|
Iran đang chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng quốc gia (Ảnh: RT) |
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RT của Nga, ông Zavad Zarif nói rằng vaccine ngừa COVID-19 của Nga sẽ vừa “được sử dụng và sản xuất” ở đất nước ông. Hôm 26/1, Iran đã trở thành quốc gia tiếp theo đăng ký sử dụng vaccine Sputnik V của Nga.
“Chúng tôi sẽ có vaccine của Nga, chúng tôi sẽ có vaccine của Trung Quốc, và chúng tôi đang liên hệ sát sao với tất cả họ. Chúng tôi sẽ có cả vaccine Ấn Độ” – Ngoại trưởng Zarif, người đang có chuyến thăm chính thức tới Moscow, nói.
Vaccine ngừa COVID-19 của Iran đã trải qua các cuộc thử nghiệm trên người giai đoạn 1, và nước này dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong tháng 6 năm nay; ông Zarif nói thê.
Trong khi đó, các chủng vaccine do Mỹ sản xuất, đến từ công ty Pfizer và Moderna, hiện đang là lựa chọn của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, đã bị Tehran từ chối sử dụng.
“Tôi nghĩ nó là một vấn đề y tế với một số yếu tố chính trị về ý định của Mỹ, cùng với đó là sự thiếu lòng tin, đó là điều rõ ràng” – ông Zarif nói.
Ngoại trưởng Iran cũng nhắc lại về mối hợp tác với các nước phương Tây trong lĩnh vực y tế công trước đây đã khiến nước này phải chịu ảnh hưởng như thế nào.
“Các bạn biết chúng tôi đã có trải nghiệm rất tồi tệ với một nước phương Tây khác mà tôi không muốn nhắc tên. Họ gửi cho Iran mẫu máu có chứa virus” và nhiều bệnh nhân cần truyền máu đã bị nhiễm bệnh; ông nói.
Mặc dù ông Zarif không muốn nêu tên cụ thể, nhưng dường như ông ám chỉ nguồn cung máu bị nhiễm virus HIV đến từ Pháp trong khoảng những năm 1980, 1990. Vào thời điểm bấy giờ, khoảng 300 người dân Iran đã bị nhiễm do máu nhiễm virus, sự việc trở thành một vụ bê bối quốc tế.
Những mối quan ngại tương tự mới đây cũng được Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nhắc lại. Ông đã ra lệnh cấm vaccine ngừa COVID-19 nhập từ Mỹ và Anh hồi đầu tháng này, mô tả chúng là “không đáng tin”.
Trả lời hãng RT, ông Zarif nói rằng đại dịch không thể trở thành một nhân tố đoàn kết thế giới và nhân đạo hóa các mối quan hệ quốc tế. Bất chấp Iran hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 ở Trung Đông, với gần 1,4 triệu người nhiễm và hơn 57.500 người chết, “Mỹ vẫn không giảm sức ép với Iran; họ không cho phép chúng tôi giao dịch tài chính”; ông Zarif nói.
Năm ngoái, Tehran đã cố gắng chi trả cho chương trình phân phối vaccine toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COVAX, nhưng tất cả nỗ lực của họ đều bị chặn bởi chiến dịch cấm vận của Mỹ; ông nói.