Chỉ cần vài trò lạ, độc, thậm chí là đi ngược với những lối suy nghĩ chung, chuẩn mực chung họ sẽ trở thành hiện tượng và họ nổi tiếng.
“Hiện tượng” thì được săn đón
Chỉ cần lên trang tìm kiếm tiêu biểu như Google thôi và gõ những cụm từ như “Lệ Rơi”, “bản sao Sơn Tùng M-TP”, “cô gái vừa ăn kẹo vừa hát”, “Thủy Top”… thì lập tức cho ra kết quả khổng lồ. Có đến hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn các kết quả, các bài viết liên quan đến những nhân vật hiện tượng mạng này, những con số này thật sự rất đáng mơ ước đối với những nghệ sĩ trẻ có tài năng đang ngày một nhọc nhằn tìm bước tiếp cận đến công chúng.
Những gương mặt hiện tượng này thực sự đang rất được các bầu show từ vũ trường, tụ điểm, đến sân khấu tỉnh săn đón một cách ráo riết, thậm chí là cả các show truyền hình nổi tiếng. Rất nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi cô nàng Thủy Top vốn rất nổi tiếng với việc khoe vòng một đẫy đà, nảy lửa chứ không phải khoe các sản phẩm âm nhạc và công chúng cũng chưa được biết đến Thủy Top với tư cách là ca sĩ. Nhưng bỗng một ngày cô đường hoàng có mặt trong cuộc thi “Tuyệt đỉnh tranh tài” với danh xưng là ca sĩ, đường hoàng đứng ngang bằng với những ca sĩ chuyên nghiệp đã miệt mài lao động suốt nhiều năm như Thảo Trang, Hải Yến idol, Trung Quân Idol, Hoàng Tôn… Đến nay cô đã đi đến top 3, một vị trí có khả năng tranh ngôi vị quán quân của mùa giải chẳng vì tài năng mà là vì những phiếu bầu từ tin nhắn, những phiếu bầu này ngày nay có thể mua dễ như mua rau.
Một anh chàng nông dân trồng ổi bỗng một ngày nổi tiếng với cái tên “Lệ Rơi”, chẳng vì đẹp trai, chẳng vì năng khiếu gì thậm chí là có giọng hát quá tệ, tệ đến nỗi mà làm nhiều người phải bật cười và chú ý. Nhưng cái sự tệ đó lại giúp cho Lệ Rơi đường hoàng được săn đón vào showbiz chẳng phải vì tài năng ca hát, diễn xuất mà đơn giản vì anh đang gây chú ý trên mạng. Thế rồi “Lệ Rơi” đi đóng phim, đi diễn kịch, nhận lời đi hát, và rồi lên cả truyền hình, tham gia các gameshow… chỗ nào Lệ Rơi cũng được ưu ái góp mặt, được là cái tên “đi bài” PR cho mỗi chương trình. Và cũng vì thế cái tên Lệ Rơi bỗng nhiên trở thành “sao”, trở thành gương mặt được săn đón nhất nhì showbiz ở cái thời dễ nổi tiếng đến mức chẳng cần gì đến tài năng hay năng khiếu.
Và còn nữa “bản sao Sơn Tùng” chỉ vì có gương mặt giống ca sĩ Sơn Tùng M-Tp lập tức anh chàng” bản sao” này có show diễn Bar, vũ trường, xuất hiện tại các sự kiện, event… nơi mà các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ có khi phải miệt mài phấn đấu cũng chưa chắc có xuất diễn ở đó. “Bản sao” xuất hiện chỉ cần “nhép” sao cho đúng với bản chính, ăn mặc sao cho thật giống thế là có tiền, thậm chí là có nhiều tiền. Hay như “cô gái vừa ăn kẹo vừa hát” bỗng nổi lên và đường hoàng bước vào “vòng giấu mặt” của chương trình lớn “Giọng hát Việt 2015” mà không cần phải qua bất cứ vòng thử giọng nào cũng may cô ấy còn có giọng hát tạm ổn. Một anh chàng phát ngôn lố bịch như Kenny Sang cũng tham gia đi diễn, đi sự kiện với khoản catse không hề nhỏ. Và còn rất nhiều những gương mặt hiện tượng nữa không thể liệt kê ra hết đang ngày một được các bầu sô chiều chuộng và săn đón.
Chẳng cần đến tài năng, chẳng cần đến rèn luyện mà chỉ cần làm trò gây chú ý trên mạng xã hội, trên Youtube là trở thành người nhà của showbiz. Sự dễ dãi của khán giả, của các bầu sô, của các chương trình truyền hình… đang ngày một làm cho showbiz việt trở nên rẻ mạt, lệch lạc và lố bịch hơn. Sức hấp dẫn của những màn trình diễn đang ngày một biến mất mà thay vào đó là những trò hề, trò mua vui mà mua vui thì đâu có được vài “trống canh”.
Rồi cũng có hệ quả, người ta bắt đầu thấy Lệ Rơi sẵn sàng ăn miếng trả miếng, bắt đầu trở nên hợm hĩnh với nghệ sĩ đàn anh, đàn chị và với cả những người dám chê anh. Người ta cũng thấy Thủy Top hát chưa có gì gọi là đình đám đang có nguy cơ trở thành quán quân trong cuộc thi ca hát của các ca sĩ chuyên nghiệp, và cô ấy sẵn sàng lên tiếng với cả ban tổ chức khi có người nào đó chê cô hát dở mà được ưu ái vì dùng tiền mua giải. Đó là những hệ lụy của việc quá chiều chuộng không có điểm dừng của các bầu sô, nhà tổ chức với các hiện tượng.
Người không có tài, không có khả năng thì ngày một nhiều, ngày một dễ nổi tiếng, còn người có tài chưa chắc dễ nổi nếu không biết “làm trò”. Tất cả chủ yếu là do sự dễ dãi, sự tung hê quá đà của một bộ phận bầu sô, công chúng vì lợi nhuận sẵn sàng mua vui bằng đủ cách, bằng đủ trò với những gương mặt hiện tượng không tài năng.
Tài năng đi về đâu?
Ngày một nhiều những chương trình truyền hình thực tế thi và tìm kiếm những gương mặt tài năng cho một thế hệ nghệ sĩ mới của Việt Nam. Những chương trình như “Việt Nam Idol”, “Nhân tố bí ẩn”, “Giọng hát Việt”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” … hàng năm được tổ chức và cũng tìm ra rất nhiều gương mặt hay, có tài, có nhân tố. Thế nhưng họ chỉ làm được mỗi một điều là gây hiệu ứng tốt trong cuộc thi, nhưng sau khi rời khỏi nó phần nhiều rơi rụng, và đa phần đi vào im lặng. Bởi hết cuộc vui là hết sự hỗ trợ, hết những sự chú ý khi mà showbiz vẫn phần nhiều đang “chuộng” làm trò hơn là đầu tư vào những sản phẩm và gương mặt tài năng nhưng ít “tiếng”.
Rất nhiều những gương mặt được chú ý, thậm chí được coi là lạ và hiếm được phát hiện nhưng mấy ai được chăm bẵm mà hầu hết lại phải tự mày mò mòn mặt qua các cuộc thi. Những gương mặt như Giang Hồng Ngọc, Dương Hoàng Yến, Hà My nếu không bền bỉ “mòn mặt” qua các cuộc thi thì cũng sẽ lặn ngụp đâu đó trong showbiz mặc dù họ có tài năng về giọng hát và họ cũng chỉ là tiêu biểu cho rất đông những tài năng khác kém may mắn hơn. Hay như sự im lặng, nhạt nhòa của Trần Hữu Kiên, Đăng Quân-Bảo Ngọc của “Việt Nam got talent”, Ngọc Ánh Idol, Phương Anh Idol, Hoàng Quyên, Nhật Thủy… chưa bao giờ là cái tên nóng hổi, và tìm kiếm của những chương trình, show diễn ăn khách. Bởi họ không biết diễn trò, không biết đến scandal, và hơn hết họ không lập dị như một vài hiện tượng.
Những gương mặt này hoặc không được ê kíp mạnh hỗ trợ, hoặc không có khả năng tài chính nên rất nhiều bỗng tỏa sáng rồi lại ngụp lặn nhanh. Chỉ có các “hiện tượng” thì ngày một nhiều, họ dễ dàng mua vui, dễ dàng được đổi món người này nhạt thì sẽ có kẻ khác thay thế, và hơn tất cả không phải mất tiền nhiều đầu tư cho họ. Sự lệch tông đáng báo động về gu thẩm mỹ lựa chọn hình thức giải trí đang ngày một xuống cấp của một bộ phận công chúng, báo động về một nền công nghiệp giải trí tưởng rằng chuyên nghiệp hơn nhưng ngày một không chuyên khi chỉ biết làm trò, làm tiền hơn là đầu tư cho nghệ thuật phát triển. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi tài năng sao bỏ phí hoài và họ sẽ đi về đâu khi những “hiện tượng” không có tài ngày một được chiều chuộng?
Theo Dân trí