|
Đòn tấn công bất ngờ và vượt mức tưởng tượng đã làm tên lửa "Kalibr" trở nên nổi tiếng lẫy lừng vì tầm bắn xa và hiệu suất hoạt động. Trước đó có thông báo rằng tầm bay xa của "Kalibr" là 300 km. Hoạt động quân sự ngày 7 tháng Mười đã phô trương rằng "Kalibr" đủ sức vượt qua cả ngàn rưởi cây số. Mà đó còn chưa phải là giới hạn cuối cùng.
Theo thông báo của một trong những vị lãnh đạo từ Bộ Tổng tham mưu Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Viktor Kochemazov, tên lửa từ căn cứ trên biển "Kalibr" có khả năng diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.000 km. Chuẩn Đô đốc Sergei Alekminsky, chỉ huy đội tàu Caspi có những con tàu đã phóng tên lửa vào ngày 07 tháng Mười thì nêu ra con số 2.600 km. Thế nhưng các chuyên gia quân sự giả thiết rằng phạm vi hoạt động của "Kalibr" có thể đạt đến 4.000 km.
Tên lửa trứ danh "Kalibr" không chỉ được trang bị cho lực lượng vũ trang Nga mà còn đang hiện diện trong hệ vũ khí của QĐND Việt Nam. Chi tiết khác biệt có tính hình thức là ở phiên bản xuất khẩu thì loại tên lửa này mang tên "Klab". Tên lửa được dùng trang bị cho các tàu ngầm mà Matxcơva chế tạo theo đơn đặt hàng của Hà Nội.
Nga sẵn sàng lắp đặt tên lửa "Klab" cả trên các chiến hạm thuộc đề án "Gepard" cũng dành cho Việt Nam. Hai chiến ham loại này đã về tới Việt Nam, còn thêm hai chiếc nữa đang trong chu trình lắp đặt vũ khí và dự kiến bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017-2018. "Klab" còn có thể được trang bị cho tàu tuần tra "Molnya" được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga.
Một đặc điểm ưu việt của tên lửa "Kalibr", hoặc gọi khác đi là "Klab" là thích hợp để lắp đặt cho cả tàu ngầm và tàu nổi. Hơn thế nữa, các tên lửa này có thể sử dụng cả với chiến đấu cơ đa mục tiêu Su-35 và MiG-35. Nhân đây cần nói thêm, các máy bay MiG-35 mới nhất của Nga có triển vọng tốt để xuất khẩu sang Việt Nam — trong tương quan hoàn thành thời hạn phục vụ của các máy bay phản lực MiG-21 cung cấp tới Việt Nam từ thời trước.
Tên lửa "Klab" bay ở độ cao 50 mét, sát theo những đỉnh cao trên địa hình, do đó nó gần như vô hình trước radar. Khi tiếp cận mục tiêu đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến vượt hơn ba lần so với vận tốc âm thanh. Đầu đạn tiếp cận mục tiêu ở tốc độ hơn 1km/s ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.
Chỉ huy lực lượng phòng thủ Không quân-Vũ trụ của Hoa Kỳ, Đô đốc Bill Gortney mới đây thông báo rằng radar của Mỹ có khả năng theo dõi chuyển động trên mặt đất của những con tuần lộc mà ông già Noel Santa-Claus thường cưỡi mỗi năm vào đêm Giáng sinh. Thế mà hóa ra là dàn radar tinh nhạy này của người Mỹ đã không thể phát hiện tên lửa Nga, khiến cho sự kiện phóng "Kalibr" ngày 7 tháng Mười thực sự gây cú sốc cho các chuyên viên quân sự Hoa Kỳ.
Nga và Việt Nam dự định tiếp tục phát triển hợp tác nhằm mục đích tăng cường sự ổn định và an ninh trên biển và đại dương khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó được các nhà chỉ huy của lực lượng hải quân hai nước khẳng định khi họ gặp nhau tại Saint-Peterburg trong nghi lễ bàn giao tàu ngầm mới.
Việt Nam và Nga có kinh nghiệm hợp tác lâu dài và hiệu quả trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, — trong cuộc phỏng vấn của đài "Sputnik" chuyên viên khoa học quân sự Việt Nam, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nhận xét.
"Trên bình diện kỹ thuật-quân sự, Nga và Việt Nam gắn bó mật thiết với nhau bởi những năm tháng dài lâu duy trì sự hợp tác thành công và hiệu quả. Nga đã và đang là đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực này, và cần nhấn mạnh rằng, là đối tác chắc chắn đáng tin cậy nhất. Nga cung cấp cho Việt Nam những vũ khí công nghệ cao hiện đại cần thiết để chúng tôi bảo vệ đất nước mình. Vũ khí Nga phù hợp với học thuyết quân sự Việt Nam và chiến thuật của quân đội Việt Nam, như đã chứng minh qua thực tế trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược thời hiện đại. Trang thiết bị quân sự của Nga sở hữu lợi thế ưu việt không thể bàn cãi so với kỹ thuật phương Tây: vũ khí Nga đơn giản hơn, tin cậy hơn khi sử dụng, có hỏa lực mạnh hơn, và người Việt Nam có thể tự sửa chữa được nếu có trục trặc gì đó. Không kém quan trọng nữa là ưu điểm giá thành vũ khí Nga rẻ hơn so với trang bị phương Tây. Vì vậy, dù trong điều kiện khả năng lựa chọn ngày càng mở rộng và Việt Nam thi hành chính sách đa phương hóa thị trường mua sắm trang thiết bị quân sự, nhưng hẳn là trong nhiều năm nữa, về cơ bản trong hệ trang bị vũ khí của quân đội và Hải quân Việt Nam vẫn sẽ là những sản phẩm mang dấu hiệu "Sản xuất tại Nga".
Theo QPAN