|
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm ngày 21/6. |
Bên cạnh đó, một báo cáo của Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHRC) mới công bố hôm 22/6 cũng đang là tâm điểm đối đầu giữa Israel và Cơ quan LHQ.
Lời cam kết đầu môi
Các chi tiết của dự thảo nghị quyết do Pháp và New Zealand đề xuất bắt đầu xuất hiện trên tờ Le Figaro của Pháp vào ngày 21/5 khiến dư luận quan tâm theo dõi, trong đó đưa ra thời hạn 18 tháng để các bên liên quan (Israel và Palestine) phải hoàn tất đàm phán và ký kết thỏa thuận. Pháp đưa ra cảnh báo nếu không thỏa thuận nào đạt được trong thời hạn đó, Pháp sẽ đơn phương tiến hành việc công nhận Nhà nước Palestine.
Tính từ năm 1988 - thời điểm Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết thừa nhận tuyên bố độc lập tháng 11/1988 của Palestine, thay thế danh nghĩa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bằng danh nghĩa Palestine, tức công nhận Palestine như một thực thể nhà nước độc lập - đến nay đã có 135 quốc gia và vùng lãnh thổ cộng với 3 thực thể phi nhà nước công nhận Nhà nước Palestine, trong đó gần đây nhất, Tòa thánh Vatican đã ký với Palestine một hiệp định công nhận Nhà nước Palestine nhân chuyến thăm Tòa thánh Vatican ngày 13/5 của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Năm 2011, Palestine bắt đầu nộp đơn xin gia nhập với tư cách thành viên LHQ. Tháng 9/2012, Palestine tiếp tục theo đuổi việc nâng cấp tư cách thành viên tại LHQ. Và ngày 29/11/2012, với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống (41 phiếu trắng), Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết số 67/19 nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ lên thành "Nhà nước quan sát viên phi thành viên" - một bước tiến gần sát đến tư cách thành viên đầy đủ. Theo sau đó là việc Palestine xin gia nhập một loạt tổ chức thuộc LHQ và được một số chấp nhận.
Tháng 12/2012, LHQ quyết định chính thức sử dụng danh nghĩa Nhà nước Palestine tại các diễn đàn của LHQ. Và tiếp theo đó, tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 26/9/2013, Tổng thống Palestine Abbas được mời phát biểu với tư cách một nhà nước độc lập.
Kể từ lần trước nỗ lực thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Nhà nước Palestine không thành công, thì đây là lần thứ hai Pháp nỗ lực đưa ra một dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Cho nên, việc tiết lộ các chi tiết dự thảo Nghị quyết cho báo chí, nhất là vào thời điểm bà Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini có chuyến thăm Israel, là có dụng ý nhằm tạo áp lực lên phía Israel.
Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiếp tục khẳng định cam kết ủng hộ giải pháp "hai nhà nước". Ông Netanyahu cũng tái khẳng định cam kết của Israel và cá nhân ông là "theo đuổi hòa bình".
Tuy nhiên, lời nói của ông Netanyahu hiện tại lại không giống như những gì Israel và bản thân ông đã làm trong thời gian qua. Phát biểu trước cử tri trong cuộc vận động tranh cử hồi tháng 3/2015, ông Netanyahu lại tuyên bố "sẽ không có nhà nước Palestine được thành lập" với sự chứng kiến của ông. Việc ông Netanyahu liên kết với các đảng phái hữu khuynh thành lập nội các chính phủ mới vào ngày 7/5 vừa qua đã là một bước thụt lùi được dư luận đánh giá sẽ không có lợi cho đàm phán hòa bình. Và, với việc ông Netanyahu bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Silvan Shalom làm trưởng đoàn đàm phán hòa bình với người Palestine vào ngày 19/5, cơ hội để đàm phán thành công theo kế hoạch của bộ tứ (LHQ, Mỹ, EU, Nga) đưa ra càng ít hơn. Ngay lập tức, Palestine đã phản đối việc bổ nhiệm ông Shalom, vì ông này lâu nay là một trong những thành viên chống lại giải pháp "hai nhà nước", cho nên việc để ông đàm phán sẽ khó đạt kết quả mong muốn.
Thái độ và quan điểm, hành động thiếu nhất quán của ông Netanyahu ít nhiều đã làm mất niềm tin nơi các nhà ngoại giao quốc tế, khiến người ta đặt dấu hỏi về cái gọi là "cam kết theo đuổi giải pháp hai nhà nước" của ông Netanyahu.
|
Người dân Palestine biểu tình phản đối hành động lấn chiếm đất của Israel. |
Ngày 20/5, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende cảnh báo ông Netanyahu có thể sẽ đối mặt với làn sóng áp lực quốc tế mới nếu không đạt được tiến bộ thực chất nào hướng đến giải pháp "hai nhà nước" một khi vấn đề Iran đã được giải quyết xong.
Israel và Hamas sẽ bị triệu tập hầu tòa?
Hiện tại, áp lực phải quay trở lại bàn đàm phán từ nhiều phía, kể cả EU, đang ngày càng gia tăng đối với Israel và Palestine. Đã hơn một năm kể từ khi tiến trình đàm phán bị "chết" do Mỹ và Israel đưa ra những điều kiện o ép Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas một cách không công bằng khiến ông Abbas hủy bỏ đàm phán.
Đàm phán bế tắc do Israel không chấp nhận yêu cầu ngưng xây dựng nhà ở trong các khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine cũng là vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Israel, đặc biệt là quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Israel và bản thân Thủ tướng Netanyahu.
Sự giằng co, kéo dài của tiến trình đàm phán, và sự bế tắc, giẫm chân tại chỗ là thực tế hoàn toàn có lợi cho Israel, vì thời gian ngừng đàm phán càng lâu thì Israel càng có thì giờ tiến hành các hoạt động xây cất nhà ở để lấn chiếm đất, tiến hành các hành động xua đuổi người Palestine và xâm lấn nơi cư trú của họ để tạo lợi thế tối đa khi buộc phải chính thức thành lập Nhà nước Palestine với hiện trạng ranh giới chắc chắn là không giống như trước cuộc chiến năm 1967.
Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian "chết" của tiến trình đàm phán cũng sẽ không hoàn toàn có lợi cho Israel, vì cộng đồng quốc tế rồi cũng sẽ công nhận Nhà nước Palestine mà không cần sự thỏa thuận của Israel.
Việc trình thông qua Nghị quyết tại Hội đồng Bảo an có thể sẽ không sớm hơn việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, hạn chót vào ngày 30/6, thậm chí có thể sau tháng 9. Phát biểu với báo chí ngay trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 21/6 tại Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu lên giọng chỉ trích dự thảo nghị quyết do Pháp và New Zealand đề xuất là một sự "áp đặt" sẽ gây phương hại đến an ninh của Israel.
Ông Netanyahu tuyên bố cứng rắn "bác bỏ mọi sự áp đặt quốc tế" đối với Israel.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/6, báo cáo nhân quyền về cuộc chiến Gaza năm 2014 của UNHRC đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo cáo kết luận cả Israel và phong trào Hamas của Palestine đều vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nhân quyền quốc tế khi cả hai tiến hành cuộc xung đột vũ trang ở Dải Gaza vào tháng 7 và tháng 8/2014.
Báo cáo kêu gọi Israel tích cực hợp tác hơn nữa, cung cấp nhiều hơn những thông tin chi tiết về các "quyết định chọn mục tiêu" tấn công trong cuộc chiến Gaza 2014 nhằm phục vụ cho việc đánh giá, thẩm định một cách độc lập đối với các hành động quân sự của Israel tại Gaza.
Liên quan đến báo cáo này, trung tuần tháng 6, UNHRC đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế để thu thập chứng cứ cho báo cáo. Tuy nhiên, khi đến khảo sát khu Bờ Tây vào ngày 15/6, phái đoàn UNHRC đã bị an ninh và quân đội Israel chặn lại và ngăn không cho tiến hành cuộc khảo sát.
Trong khi đó, Israel đã mở một chiến dịch truyền thông chống lại UNHRC và tung ra một báo cáo "phủ đầu" ngay trước báo cáo UNHRC với nội dung chối bỏ mọi tội ác do quân đội mình gây ra, đồng thời khẳng định hành động quân sự tại Gaza là "phù hợp đạo đức" (?) nhằm "tự vệ quốc gia, chống trả hoạt động tấn công bằng tên lửa của các tổ chức khủng bố".
Israel cũng lên giọng cho rằng mình đã thực hiện vượt mức yêu cầu của luật pháp quốc tế khi thông báo cho cư dân Gaza biết các cuộc tấn công kéo dài. Tuy nhiên, báo cáo của UNHRC đã bác bỏ tuyên bố này.
Theo bà Mary McGowan Davis, Chủ tịch Ủy ban điều tra của UNHRC, lãnh đạo Israel phải biết rằng trong tình thế chiến tranh, việc thông báo cho cư dân di tản là vô hiệu, vả lại họ cũng chẳng có nơi nào để lánh nạn vì ngay cả các trung tâm tị nạn của LHQ cũng bị bom đạn Israel tấn công làm chết nhiều người.
|
Bà Mary McGowan Davis, Chủ tịch Ủy ban điều tra của UNHRC. |
Báo cáo của UNHRC là một đòn giáng vào uy tín của Israel, đồng thời cũng là lời cảnh báo khả năng Israel, và cả Hamas, có thể sẽ bị triệu tập ra hầu tòa tại La Haye trong thời gian tới, nếu UNHRC và Cơ quan Chính quyền Quốc gia Palestine (PA hay PNA) thu thập đủ chứng cứ vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nhân quyền quốc tế.
Việc đưa Israel và Hamas ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể là kết quả của một tiến trình gia nhập các tổ chức quốc tế của Palestine bắt đầu từ cách đây 2 năm. Riêng việc gia nhập ICC của Palestine đã bắt đầu từ cuối năm 2014, với việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đặt bút ký vào Quy chế Rome (quy chế hoạt động của ICC) vào ngày 31/12/2014, đồng thời ra tuyên bố rằng người Palestine công nhận quyền hạn của tòa án này.
Ngày 16/1/2015, công tố viên Fatou Bensouda đã tuyên bố sẽ cử phái đoàn khảo sát đến Palestine để tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại của người Palestine, mặc dù cho đến ngày 7/2, Palestine mới chính thức lập Ủy ban Dân tộc Tối cao Phối hợp với ICC (SNCC-ICC), và ngày 1/4, Palestine mới chính thức trở thành thành viên thứ 123 của ICC.
|
Cảnhđổ nát ở Gaza City sau cuộc chiến Gaza năm 2014. |
|
Thủ tướng Israael Benjamin Netanyahu (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Silvan Shalom - trưởng đoàn đàm phán hòa bình mới của Israel. |