhất là khi công nghệ về các thiết bị ngầm ngày càng phát triển và dễ tiếp cận hơn. Các lực lượng thù địch, cực đoan sẽ tấn công vào các cơ sở không được bảo vệ này bằng việc làm nổ tung hạ tầng đáy biển ở những địa điểm nhạy cảm, đẩy thị trường năng lượng, viễn thông, tài chính… vào tình trạng hỗn loạn và còn có thể làm gián đoạn hệ thống kiểm soát chỉ huy quân sự. Hoạt động này có thể do các thế lực nhà nước hoặc phi nhà nước tiến hành, dưới hình thức các vụ tấn công nặc danh hoặc mạo danh khiến hoạt động răn đe trở nên khó khăn.
Thực tế, những mối nguy này không phải giờ mới xuất hiện. Trước khi mạng lưới cáp quang đáy biển thống trị ngành viễn thông, việc cắt đường cáp chạy dưới đáy biển đã là một phần của các cuộc chiến tranh trên thế giới. Năm 1914, vài ngày sau khi tuyên chiến và bước chân vào Thế chiến I, Anh đã cắt tất cả 5 đường cáp dưới đáy biển của Đức chạy qua Kênh đào Anh. Còn trong Thế chiến II, các bên tham chiến cũng thường xuyên cắt cáp của đối phương hòng cắt đứt liên lạc giữa các mặt trận.
Nhận thức được mức độ nguy hại của các cuộc tấn công như vậy, nhưng các nước vẫn chưa có nhiều biện pháp cần thiết để bảo vệ hạ tầng rất thiết yếu với an ninh quốc gia này. Ngay cả cường quốc hàng đầu như Mỹ cũng không có nhiều giải pháp để bảo vệ “gót chân Asin” của mình. Lực lượng Bảo vệ bờ biển, thuộc Bộ An ninh nội địa, phụ trách về an ninh biển nên là lực lượng phải gánh trách nhiệm nặng nề này. Nhưng thực tế, lực lượng này mới chú trọng vào an ninh tại hải cảng và quan tâm chưa đáng kể tới phần giàn khoan nổi và các cơ sở hạ tầng khác dưới đáy biển như cáp quang, đường ống dẫn dầu khí. Lực lượng an ninh Mỹ có vận hành hệ thống giám sát ngầm để phát hiện các kẻ xâm nhập và một số không nhiều các thiết bị ngầm không người lái, nhưng đa số nhằm bảo vệ các hải cảng, kiểm tra cơ sở trên bờ biển, chứ chưa vươn ra khơi xa.
Hiện nay, để bảo vệ hạ tầng dưới đáy biển, các nước như Australia, New Zealand đã ra lệnh cấm việc đánh bắt cá, nhất là bằng loại lưới rà đáy biển, và không cho phép tàu thuyền hạ neo ở nơi gần những đường cáp quang quan trọng. Một giải pháp khác đó là, do việc tấn công hạ tầng đáy biển cần thiết bị tấn công ngầm, nên có thể sử dụng các thiết bị cảm ứng để phát hiện tần số sóng sonar để kịp thời báo động cho các lực lượng bảo vệ bờ biển.
Ngoài ra, cũng cần sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản lực lượng khủng bố phá hoại hệ thống cáp quang hoặc giàn khoan. Các trang thiết bị dưới biển rất khó thay thế, do vậy, việc xây dựng thừa các tuyến cáp quang hôm nay có thể giúp tiết kiệm được hàng tỷ USD trong tương lai. Việc xây dựng thêm các cảng nước sâu để tiếp nhận tàu chở dầu khí cũng cần được khuyến khích để tránh khả năng gây gián đoạn đường vận chuyển năng lượng khi xảy ra tấn công.
Chi phí cho những biện pháp phòng ngừa này chắc hẳn sẽ thấp hơn nhiều so với những thiệt hại tiềm tàng mà các vụ tấn công khủng bố có thể gây ra đối với dòng chảy viễn thông và năng lượng toàn cầu. Nhưng với tầm quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng này đối với nền kinh tế và an ninh, nó rất đáng để đầu tư. Còn một rào cản lớn nhất đối với việc chống hoạt động khủng bố đáy biển nữa chính là tầm nhìn và nhận thức để nhận thấy rằng những mối đe dọa này đang ngày càng lớn.
Theo: Báo Tin Tức