Canon Inc., Japan Post Holdings Co. và Itochu Corp. đã thực hiện các thương vụ thâu tóm có tổng trị giá 28 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay – cao nhất từ trước tới nay theo dữ liệu được Bloomberg thống kê kể từ năm 2006. Số liệu cũng cho thấy mức phí khuyến khích (premium – phần chênh lệch so với giá thị trường) cao gấp đôi so với mức trung bình thế giới. Và, xu hướng này được nhận định là sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Sau nhiều năm tích lũy số tiền mặt kỷ lục 233.000 tỷ yên (tương đương 2.000 tỷ USD) tính đến cuối tháng 9 năm ngoái, các công ty Nhật Bản đang tìm cách quy đổi chúng thành tăng trưởng bằng cách tăng cường đầu tư ra nước ngoài – nơi có triển vọng sáng sủa hơn. Mặc dù đồng yên giảm 14% so với USD trong năm 2014 khiến các vụ thâu tóm ở nước ngoài đắt đỏ hơn, các chuyên gia kinh tế dự báo đồng nội tệ của Nhật Bản sẽ tiếp tục suy yếu trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện chiến dịch chống giảm phát. Do đó, tung tiền ra ở thời điểm này là hợp lý hơn.
Japan Tobacco Inc., công ty sản xuất xì gà có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á, đã tuyên bố 2015 là “năm của đầu tư” trong khi Mitsubishi Heavy Industries Ltd. và công ty bia Kirin Holdings Co. cũng đang xem xét một số vụ M&A ở nước ngoài.
Makoto Shiono, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Industrial Growth Platform Inc. có trụ sở tại Tokyo, nhận định những đợt nới lỏng chính sách tiền tệ trên quy mô lớn đã làm giảm giá trị của tiền mặt. "Do đó nếu bạn có hàng tấn tiền mặt, các nhà đầu tư sẽ thúc giục bạn đầu tư vào các công ty để tạo ra dòng tiền phục vụ tăng trưởng trong tương lai".
Mức chênh lệch cao chót vót
Tính trung bình, các công ty ở Nhật Bản đã đồng ý trả mức phí khuyến khích 39% cho các thương vụ M&A được công bố kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình gần 20% của toàn thế giới trong cùng kỳ. Họ cũng định giá các công ty mục tiêu ở mức gấp 23 lần so với lợi nhuận trước thuế, trả lãi và khấu hao, trong khi tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 9,4 lần.
Hoạt động thâu tóm cũng diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Đầu tuần, Hitachi Ltd. vừa đồng ý mua Finmeccanica SpA’ (Italy) trong một thương vụ định giá công ty sản xuất tàu điện ngầm cao tốc không người lái này ở mức 1,93 tỷ euro. Công ty hóa chất Asahi Kasei Corp. cũng đồng ý mua Polypore International Inc.(Mỹ) để mở rộng mảng sản xuất pin.
Đầu tháng 2, Japan Post chào mua công ty vận tải Toll Holdings Ltd. (Úc) với giá 5,1 tỷ USD, đánh dấu thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay giữa một công ty Nhật và một công ty Úc. Ngày 10/2, Canon cũng trả mức giá 2,8 tỷ USD tiền mặt cho Axis Communications AB (Thụy Điển) nhằm cạnh tranh với smartphone. Tháng trước đó, Itochu đồng ý mua 5 tỷ USD cổ phần ở Citic Ltd (Trung Quốc).
Lượng tiền mặt khổng lồ, chi phí đi vay rẻ, dân số già hóa và đồng yên yếu là những nguyên nhân chính tạo nên xu hướng này. Mặc dù đã giảm từ mức 75 yên/USD trong năm 2011 xuống còn 119 yên, đồng nội tệ của Nhật vẫn được dự báo sẽ giảm xuống mức 128 yên trong năm tới. Trong khi đó, đất nước mặt trởi mọc có thể tăng trưởng 1% trong năm nay, thấp hơn con số 3,1% của Mỹ và 1,2% của eurozone.
Sức hấp dẫn của mảng đồ uống ở Đông Nam Á
Kirin, công ty bia lớn thứ hai ở Nhật xét theo giá trị vốn hóa, đang tìm kiếm những cơ hội thâu tóm doanh nghiệp ở Đông Nam Á và Trung Quốc, chủ tịch Senji Miyake phát biểu hôm 12/2. Đối thủ lớn của hãng là Asahi Group Holdings Ltd. cũng đang cân nhắc những vụ thâu tóm ở Đông Nam Á với mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ yên ở thị trường này trong năm 2015.
Tomonobu Tsunoyama - chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Tokai Tokyo - nhận định châu Á, đặc biệt là Indonesia, là mối quan tâm hàng đầu nhờ dân số trẻ có quy mô lớn và văn hóa ưa chuộng các thương hiệu đến từ Nhật Bản.
Đồng thời Mỹ cũng là một thị trường tiềm năng đối với mảng đồ uống, thực phẩm và bánh kẹo vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dân số già hóa và thu hẹp ở thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Fast Retailing Co., tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo, được cho là sẽ mua một đến hai thương hiệu ở châu Âu.
Các thương vụ này có thể giúp giá trị các vụ M&A mà doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện ở nước ngoài trong năm 2015 vượt qua con số kỷ lục 103,8 tỷ USD của năm 2012. Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật đã đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận nhưng chủ yếu là nhờ cắt giảm chi phí thay vì tăng doanh số. Điều này là không bền vững và đây chính là thời điểm để họ thực sự phải suy nghĩ về tăng trưởng.
Theo InfoNet