|
Tên lửa hành trình hạt nhân của Mỹ |
Các chiến lược gia hạt nhân thường nói về vũ khí hoặc các sự kiện an ninh như nhân tố giúp ổn định hoặc gây bất ổn. Những người chỉ trích kế hoạch chế tạo một tên lửa hành trình hạt nhân mới (ALCM) của chính quyền Obama gọi kế hoạch này là “cực kỳ bất ổn” hoặc “bất ổn cố hữu”.
Những người chỉ trích loại tên lửa tầm xa mới (LRSO) tuyên bố, các đối thủ sẽ không thể phát hiện được sự khác biệt trên màn hình radar giữa một tên lửa hành trình thông thường và tên lửa LRSO mang đầu đạn hạt nhân. Như vậy sẽ tạo ra một tình trạng không chắc chắn và động lực gây bất ổn. Câu trả lời những người chỉ trích cho nan đề này là khai tử chương trình LRSO và do đó giảm thiểu sự không chắc chắn cho kẻ địch.
Nhưng chuyên gia Matthew Costlow cho rằng lập luân này cực kỳ thiếu thuyết phục. Nếu như một tên lửa hành trình hạt nhân quá nguy hiểm trên chiến trường bởi lẽ đối thủ sẽ không phân biệt nổi đó là vũ khí hạt nhân hay thông thường, sau đó cùng tiêu chuẩn có thể sẽ được đòi hỏi đối với loại bom hạt nhân B-61 của Mỹ. Loại bom nếu được ném, đối phương có thể sẽ không biết đó là vũ khí hạt nhân cho tới khi quá muộn. Nếu như kẻ địch phát hiện một máy bay ném bom hoặc một chiến đấu cơ F-35 ở chân trời, theo logic họ sẽ không thể biết chính xác chúng có mang theo bom hạt nhân hay không.
Trên thực tế, những chuyện gần đây cho thấy các tên lửa hành trình lưỡng dụng không hề gây bất ổn theo cách mà những người chỉ trích cáo buộc. Mỹ đã sử dụng các tên lửa hành trình lưỡng dụng xung quanh quỹ đạo Nga nhiều lần, chẳng hạn cuộc chiến chống Iraq năm 1991, chống Bosnia năm 1995, tại Kosovo năm 1999, tại Afghanistan năm 2001 và tiếp tục chống Iraq năm 2003 và tất cả đều không phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nga rõ ràng không xem các tên lửa hành trình lưỡng dụng là thứ gây bất ổn. Chỉ hai tháng trước đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở thế giới với đòn tấn công tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu IS tại Syria. Một số đã bay sát các vị trí quân Mỹ, chúng có thể được lắp các đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Chính sách của chính quyền Mỹ ít nhất kể từ năm 1979 là các tên lửa hành trình phóng từ trên không không gây bất ổn. Việc mở rộng sử dụng các tên lửa này đảm bảo tính hiệu quả của máy bay ném bom trong bộ ba hạt nhân (máy bay ném bom chiến lược, tên lửa liên lục địa và tàu ngầm hạt nhân), có thể giúp giữ cho các cuộc khủng hoảng ổn định ở mức độ cao, theo ông Costlow.
Thậm chí vào thập niên 1990, khi Mỹ bắt đầu triển khai các tên lửa hành trình lưỡng dụng, chính sách công khai của Mỹ là “các máy bay ném bom có người lái sẽ khiến ổn định hơn là các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, vì tự thân chúng không gây ra nguy cơ tấn công phủ đầu”.
Mỹ đã triển khai các tên lửa hành trình lưỡng dụng hàng thập kỷ nay. Những nước khác cũng biết rõ khả năng của Mỹ, do đó theo Costlow, giới chức Mỹ không cần phải lo lắng rằng các tên lửa hành trình tầm xa sẽ gây kinh ngạc cho bất cứ ai với những đặc tính mới.
Theo chuyên gia Costlow, điều giới chức Mỹ nên lo lắng là vấn đề gia tăng khả năng các nước như Nga và Trung Quốc đe dọa Mỹ tại các khu vực chiến lược. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đều xây dựng chiến lược chống tiếp cận (A2/AD), tăng cường phạm vi có thể tấn công các máy bay Mỹ, điều đó đỏi hỏi năng lực đối phó như gia tăng các tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa.
Ông Costlow cho rằng nếu vì mục đích răn đe, Mỹ phải hứng chịu nguy cơ trở thành mục tiêu khi chỉ sử dụng các loại vũ khí quy ước, và sự nguy hiểm cho phi hành đoàn máy bay ném bom sẽ tăng đáng kể vì họ sẽ phải tác chiến gần mục tiêu. Trong bối cảnh các hệ thống phòng không ngày càng trở nên đáng sợ, các loại vũ khí quy ước có thể trở nên ít đáng tin cậy để răn đe. Thêm nữa, các hệ thống vũ khí thông thường cũng đắt đỏ chẳng kém các hệ thống vũ khí hạt nhân được sử dụng để răn đe.
Theo Costlow, tên lửa hành trình hạt nhân sẽ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược răn đe của Mỹ trong tương lai và sẽ trao cho tổng thống Mỹ một công cụ quan trọng cho các nhiệm vụ răn đe và bảo đảm an ninh.
Khai tử chương trình LRSO hiện nay sẽ khiến các tên lửa hành trình lạc hậu tương đương với việc đơn phương giải trừ vũ khí, trước chương trình phát triển tên lửa hành trình mạnh mẽ của Nga. Ông Putin sẽ rất vui lòng trước sự nhượng bộ này của Mỹ và sẽ chỉ yêu cầu mạnh hơn.
* Lược dịch bài viết của tác giả Matthew R. Costlo, nhà phân tích chính sách tại Viện chính sách công quốc gia Mỹ ở Fairfax, Virginia
T.N