Kế hoạch Đại Trung Đông của Saudi Arabia - Kỳ 2

Tham vọng tái cấu trúc khu vực của tân Quốc vương Saudi Arabia Salman. Ngay sau khi Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz của Saudi Arabia băng hà tháng 1/2015 và người em Salman nối ngôi, tân Quốc vương đã tiến hành các thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại. 
Bộ trưởng Quốc phòng, con trai Quốc vương Salman, được cho là nhân vật đứng sau kế hoạch tái cấu trúc khu vực của Saudi Arabia.

VẼ LẠI BẢN ĐỒ TRUNG ĐÔNG

Trong bài phát biểu đầu tiên của Quốc vương Salman vài giờ sau khi tiếp quản vương miện, nhiều người tin rằng chính sách đối ngoại của Riyadh sẽ là sự tiếp nối của người tiền nhiệm. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, chiến lược này bắt đầu có sự thay đổi, cho thấy tầm nhìn của Vua Salman khác hẳn Quốc vương Abdullah và nhiều vị quốc vương trước đó của Saudi Arabia. Bên cạnh việc tái cơ cấu một số thể chế chính trị, kinh tế quan trọng nhất của đất nước và phát động chiến dịch không kích chưa từng có tiền lệ vào nước láng giềng Yemen, giới quan sát còn thấy ở Vua Salman sự khởi đầu của một tầm nhìn, cách nghĩ mới.

Điều mà Vua Salman mong muốn có lẽ là xây dựng một di sản độc đáo của riêng mình. Bước đi đầu tiên là ông mạnh dạn cải tổ chính quyền hoàng gia theo hướng tập trung hơn, với việc sắp xếp lại bộ máy nội các và rút gọn 12 ban cố vấn kinh tế và chính trị xuống chỉ còn 2 ban. Một ban giám sát vấn đề Kinh tế và Phát triển, một phụ trách Các vấn đề chính trị và an ninh. Đây là một trong những đợt cải tổ nội các mạnh mẽ nhất trong lịch sử Saudi Arabia. Một số người cho rằng nó là bước đi nhằm củng cố quyền lực của Quốc vương Salman, song cũng có ý kiến nhận định điều này là cần thiết để loại bỏ bộ máy còn nhiều quan liêu của Saudi Arabia.

Sau bước đi cải tổ nội các và tái cơ cấu chính phủ, Saudi Arabia lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi thực thi các bước điều chỉnh chính sách đối ngoại. Điểm đáng lưu ý đầu tiên đó là quan điểm có phần mềm dẻo hơn đối với Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) so với thời Vua Abdullah. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Saudi Arabia khẳng định Riyadh không có hiềm khích gì với MB mà chỉ là với một bộ phận nhỏ của phong trào Hồi giáo này. Cần nhớ rằng MB là một phong trào có lịch sử lâu đời và có ảnh hưởng trong thế giới Arab. Nếu muốn theo đuổi vai trò lãnh đạo khu vực và liên kết các quốc gia Arab với nhau, Saudi Arabia không thể xem nhẹ tổ chức có chân rết ở nhiều nước khu vực.

Tham vọng của Saudi Arabia được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động ngoại giao nhộn nhịp của Quốc vương Salman. Bất chấp những đồn đoán về tình hình sức khỏe không tốt, Quốc vương Salman đã xúc tiến hội đàm với gần 20 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo Hồi giáo như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ai Cập, Thủ tướng Pakistan và hầu hết các nhà lãnh đạo của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Đây là động thái nhằm đánh giá lại các mối quan hệ song phương chủ chốt với những nước láng giềng. Đồng thời đây cũng là bước đệm để Saudi Arabia hình thành những đồng minh mới với hy vọng tạo một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với hai mối đe dọa an ninh lớn trong mắt Riyadh: Iran và IS.

Tuy nhiên, tham vọng tái cấu trúc quyền lực tại Trung Đông của Saudi Arabia chỉ có bước ngoặt quan trọng khi Riyadh tập hợp liên minh gồm 10 nước tấn công phiến quân Houthi tại Yemen. Việc triển khai chiến dịch không kích “Bão táp quyết chiến” mà không cần sự cho phép của Mỹ thể hiện quyết tâm của Riyadh tách khỏi cái bóng của đồng minh và cái ô bảo trợ an ninh từ lâu của Washington. Điều này cũng khẳng định Saudi Arabia có đủ quyết tâm, năng lực và uy tín để tập hợp lực lượng trước sự lưỡng lự của Mỹ. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước Arab, cho thấy mong muốn được tự giải quyết các vấn đề khu vực của khối Arab mà không phải phụ thuộc vào Mỹ.

Quyết định triển khai chiến dịch không kích hòng đẩy phiến quân Houthi về thành trì ở phía Bắc và buộc lực lượng này ngồi vào bàn đàm phán đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia. Nước này chính thức bước ra khỏi hậu trường, từ bỏ đường lối ngoại giao "yên lặng" và không giấu diếm tham vọng lãnh đạo khu vực.

Trước đây, Saudi Arabia cũng có vai trò rất lớn trong nhiều hồ sơ khu vực như từng giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 15 năm tại Liban, làm trung gian hòa giải phong trào Fatah và Hamas của Palestine và gần đây là cầu nối hạ nhiệt căng thẳng Ai Cập - Qatar. Trước các đòi hỏi phải đoàn kết lực lượng Arab, Saudi Arabia cũng đã có bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, lôi kéo Sudan tách khỏi Iran. Nhưng để gắn kết được các nước Arab, nâng cao vị thế của khối này, cần có một quốc gia có uy tín, tiềm lực kinh tế, quân sự đủ mạnh đóng vai trò lãnh đạo và Saudi Arabia hội tụ được các yếu tố này.

Chiến dịch “Bão táp quyết chiến” còn mang những thông điệp gửi tới 3 đối tượng khác nhau. Đó là lời cảnh báo Iran ngừng việc nhảy vào “sân sau” của Saudi Arabia, đặc biệt là nơi mà nước này có ảnh hưởng truyền thống như tại Yemen, và ngừng can dự vào các “vấn đề của thế giới Arab” nói chung. Với dư luận trong nước, Saudi Arabia muốn lưu ý rằng hàng tỷ đôla mà nước này đầu tư vào trang thiết bị quân sự, huấn luyện quân đội là không hề lãng phí và nay đang được đem ra phô diễn. Nhưng quan trọng nhất, đó là thông điệp Saudi Arabia muốn gửi tới Mỹ rằng dù vẫn coi cường quốc này là một đối tác giá trị nhưng Riyadh sẽ làm “mọi biện pháp cần thiết” để đảm bảo an ninh của chính mình, không cần cái gật đầu của “anh cả”.

Có một thông tin khá thú vị rằng những bước đi mới của Saudi Arabia là sản phẩm của người con trai 30 tuổi của quốc vương Salman, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Muhammad. Dù điều này có đúng hay không thì rõ ràng là Saudi Arabia đã bước sang một trang mới trong lịch sử của mình. Đó là thông điệp mà Saudi Arabia muốn gửi tới thế giới về cách thức mà nước này sẽ tìm kiếm một vai trò mới trong khu vực Trung Đông nhiều biến động.

Theo: Báo Tin Tức