Trong bối cảnh kết nối mạng trở thành nhu cầu thiết yếu, nhiều người thường sử dụng Wi-Fi công cộng tại các quán cà phê, sân bay hoặc trong các chuyến đi công tác và nghỉ lễ. Tuy nhiên, những kết nối này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn và bảo mật thông tin cá nhân. Các chuyên gia từ Kaspersky đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp người dùng bảo vệ dữ liệu khi sử dụng các mạng không hạn chế.
Chuyên gia bảo mật Kaspersky cho biết để bảo vệ dữ liệu và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng Wi-Fi công cộng, người dùng nên tuân thủ các biện pháp sau:
1. Chỉ kết nối khi cần thiết: Chỉ sử dụng Wi-Fi công cộng trong những trường hợp thực sự cần thiết vì những mạng này thường có nhiều lỗ hổng bảo mật.
2. Xác minh mạng lưới: Kiểm tra tính hợp pháp của Wi-Fi với nhân viên của cơ sở cung cấp dịch vụ để tránh kết nối vào mạng giả mạo.
3. Chú ý trang đăng nhập: Cẩn thận với các yêu cầu đăng nhập từ Wi-Fi công cộng, đặc biệt nếu yêu cầu thông tin qua các nền tảng bên ngoài như mạng xã hội, đây có thể là dấu hiệu của lừa đảo.
4. Tránh giao dịch tài chính: Không truy cập các trang web yêu cầu thông tin đăng nhập, đặc biệt là giao dịch tài chính, khi sử dụng Wi-Fi công cộng để giảm nguy cơ chặn dữ liệu nhạy cảm. Thay vào đó, người dùng nên sử dụng dữ liệu di động.
5. Sử dụng VPN: Sử dụng VPN khi kết nối Wi-Fi công cộng để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư. VPN mã hóa dữ liệu, bảo vệ các hoạt động trực tuyến khỏi bị truy cập trái phép và không ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ Internet.
Theo Kaspersky, tuân thủ các hướng dẫn trên và sử dụng một giải pháp VPN đáng tin cậy sẽ giúp đảm bảo quyền riêng tư khi sử dụng Wi-Fi công cộng. Ngoài mã hóa dữ liệu, VPN còn bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công như phishing (lừa đảo) và DNS spoofing (giả mạo DNS), đảm bảo an toàn cho lịch sử trình duyệt và thông tin nhạy cảm.
VPN không chỉ hữu ích khi kết nối Wi-Fi công cộng mà còn trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng. Các dịch vụ VPN chất lượng cao sẽ đảm bảo an toàn mà không gây gián đoạn đường truyền Internet hoặc ảnh hưởng đến tốc độ duyệt web và tải xuống.
Phân tích cụ thể về trường hợp này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam, cũng cho rằng người dùng có nguy cơ bị tấn công đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc khi sử dụng các mạng Wi-Fi không tin cậy.
"Tin tặc tạo ra các mạng Wi-Fi giả mạo có tên gần giống với các điểm Wi-Fi công cộng khiến người dùng khó phân biệt. Việc này nhằm đánh lừa người dùng kết nối vào hệ thống Wi-Fi để kiểm soát dữ liệu", ông Sơn nói.
Nhờ đó, tin tặc kiểm soát được toàn bộ các kết nối từ thiết bị ra internet. Tin tặc có thể đứng ở giữa, thực hiện đánh cắp thông tin hoặc chuyển hướng truy cập đến các trang web giả mạo. Tin tặc lừa người dùng nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, thậm chí là mã OTP để chiếm đoạt tài sản.
"Hơn thế, tin tặc còn có khả năng can thiệp vào quá trình duyệt web, từ đó lừa người dùng cài đặt phần mềm giả mạo, mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại, máy tính", ông Sơn cho biết thêm.
Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP
Năm 2023, theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Trong đó, 91% cảnh báo liên quan tới giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022.