Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bộ Chính trị cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, cần khai thác tối đa thị trường trong nước. Đồng thởi, phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020.
Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng định hướng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh.
Xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế.
Tiến hành khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ Chinh trị cho biết trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020.
Khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển
Về giải pháp dài hạn, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị cũng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu trong các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính - ngân sách nhà nước, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác. Phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu.
Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, thoái vốn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động” - kết luận nêu.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu chủ động, có cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái, nhất là từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu./.