Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Asean năm nay được tổ chức với chủ đề “ Doanh nghiệp Việt Nam, dư địa và cơ hội giao thương nội khối Asean”. Diễn đàn có sự tư vấn của các chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội để hợp tác mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Diễn đàn gồm 2 phiên, với 2 chủ đề lớn: “Cơ chế chính sách và môi trường đầu tư”; “ Dư địa và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Asean”.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Phương - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội VASEAN - cho biết Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, hạn chế về hiểu biết, vướng mắc về pháp lý nhằm tạo cơ hội, vận hội để doanh nghiệp Việt Nam tự tin quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm và thương hiệu đến với đối tác khu vực Asean và quốc tế. Thông qua Diễn đàn, nhiều tổ chức, đơn vị doanh nghiệp nhận được nhiều hơn sự quan tâm chỉ đạo, tư vấn hữu ích của các bộ, ban, ngành để phát triển bền vững. Hay nói cách khác, Diễn đàn là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam gắn kết hợp tác cùng phát triển với doanh nghiệp trong khu vực Asean.
T.S Võ Trí Thành điều phối phiên thảo luận. Ảnh AT |
Đặc biệt trong phần trao đổi và thảo luận dưới sự điều phối của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam - các chuyên gia kinh tế đã giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp còn vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là về chính sách khuyến khích đầu tư, áp dụng chính sách của nhà nước, cũng như các Hiệp định và định hướng lâu dài cho doanh nghiệp…
Tham gia tham luận tại diễn đàn, bà Lê Thị Hải Vân - Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các chính sách của nhà nước trong hợp tác đầu tư, cũng như tình hình đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ các nước ASEAN
Đánh giá về thực trạng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp - cho rằng các các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào khối Asean có nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý cũng như không bị hạn chế phương tiện vận chuyển, lại có nhiều ưu đãi… Nhưng trên thực tế, công tác xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Long nêu ví dụ như xuất khẩu tôm sang thị trường Asean vẫn chưa ổn định. Năm 2020 xuất khẩu tôm sang Asean chỉ tăng trưởng dương trong tháng 2,3,4, các tháng còn lại đều giảm. Tính đến tháng 10/2020 xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường nội khối chỉ đạt 37,5 % triệu USD giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2019.Tính đến tháng 7 năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN chỉ đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2019…
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đã đưa ra các giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn để xuất khẩu sang thị trường ASEAN, góp phần kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp ASEAN trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.