Ngày 15.12, Phó Thái tử Mohammed bin Salman al-Saud đã công bố thành lập một trung tâm điều phối hoạt động chung ở Riyadh để "hỗ trợ các hoạt động quân sự chống lại chủ nghĩa khủng bố" và phối hợp với "các quốc gia yêu chuộng hòa bình thân thiện và các tổ chức quốc tế".
Liên minh quân sự Ả Rập được hình thành với 34 nước thành viên nhằm thực hiện nỗ lực "xây dựng" hòa bình trong các cuộc xung đột sắc tộc trong khu vực, như các cuộc nội chiến tại Syria và Yemen.
Liên minh được thành lập dựa trên các quốc gia Hồi giáo Sunni, gồm các nước mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ai Cập, Morocco, Jordan và hầu hết các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh.
Việc tạo ra một liên minh Ả Rập đánh dấu một bước đi mới của Ả Rập Saudi trong việc khẳng định vai trò tại Trung Đông. Riyadh vừa có mục tiêu tiêu diệt tổ chức khủng bố IS vừa quan tâm đến việc gia tăng sức mạnh của đối thủ Iran.
Nhiều người Ả Rập tin rằng cuộc nội chiến tại Syria và xung đột phe phái tại Iraq sẽ khiến các tín đồ Trẻ của dòng Sunni "rơi" vào vòng tay của IS.
Trước đó, Ả Rập Saudi cũng đã bị chỉ trích mạnh khi thực hiện chiến dịch ném bom và đưa bộ binh tới Yemen, nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị truất phế của nước này từ tay của các chiến binh Houthis do Iran hậu thuẫn.
Chính vì mục tiêu là để tạo "cán cân sức mạnh" cân bằng với thế lực mới nổi của Iran nên Cộng hòa Hồi giáo Iran không có mặt trong liên minh chống khủng bố của Ả Rập Saudi. Iraq một nước cũng đa số là người theo dòng Shitte cũng không có mặt trong liên minh chống khủng bố mới này.
Oman, quốc gia làm cầu nối đàm phán cho hai phe đình chiến tại Yemen cũng không được mời tham gia liên minh chống khủng bố của Ả Rập Saudi.
Ả Rập Saudi là một vương quốc bị cộng đồng quốc tế nhiều lần chỉ trích vì điều hành đất nước theo luật Hồi giáo Wahhabi, tương tự như cách IS điều hành khu vực mà chúng chiếm được.
Thiên Hà - Theo Financial Times, Một thế giới