Khi các gã khổng lồ ngân hàng thu mình

Trước đây trong giới ngân hàng, quy mô là lợi thế. Nhưng giờ, khi yếu tố này trở thành tâm điểm của sự dò xét, nhiều nhà băng đang tính tới việc “thu gọn” đế chế.
Chủ tịch HSBC - Douglas Flint cũng thông báo hãng đang cân nhắc chuyển trụ sở khỏi Anh. Ảnh: Economist
Chủ tịch HSBC - Douglas Flint cũng thông báo hãng đang cân nhắc chuyển trụ sở khỏi Anh. Ảnh: Economist

Trong tuần vừa qua, hai trong số các ngân hàng lớn nhất, quyền lực nhất thế giới đã có các quyết định mang tính bước ngoặt để tinh gọn bộ máy, tạp chí The Economist chỉ ra.

Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền các nước áp nhiều quy tắc mới, dỡ bỏ các ưu tiên với những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) hoặc quá lớn để kiểm soát.

Deutsche Bank và HSBC

Deutsche Bank của Đức vừa tuyên bố sẽ giảm 218 tỷ USD quy mô ngân hàng đầu tư, rút khỏi một số thị trường, giảm 25% mạng lưới ngân hàng bán lẻ.

Trước đó, thứ Sáu tuần trước, định chế cho biết sẽ bán một lượng lớn cổ phần trong đơn vị Deutsche Postbank. Đây là một ngân hàng bán lẻ của Đức, từng cung cấp nguồn vốn giá rẻ thời khủng hoảng. Tuy nhiên Deutsche Postbank đuối dần về sau này, trở thành một gánh nặng của tỷ suất lợi nhuận toàn ngân hàng.

Cùng lúc, ở bên kia Biển Bắc, ngân hàng HSBC Holdings đang chuẩn bị các thủ tục để phân tách riêng hai mảng kinh doanh lớn nhất: Mảng ngân hàng bán lẻ tại Anh và ngân hàng thương mại – đầu tư tại châu Á.

 HSBC Holdings đang chuẩn bị các thủ tục để phân tách riêng hai mảng kinh doanh lớn nhất.

Chủ tịch HSBC - Douglas Flint cũng thông báo hãng đang cân nhắc chuyển trụ sở khỏi Anh, do các quy định tài chính khắc nghiệt và bất ổn về tương lai quốc gia này tại châu Âu.

Theo đánh giá của giới phân tích, có nhiều khả năng Hồng Kông sẽ là nơi HSBC muốn chuyển tới. Việc di chuyển sẽ tiêu tốn của HSBC không nhiều hơn 1,5 tỷ USD bởi HSBC vẫn có cơ sở ở Hồng Kông - nơi vốn là thuộc địa cũ của nước Anh.

Hạ thấp mục tiêu 

Cả hai trường hợp minh chứng sự khó khăn bủa vây khi các ngân hàng muốn duy trì lợi nhuận, trong bối cảnh các quy chế bị thắt chặt. Cùng lúc, giới chức cũng bớt khoan nhượng với những hành vi vi phạm như rửa tiền hay lũng đoạn thị trường.

Đến năm 2010, Deutsche vẫn duy trì cam kết đạt mức lợi nhuận trên cổ phiếu tại 25%. Nhưng trong 4 năm gần đây, ngân hàng đã ba lần hạ mục tiêu. Mới đây nhất, định chế chỉ đặt ra con số 10% khiêm tốn, thấp hơn 12% trước đó.

Deutsche là một trong những mục tiêu đầu tiên của bộ luật được Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) soạn thảo, yêu cầu các ngân hàng nước ngoài lớn tại Mỹ chỉ được thành lập công ty đầu tư bằng nguồn vốn của chính họ.  

Cái giá của các hành vi vi phạm trước đây thể hiện rõ trong báo cáo lợi nhuận quý I của Deutsche, vừa được công bố vào Chủ Nhật.

Trong đó, ngân hàng dự tính thất thoát 1,63 tỷ USD vì lũng đoạn tỷ giá liên ngân hàng Libor. Chưa hết, nhà băng đầu bảng của Đức vừa tăng gấp rưỡi nợ tiềm tàng lên 3,5 tỷ USD.

Lợi nhuận ròng của Deutsche giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 606 triệu USD. Mặc dù nhiều yếu tố mang tính hỗ trợ đã đẩy doanh thu ngân hàng lên đỉnh cao mọi thời đại tại 11,3 tỷ USD. Trong đó có thể kể đến biến động tỷ giá, gói kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu và hoạt động M&A bùng nổ.

Đồng CEO Jürgen Fitschen của Deutsche sẽ dự phiên phúc thẩm vào thứ Ba tuần sau tại Munich. Ông cùng một số cựu lãnh đạo vướng vào nghi vấn cấu kết để đặt bẫy ông lớn truyền thông Kirch, khiến tập đoàn này sụp đổ để thu phí tư vấn trong tái cấu trúc.

Giới chức nhiều nước đã dỡ bỏ các ưu tiên với những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”.

Trong lúc Deutsche lao đao thì các đối thủ thừa cơ vợt lên. Sau khi giải quyết được hầu hết lùm xùm thời hậu khủng hoảng, hai ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley báo doanh thu và lợi nhuận dồi dào trong quý I.

Thị trường rạn nứt

Về phần mình, HSBC cũng vướng vào các vụ bê bối về vốn như Deutsche. Thêm vào đó, tình hình đặc thù tại Anh là một trở ngại.

Thứ Sáu tuần trước, lãnh đạo nhà băng cho biết đang lo ngại trước khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU), điều có thể hủy hoại một thị trường có tính thống nhất của HSBC.

 Kể cả khi Anh ở lại với khu vực đồng tiền chung, HSBC lại phải đề phòng một “kẻ thù” khác, đó là Đảng Lao Động.

Phe này không có ý định kêu gọi Anh rời EU, nhưng tỏ ý rõ ràng muốn nâng mức thuế đánh vào bản cân đối của HSBC. Nếu thành công, dự thảo này có thể tiêu tốn của ngân hàng Anh hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Theo: BizLive