Kết nối thử nghiệm thông tin thuê bao VNPT, Viettel, MobiFone với cơ sở dữ liệu dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo Bộ TT&TT, thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của VNPT, Viettel, MobiFone được kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng, góp phần giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.

Kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác là một nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ TT&TT tập trung cùng các doanh nghiệp viễn thông tập trung triển khai.

Việc kết nối thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm góp phần giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác (Ảnh: hoangnammobile.com)
Việc kết nối thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm góp phần giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác (Ảnh: hoangnammobile.com)

Thời gian qua, CSDL quốc gia về dân cư cũng đã được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công an đã tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật với việc xác thực danh tính qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng; triển khai thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 3 ngân hàng lớn; sử dụng thẻ Căn cước công dân trong khám chữa bệnh 6.361 cơ sở khám chữa bệnh, chiếm khoảng 48%.

Cùng với đó, Bộ Công an cũng kết nối chính thức CSDL quốc gia về dân cư với 11 đơn vị bộ, ngành và 14 địa phương để làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin với dữ liệu dân cư; đồng thời, kết nối thử nghiệm thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của 3 doanh nghiệp viễn thông lớn gồm VNPT, Viettel, MobiFone với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.

Liên quan đến vấn đề quản lý SIM điện thoại di động, Bộ TT&TT cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM thuê bao di động có thông tin đăng ký không đúng quy định (còn gọi là “SIM rác”), Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai nhiều biện pháp kinh tế, kỹ thuật, tổ chức thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Các biện pháp này đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Theo thống kê, tại thời điểm tháng 9/2021, CSDL của doanh nghiệp viễn thông còn hơn 7 triệu SIM có thông tin thuê bao có dấu hiệu chưa đúng quy định thì đến tháng 6/2022 số SIM chưa khai báo đầy đủ thông tin đã được xử lý (cập nhật lại thông tin, chặn, khoá, hủy các trường hợp không tuân thủ), bảo đảm 100%, tương ứng gần 125 triệu SIM thuê bao có đầy đủ thông tin thuê bao.

Tuy nhiên, do vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng SIM thuê bao có thông tin chính xác, chưa thực hiện nghiêm túc quy định về mua bán SIM thuê bao như mua bán mà không chuyển quyền, sang tên theo quy định. Thực tế này dẫn đến một số đối tượng lợi dụng công nghệ, trong đó có sử dụng SIM có thông tin không chính danh, chính chủ để có các hành vi phạm pháp.

Bộ TT&TT cho biết, triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 1/6 về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với CSDL quốc gia về dân cư, hiện Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa CSDL thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của CSDL quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc. Nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành trước ngày 30/9/2022.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ.

Theo ICTNews