Iran nâng cấp, hiện đại hóa tiêm kích Sukhoi Su-22

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận, ngành công nghiệp quân sự của Iran đã tìm lối đi riêng để nâng cao tiềm lực quốc phòng, trong đó có việc cải tạo, nâng cấp vũ khí trang bị có sẵn.

Bom lượn Yasin được thả từ máy bay Su-22 của Không quân Iran (Ảnh: Chinatimes).
Bom lượn Yasin được thả từ máy bay Su-22 của Không quân Iran (Ảnh: Chinatimes).

Theo truyền thông quốc tế và Iran, lực lượng Không quân nước này đang thực hiện sứ mệnh mang lại sức sống mới cho loại máy bay tấn công Su-22 do Liên Xô chế tạo đã bị lãng quên từ lâu. Theo các báo, dự án nâng cấp bao gồm việc lắp đặt các hệ thống mới trên Su-22, trong đó có một sửa đổi cho phép máy bay mang và phóng bom lượn có dẫn đường Yasin với tầm bắn 40 km và tên lửa đạn đạo Arman được cho là sánh ngang tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga.

Theo tạp chí Bulgaria Military ngày 20/1, bom lượn dẫn đường Yasin nặng 320 kg, mang đầu nổ nặng 215 kg, được thiết kế cánh lượn có thể xòe ra thu vào và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Khi quả bom được thả ở độ cao 8,2 km, dù được thả bằng máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu, khoảng cách lướt của nó có thể đạt tới 40 km.

ten-lua-arman-3275.jpg
Tên lửa hành trình Arman trang bị cho Su-22 phiên bản nâng cấp (Ảnh: IRGC)

Tên lửa đạn đạo Arman ra mắt lần đầu tại Triển lãm hàng không năm 2023 do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IGRC) tổ chức. Nó được cho là phiên bản phái sinh của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Ababil. Theo các nguồn tin, mục đích của Iran khi phát triển tên lửa Arman là nhằm cố gắng tạo ra một loại vũ khí phóng từ trên không có thể sánh ngang với tên lửa siêu thanh Kh-47M2 “Kinzhal” của Nga.

Năm 1991, Iran thu được 40 chiếc máy bay tiêm kích – bom Sukhoi Su-22 từ Iraq. Tuy nhiên, những chiếc máy bay này không được sử dụng cho đến khi Iran triển khai chương trình nâng cấp toàn diện vào năm 2013. Khoảng tháng 3/2015, có những thông tin cho thấy Lực lượng Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC-AF) đã chuyển giao một số máy bay Su-22 cho Không quân Syria để tham gia cuộc nội chiến chống lực lượng chống chính phủ Damascus.

Iran hiện có 30 chiếc Su-22 đang phục vụ trong biên chế, đợt nâng cấp quy mô lớn gần đây nhất là vào tháng 7/2018, khi đó họ đã nâng cấp và hiện đại hóa thành công 10 chiếc Su-22. Những cải tiến này đã mang lại cho những chiếc máy bay này những khả năng tiên tiến, bao gồm ném bom chính xác, phóng đạn dẫn đường chính xác, truyền nhận dữ liệu với máy bay không người lái và sử dụng công nghệ cơ bản để sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không có tầm bắn tới 1.500 km.

su-22-cua-iran-4695.jpg
Máy bay Su-22 của Không quân Iran (Ảnh: Wiki).

Có nguồn gốc từ thời Liên Xô, Sukhoi Su-22, tên NATO đặt là “Fitter”, là một kiểu máy bay tiêm kích - ném bom. Mẫu này là phiên bản nâng cao của Su-17 được đưa vào sản xuất lần đầu tiên vào năm 1966, được coi là phiên bản kế thừa trực tiếp của Su-20. Chủ yếu được dùng cho xuất khẩu, Su-22 cũng được sử dụng rộng rãi trong lực lượng không quân của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Cụ thể, Su-22 được thiết kế để bay tốc độ cao ở độ cao thấp. Là điển hình của hầu hết các máy bay tiêm kích - ném bom, khả năng giao tranh với các máy bay khác của nó còn hạn chế. Nó có hệ thống radar chiếu xạ mục tiêu và ngắm bắn laser Klen-54 được đặt ở mũi máy bay, chủ yếu dành cho các mục tiêu mặt đất, trái ngược với hệ thống radar để phát hiện các mục tiêu trên không.

Những cải tiến hơn đối với Su-22 bao gồm những tiến bộ về thiết bị điện tử định vị, điều khiển và thu thập mục tiêu. Máy bay ném bom chiến đấu này cũng được trang bị các hệ thống đối phó cơ chế nhắm mục tiêu và định vị của đối phương. Ngoài ra, Su-22 cũng có thể trang bị thêm thiết bị cảm biến cho nhiệm vụ trinh sát.

Theo Chinatimes