|
Thủ tướng Nhật Bản Abe (bên trái) và người đồng cấp Ấn Độ Modi |
Sức hấp dẫn của cường quốc Châu Á Ấn Độ
Sự hấp dẫn của Ấn Độ xuất phát từ bối cảnh thế giới nói chung và khu vựcChâu Á nói riêngđang có những sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Về chính trị, Châu Á hiện giờ đang bị chia làm hai thái cực, một bên là những nước nghiêng về phía Trung Quốc và bên là những nước tập hợp dưới trướng của Mỹ. Mỗi bên đều ra sức tìm kiếm sự ủng hộ để giành lợi thế trước bên kia. Mỹ cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines muốn kiềm chế sự nổi lên của một Trung Quốc ngày càng táo bạo và quyết liệt. Ngược lại, Bắc Kinh cũng muốn thiết lập môt liên minh sức mạnh riêng trong khu vực để đối phó lại ảnh hưởng của Mỹ.
Chưa kể, Trung Quốc đang có những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với một loạt nước láng giềng xung quanh, đặc biệt phải kể đến cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Tokyo đang muốn thiết lập một mạng lưới liên minh để “khoá chặt” tham vọng của Trung Quốc. Cuộc đối đầu Đông-Tây hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng là một nhân tố khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn. Điều này được thấy rõ qua việc Mỹ và Nga vừa rồi đều tìm cách thắt chặt quan hệ với Ấn Độ.
Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ đã trở thành một lá bài chủ lực trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới và khu vực Châu Á. Là một nước lớn hàng đầu ở Châu Á và thế giới với tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn đồng thời sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ hiện tại đã trở thành một phần không thể thiếu cho bất kỳ một liên minh nào muốn giành ảnh hưởng lớn hơn liên minh còn lại. Đó là lý do khiến Mỹ, Nga, Nhật và Trung Quốc đang ra sức chèo kéo Ấn Độ.
Không chỉ đem đến lợi ích về chính trị ngoại giao, Ấn Độ còn đem đến lợi ích kinh tế rất lớn cho bất kỳ cường quốc nào ve vãn được họ. Với những lý do phân tích ở trên, trong năm 2014 và những ngày đầu của năm 2015, người ta chứng kiến nguyên thủ các cường quốc hàng đầu thế giới đổ xô đến Ấn Độ và Thủ tướng Ấn Độ cũng liên tiếp được mời đến thăm các nước lớn.
Rõ ràng, Ấn Độ đang được hưởng lợi rất lớn từ cuộc tranh giành của các cường quốc.
Cuộc đua của các ông lớn
Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, báo chí thế giới được dịp nóng lên bởi một chuyến thăm gây chú ý rất lớn của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhật Bản. Chuyến thăm này có rất nhiều điều khác thường và nó đã trở thành minh chứng cho một mối quan hệ ngày một thắm thiết hơn giữa Nhật Bản và Ấn Độ.
Buổi lễ tiếp đón ông Modi hôm 30/8/2014 của Thủ tướng Nhật Bản có những điều “bất thường” thú vị đã diễn ra. Ông Abe vốn thường tiếp đón các vị quan khách nước ngoài ở thủ đô Tokyo và việc ông đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ ở thủ đô cổ Kyoto, bên ngoài thủ đô Tokyo, là một điều cực kỳ hiếm hoi. Báo chí Nhật Bản miêu tả đây là một “sự đón chào hết sức đặc biệt” mà ông Abe dành cho ông Modi. Đáng chú ý hơn, Thủ tướng Abe đã đón người đồng cấp Modi bằng cái ôm vòng tay ra đằng sau rất chặt. Đây là một điều hết sức đặc biệt bởi ông Abe vốn nổi tiếng là người khá “lạnh lùng”, ít khi thể hiện tình cảm. Tình cảm thắm thiết giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã khiến Trung Quốc giận sôi, cáo buộc Tokyo đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Rất nhanh sau chuyến thăm trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đến tận Ấn Độ để “ve vãn” New Delhi, quyết tâm giành lại nước láng giềng từ tay đối thủ Nhật Bản. Bắc Kinh đã tìm cách lôi kéo Ấn Độ bằng hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ USD. Bắc Kinh hiểu rõ lợi thế về kinh tế của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ Trung-Ấn phức tạp hơn rất nhiều và Bắc Kinh không dễ gì có thể thuyết phục, lôi kéo được New Delhi.
Sau Nhật Bản, Trung Quốc, đầu năm 2015 chứng kiến cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm New Delhi.
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến New Delhi đã gặt hái rất nhiều thành công đúng như dự đoán của nhiều người. Ông Putin đã ký được hàng loạt hợp đồng, thoả thuận lớn với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ai cũng biết rằng, ông Putin tìm đến với người bạn truyền thống Ấn Độ trong bối cảnh nước Nga đang bị phương Tây dồn ép, bao vây và cô lập vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Nền kinh tế Nga bị tổn thương sâu sắc bởi các đòn trừng phạt của phương Tây. Tổng thống Putin muốn tăng cường, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với người bạn thân lâu năm Ấn Độ nhằm bù đắp cho những tổn thất mà nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu.
Đồng thời, Moscow cũng muốn phá vỡ vòng vây và sự cô lập mà phương Tây đang cố tạo ra xung quanh Nga. Tổng thống Putin rõ ràng đã được New Delhi đền đáp xứng đáng cho việc họ đã từng ủng hộ mạnh mẽ cho Ấn Độ trong quá khứ.
Không chịu thua kém các cường quốc khác, Tổng thống Barack Obama hồi cuối tháng 1 vừa rồi cũng đã đến New Delhi để phát triển mối quan hệ đồng minh Mỹ-Ấn.
New Delhiđã không bỏ qua cơ hội phát triển quan hệ với Mỹ bởi Thủ tướng Modi chủ trương mở rộng sự hợp tác với nhiều đối tác để phục vụ cho sự phát triển của Ấn Độ cũng như tham vọng của cường quốc Châu Á này. Tuy nhiên, ông Modi cũng phát đi tín hiệu rằng, Ấn Độ sẽ không gạt sang một bên những người bạn truyền thống gắn bó bao lâu nay như Nga. Việc của Thủ tướng Modi là chỉ làm sao để cân bằng được giữa mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sao cho vừa phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Ấn Độ vừa đảm bảo duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Mỹ.
Theo: VnMedia