Cầu Tứ Liên triển khai thế nào khi Vingroup xin đầu tư BT?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tham gia xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất theo quy định của Luật Thủ đô...

Hà Nội chưa xác định nguồn vốn thực hiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 10/2024, Sở GTVT Hà Nội chưa có kế hoạch khởi công cầu Tứ Liên.

Theo ông Thành, cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Sở GTVT đã phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Phương án kỹ thuật, cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ, chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km. Đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km, tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.

Dự kiến, Sở GTVT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội sẽ triển khai phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu. Huyện Đông Anh sẽ làm chủ đầu tư phần từ Quốc lộ 5 đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Theo ông Thành, TP Hà Nội mới có thông báo giao lại dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nghiên cứu, tham mưu thành phố chuyển dự án này sang hình thức đầu tư công. Hà Nội đang tập trung toàn lực cho dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô nên chưa xác định nguồn vốn thực hiện đầu tư cầu Tứ Liên tại thời điểm này.

Theo ông Thành, cầu Tứ Liên còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, điều kiện thuận lợi nhất cũng phải mất từ 3 năm trở lên mới có thể hoàn thành dự án. Có thể dự án chậm hơn do còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, chuẩn bị. Bởi qua khảo sát kỹ thuật, việc thi công xây dựng cầu còn liên quan đến công tác bảo đảm an toàn đê sông Hồng, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, nhất là khu vực đầu cầu trên địa bàn quận Tây Hồ...

Anh 1.jpg
Vingroup xin BT cầu Tứ Liên, đối ứng quỹ đất Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Phối cảnh cầu Tứ Liên.

Ông Thành cũng cho biết, Hà Nội đang cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn như cầu: Mễ Sở, Hồng Hà (trên Vành đai 4), Vân Phúc, Ngọc Hồi, Thượng Cát… Dự án nào hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước thì triển khai trước để tận dụng hiệu quả nguồn vốn.

Đối ứng quỹ đất Nhật Tân - Nội Bài

Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đề xuất tham gia xây dựng cầu Tứ Liên. Tập đoàn này đề xuất được tham gia xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) thanh toán bằng quỹ đất (dự kiến là các quỹ đất nằm trên trục Nhật Tân - Nội Bài) theo quy định của Luật Thủ đô.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết chưa nhận được đề xuất của doanh nghiệp cũng như chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về nội dung này. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, luật hiện nay chưa có loại hình BT, do đó phải chờ Luật Thủ đô có hiệu lực (1/1/2025). Tham mưu về hình thức đầu tư là Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. "Giờ chưa đâu với đâu, chủ trương đầu tư chưa lập nên dự án không thể khởi công trong năm nay", đại diện Sở GTVT thông tin.

Dư luận cũng đang quan tâm nhiều đến tính minh bạch khi triển khai dự án BT khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Bởi trước đó, quá trình triển khai dự án BT trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh không ít vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như: Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương lập (Công ty CP Tasco thực hiện), thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT 19.561,9 triệu đồng.

Lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư dự án đường bao quanh tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Thanh Trì (Công ty Bitexco thực hiện) không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền 12.173,6 triệu đồng. Lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền 15.907,47 triệu đồng...

Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, BT là hình thức đầu tư mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội. Hoàn toàn có thể minh bạch hoạt động đầu tư nếu được dự toán kỹ càng, chính xác, giám sát chặt chẽ. Trên cơ sở dự toán dự án, Nhà nước trả cho doanh nghiệp quỹ đất đối ứng phù hợp được xác định giá cả chính xác theo nguyên tắc thị trường đã được quy định trong Luật Đất đai.

Ông Thịnh cũng cho rằng, cần xác định các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, thậm chí đấu thầu nếu nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong phê duyệt dự án BT, đảm bảo quá trình BT được thực hiện rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm.

Ngày 26/10, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có buổi kiểm tra tình hình triển khai dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thủ tướng nhất trí chủ trương triển khai dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sớm triển khai dự án này, song đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước...