Ngày 24/12, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bất ngờ phá vỡ sự im lặng khó hiểu suốt ba ngày qua - kể từ khi quân đội Iraq vây chặt thành phố chiến lược Ramadi và chuẩn bị tung đòn kết liễu cuối cùng - bằng cách đưa ra một loạt tuyên bố rằng nhóm này đã mở hàng loạt cuộc phản công "gây thiệt hại nặng" cho các lực lượng chính phủ Iraq xung quanh thành phố, theo NYTimes.
Trong một công văn đóng dấu "khẩn" của IS được công bố trên mạng xã hội, phiến quân tuyên bố đã điều biệt đội đánh bom tự sát 5 thành viên phục kích lực lượng cảnh sát Iraq tại một cứ điểm được xác định là sở chỉ huy của Trung đoàn 2 Cảnh sát Liên bang.
Một tuyên bố khác của IS cho biết nhóm này đã dùng bom tự sát và các bẫy nổ giấu trong tòa nhà để sát hại hơn 30 binh sĩ Iraq, tổ chức SITE Itelligence chuyên nghiên cứu về các thông điệp của jihad trên Internet cho biết.
Theo giới phân tích, khi khớp nối các thông điệp được IS liên tục tung ra ngày hôm qua sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng, họ có thể nhận thấy rằng đây là một nỗ lực cuối cùng của nhóm này nhằm tạo ấn tượng với thế giới rằng IS vẫn có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho các lực lượng an ninh Iraq đang vây hãm Ramadi.
Ramadi là thủ phủ của Anbar, tỉnh lớn nhất Iraq, nơi có đông đảo người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống. IS chiếm được Ramadi sau một chiến dịch tấn công chóng vánh hồi tháng 5, và biến thành phố này thành một trong những sào huyệt ở Iraq, nơi phiến quân nhận được sự ủng hộ không nhỏ của nhiều người dân Sunni bản địa. Để mất Ramadi sẽ là một thất bại nặng nề đối với IS, nhất là khi phiến quân vừa phải rút khỏi nhiều khu vực lớn ở Iraq trong năm qua.
Gassan al-Ethawi, người phát ngôn lực lượng dân quân bộ tộc ở Anbar đang phối hợp với quân đội chính phủ vây hãm Ramadi, cho biết IS đã phát động một cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát Iraq trong tối qua. Phiến quân mở đầu cuộc tấn công bằng cách rót đạn cối vào vị trí phòng thủ của cảnh sát, sau đó điều 6 tay súng tấn công tự sát tìm cách tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, cảnh sát Iraq đã ngăn chặn thành công vụ tấn công, tiêu diệt từ xa các tay súng và chỉ có 4 cảnh sát bị thương.
Trên mạng xã hội, IS còn tuyên truyền rằng nhóm này đã sát hại nhiều thành viên lực lượng dân quân người Shiite tham gia chiến dịch tấn công Ramadi. Các quan chức chính phủ Iraq đã bác bỏ tuyên bố này và khẳng định rằng dân quân người Shiite không hề tham gia vào lực lượng tấn công Ramadi, vốn bao gồm quân đội, cảnh sát, và các chiến binh bộ tộc người Sunni.
Theo bình luận viên Rukmini Callimachi, việc chính phủ Iraq huy động các lực lượng này tham gia chiến dịch tấn công Ramadi đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Với việc không cho dân quân người Shiite đang hoạt động dưới danh nghĩa "lực lượng tổng động viên" tham gia chiến dịch vây hãm Ramadi, chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi muốn ngăn chặn một cuộc thảm sát mang tính trả thù của người Shiite đối với người Sunni bản địa, tránh nguy cơ khoét sâu thêm mâu thuẫn sắc tộc ở Iraq.
Hôm qua, ông Dhafir al-Aani, nghị sĩ Quốc hội Iraq, đã ca ngợi quyết định trên của chính phủ, và cho rằng quyết sách này đã giúp trận chiến Ramadi "không còn dấu vết của nguy cơ thanh trừng sắc tộc". Ông này cho hay các vụ tấn công trả thù của dân quân Shiite đối với người Sunni ở nhiều vùng của đất nước đã "hủy hoại hương vị chiến thắng" trước IS.
Quân đội Iraq tiến vào từ nhiều hướng, vây chặt phiến quân IS ở trung tâm Ramadi. Đồ họa:NYTimes |
Chỉ còn chiến binh nước ngoài cố thủ ở Ramadi
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek mới đây, ông Muhammad Hainour, tỉnh trưởng Anbar, cho biết sau khi nhận được truyền đơn cảnh báo của quân đội Iraq, rất nhiều người Iraq dòng Sunni từng hợp tác và chiến đấu cho IS ở Ramadi đã chạy khỏi thành phố này, và 300 tay súng IS cố thủ ở Ramadi hiện nay toàn là chiến binh nước ngoài.
"Tất cả những người Iraq từng giúp đỡ và trực tiếp tham chiến cho IS ở Ramadi đã tháo chạy, toàn bộ những kẻ trụ lại ở trung tâm thành phố đều là những tay súng nước ngoài được IS tuyển mộ", ông Hainour khẳng định.
Quan chức này cho biết các chiến binh nước ngoài này đang bắt đàn ông ở Ramadi làm con tin, và đe dọa nếu gia đình nào rời khỏi thành phố thì người thân của họ trong tay phiến quân sẽ bị sát hại. Chính phủ Iraq ước tính vẫn còn ít nhất 10.000 dân thường mắc kẹt bên trong thành phố này.
Ngoài việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống, IS còn bố trí dày đặc các loại mìn, bẫy nổ trên từng góc phố, trong mỗi căn nhà để ngăn bước tiến của quân đội Iraq. Những khối thuốc nổ lớn được cài rất tinh vi sau các cánh cửa hoặc chăng bằng dây cước trong suốt ở hành lang, có thể nổ tung và đánh sập cả căn nhà khi có ai đó bước qua.
Theo tờ Mirror, IS còn chế tạo những bẫy nổ phức tạp với hai ngòi nổ bên trong các căn nhà. Ngòi nổ thứ nhất được nối bằng dây điện và giấu dưới thảm trải sàn, có thể kích hoạt bom khi ai đó dẫm lên. Quân đội Iraq nhanh chóng phát hiện thủ đoạn này và tìm cách lần theo các sợi dây điện để tìm bom trong từng căn nhà, nhưng họ không ngờ rằng bên dưới quả bom còn có một ngòi nổ thứ hai, được kích hoạt khi quả bom bị nhấc lên, gây ra vụ nổ cực lớn.
Các tay súng IS được cho là đang cố thủ bên trong tòa nhà chính quyền ở trung tâm Ramadi, chuẩn bị sẵn rất nhiều xe bom sẵn sàng lao vào lực lượng chính phủ, và bố trí dày đặc các tay súng bắn tỉa ở những vị trí lợi hại. Điều này ngăn cản đáng kể kế hoạch tiến quân của các lực lượng an ninh Iraq.
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq, cho hay chiến dịch tấn công Ramadi khó có thể kết thúc trước Giáng sinh như họ đã dự đoán. "Vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng tôi có thể tuyên bố rằng Ramadi đã sạch bóng IS. Vẫn còn nhiều khu vực phức tạp cần được xem xét kỹ", ông nói.
Để có thể hỗ trợ tối đa cho quân đội Iraq trong chiến dịch tấn công Ramadi, quân đội Mỹ đã quyết định sử dụng máy bay ném bom B-1 thay thế cho cường kích A-10 truyền thống. "Chúng tôi đã huy động B-1 tham gia trận chiến này, và khi phát hiện bất cứ trở ngại nào, chúng tôi sẽ rải bom để vô hiệu hóa nó", đại tá Warren cho biết.
B-1 là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh của Mỹ, có thời gian hoạt động lâu hơn, mang theo nhiều vũ khí với độ chính xác cao hơn so với cường kích A-10. Mỗi chiếc B-1 có thể mang theo hơn 38 tấn bom thông thường, hoạt động suốt 10 giờ liên tục mà không cần phải tiếp liệu trên không, và có thể yểm trợ hỏa lực rất hiệu quả cho lực lượng dưới mặt đất.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 của Mỹ. Ảnh: USAF |
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, lý do khiến Mỹ lựa chọn B-1 thay thế cho A-10 trong trận chiến ở Ramadi là bởi B-1 sử dụng các loại vũ khí chính xác hơn rất nhiều so với Thần Sấm A-10. Chính phủ Mỹ hiện rất lo ngại về nguy cơ gây ra thương vong cho dân thường trong cuộc chiến chống IS, và tránh sử dụng các loại vũ khí có thể gây thiệt hại ngoài dự tính cho người dân trong môi trường đô thị.
Ông Ismael al-Mihlawi, chỉ huy chiến dịch tấn công Ramadi, cho biết các binh sĩ dưới quyền ông đang tập trung dò gỡ những thiết bị nổ mà IS cài lại để có thể tiến vào trung tâm Ramadi nhanh nhất. "Chúng tôi đang đi đúng hướng, theo đúng kế hoạch. Ramadi sẽ sớm được giải phóng, và IS đang giãy chết", ông nói.
Theo VnE