|
Máy bay tác chiến điện tử Y-9LG của Trung Quốc (Ảnh: Topwar). |
Mẫu máy bay đa nhiệm
Thoạt nhìn, chiếc máy bay đặc nhiệm 4 động cơ với “cầu thăng bằng” trên lưng này khá giống với loại máy bay cảnh báo sớm KJ-200 đã được trình làng trước đây, nhưng trang web The WarZone của Mỹ cho rằng nó có thể sẽ là vũ khí chủ chốt giúp Quân đội Trung Quốc giành quyền chủ động trong các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Theo The WarZone, việc máy bay tác chiến điện tử Y-9LG của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung "Falcon Strike-2024" ở Thái Lan, khiến giới quan sát phương Tây có thể hiểu rõ hơn về loại máy bay mới này. Y-9LG là một trong những thành viên mới nhất trong phi đội máy bay đặc nhiệm của Trung Quốc, được phát triển dựa trên máy bay vận tải bốn động cơ tua bin cánh quạt Y-8/Y-9. Mặc dù nó đã được chụp và xác định trong ảnh vệ tinh từ cuối năm 2017 nhưng kể từ đó, hiếm khi thế giới bên ngoài nhìn thấy nó.
Từ hình dáng bên ngoài, đặc điểm nổi bật nhất của Y-9LG là ăng-ten radar hình chiếc "cầu thăng bằng" được lắp đặt trên lưng máy bay, rất giống với anten trên máy bay cảnh báo sớm KJ-200. Tuy nhiên, radar mảng pha lắp trên KJ-200 có mục đích phát hiện các mục tiêu trên không ở gần, còn ăng-ten radar của Y-9LG lại chủ yếu dùng để gây nhiễu tín hiệu radar của đối phương. Chế độ quét điện tử tiên tiến cho phép Y-9LG phát hiện nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa và thực hiện các cuộc tấn công điện tử phức tạp có độ chính xác cao đối với nhiều mục tiêu.
Ngoài ra, trên thân máy bay Y-9LG còn được trang bị các thiết bị tác chiến điện tử khác: phần mũi rộng của nó có thể được lắp ăng-ten tác chiến điện tử; tấm chắn đối lưu ở phía sau thân có thể là anten tình báo điện tử hoặc anten hỗ trợ điện tử; Ngoài ra, nhiều loại ăng-ten được lắp đặt chủ yếu để giám sát thụ động các tín hiệu tần số vô tuyến. Điều này có nghĩa rằng, ngoài khả năng gây nhiễu điện tử chủ động, Y-9LG còn có thể đóng vai trò là nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát để thu thập và định vị tín hiệu radar của máy bay và tàu đối phương, cũng như các cơ sở điện tử trên mặt đất từ khoảng cách xa.
Trang The WarZone của Mỹ cho rằng, tương tự như EC-130H và máy bay tác chiến điện tử EC-37B Compass Call mới nhất đang phục vụ của Không quân Mỹ, Y-9LG cũng được cho là sẽ bay ở bên ngoài vùng phòng thủ, sử dụng radar cực mạnh để gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc của đối phương hoặc thực hiện các kiểu tấn công điện tử khác. Với các cảm biến mạnh mẽ, máy bay có khả năng thu thập lượng lớn thông tin tình báo điện tử do các mục tiêu đối phương phát ra và phát hiện, phân loại, theo dõi và định vị chúng. Nếu cần thiết, những mục tiêu này cũng có thể bị tấn công bằng các vũ khí chống bức xạ đang được Không quân Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
Công cụ đối kháng điện tử tương lai
The WarZone suy đoán rằng chiếc máy bay tác chiến điện tử bí ẩn này chủ yếu chịu trách nhiệm cho các khu vực có ý nghĩa chiến lược cao trong khu vực.
Trong các chiến trường hiện đại có mật độ cảm biến dày đặc, vai trò của các biện pháp đối kháng điện tử thậm chí còn vượt xa các loại vũ khí tiên tiến truyền thống. Vì vậy, nỗ lực phát triển thiết bị đối kháng điện tử tiên tiến của Trung Quốc đã được liên tục trong nhiều năm.
Không quân Trung Quốc trước đây đã được trang bị máy bay tác chiến điện tử tầm xa Y-8G, được phát triển trên nền tảng máy bay vận tải Y-8 đời đầu. Loại máy bay này được phát hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 2005 và có các “má” nhô ra ở cả hai bên thân máy bay có thể là ăng-ten với khả năng gây nhiễu từ ngoài khu vực phòng không.
Sau đó, Không quân Trung Quốc lại đưa vào sử dụng máy bay tác chiến điện tử Y-9G, được cải tiến từ nền tảng máy bay vận tải Y-9 tiên tiến hơn. Nó sử dụng công nghệ radar mảng pha chủ động để can thiệp vào hoạt động và liên lạc của radar đối phương. Ăng-ten được lắp bên trong các tấm ốp hình bầu dục lớn ở hai bên thân máy bay. Các ăng-ten khác được gắn ở đuôi thẳng đứng và trong vòm radar độc đáo dưới mũi máy bay, trong khi phía dưới thân máy bay cũng được bố trí các anten dạng lưỡi dao khác nhau.
Báo Mỹ cho biết, những máy bay tác chiến điện tử tiên tiến này thường xuất hiện ở eo biển Đài Loan và gần Nhật Bản. The WarZone cũng cho rằng Trung Quốc cũng nỗ lực giành quyền kiểm soát điện từ trên chiến trường trong các cuộc xung đột lớn hơn với các đối thủ tiềm tàng khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Ấn Độ hay Mỹ.
Tờ Naval News của Mỹ viết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay trinh sát và tác chiến điện tử mới nhất Y-9LG tham gia cuộc tập trận ở nước ngoài.
Y-9LG, hay còn gọi là Gaoxin-13, là một trong 13 chiếc máy bay của PLA tham gia cuộc tập trận song phương Trung Quốc -Thái Lan được tổ chức ở miền bắc Thái Lan từ ngày 18-29/8.
Được biết, Y-9LG mới được đưa vào biên chế trong Lực lượng Không quân PLA năm 2022, mặc dù quá trình phát triển nó đã được thực hiện ít nhất từ năm 2017. Nó được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải cánh quạt Shanxi Yun-9.
Theo Naval News, máy bay Y-9LG trong cuộc tập trận “Falcon Strike-2024” có dấu hiệu nhận biết riêng và số sê-ri 30211, cho thấy nó thuộc Sư đoàn đặc nhiệm số 20 của Không quân PLA.
Theo tờ báo, một cặp máy bay đánh chặn Shenyang J-11 và một cặp máy bay chiến đấu-ném bom Xian JH-7 cũng có mặt tại cuộc tập trận ở Thái Lan. Ngoài ra còn có 6 máy bay chiến đấu J-10, 1 chiếc máy bay báo động sớm Shanxi KJ-500, và một trực thăng vận tải Mil Mi-171.
Theo Guancha, Topwar, QQnews