|
Như đã biết, Quân đội Trung Quốc thời gian qua đã được hiện đại hóa trên quy mô rất lớn và toàn diện. Bên cạnh không quân, hải quân, pháo binh số 2... thì lực lượng phòng không cũng có sự thay đổi cả về chất và lượng.
Mạng lưới phòng không của Trung Quốc được đánh giá có mật độ dày đặc hàng đầu thế giới, với rất nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại, từ tầng thấp đến tầng cao, cả nhập khẩu lẫn tự sản xuất trong nước như S-300PMU2, HQ-9, HQ-16...
Bên cạnh đó, những trạm radar tầm xa, hệ thống vệ tinh quân sự cùng các máy bay cảnh báo sớm gần như không để chừa một kẽ hở nào cho đối phương có thể lợi dụng.
Tuy nhiên, việc để các máy bay chiến đấu Myanmar xâm nhập lãnh thổ, ném bom và rút lui an toàn hôm 8/3 đã đặt ra nghi vấn lớn về hệ thống phòng không của Trung Quốc. Phải chăng sức mạnh thực sự của họ còn xa mới được như quảng cáo?
|
Máy bay cường kích Q-5 của Myanmar |
Câu hỏi đang được rất nhiều người đặt ra lúc này là tại sao những chiếc cường kích của Myanmar lại có thể xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc một cách dễ dàng như vậy?
Phía Trung Quốc có thể lý giải rằng họ đã mất tập trung, không lường trước tình huống máy bay Myanmar đang không kích lực lượng phiến quân sát biên giới lại đột ngột "lạc" qua lãnh thổ mình nên mới có phản ứng chậm chạp.
Tuy nhiên giải thích này rất khó có thể chấp nhận, với hệ thống radar cảnh giới đồ sộ của mình, Trung Quốc sẽ phải phát hiện được tốp cường kích Myanmar từ rất xa.
Và khi chúng tiến sát biên giới thì lực lượng phòng không sẽ phải tăng cường theo dõi, sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả bắn hạ ngay lập tức.
Điều này chắc chắn sẽ phải xảy ra nếu như Trung Quốc phát hiện tốp cường kích của Myanmar.
Nhưng chính vì không có phản ứng nào đưa ra khi máy bay đã lấn sâu vào cả chục km đã khiến giả thiết hệ thống phòng không Trung Quốc tồn tại lỗ hổng lớn trở nên có sức thuyết phục.
|
Radar YLC-18 của Trung Quốc |
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống radar cảnh giới Trung Quốc bị bất lực, không phát hiện được mục tiêu.
Việc 2 máy bay B-52 của Mỹ hoạt động thoải mái, không hề bị ngăn cản ngay trong vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa mới đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông đã được một số chuyên gia quân sự nhận định rằng đó là do radar Trung Quốc bị "mù".
Còn trước đó, radar hiện đại của Trung Quốc cũng bị "sỉ nhục" ở Trung Mỹ, khi Ecuador hủy hợp đồng mua các đài YLC-2V và YLC-18 trị giá tới 60 triệu USD vì những radar này không thể hoạt động một cách bình thường, rất hay "bị treo" bất ngờ.
Do vậy, nếu thực sự nguyên nhân để lọt máy bay chiến đấu Myanmar là do lỗ hổng của hệ thống phòng không thì đây là một thực trạng đáng báo động của Quân đội Trung Quốc, khác hẳn với hình ảnh hoàn hảo mà họ vẫn ra sức tuyên truyền.
Theo: InfoNet