Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 6/11 cho rằng do dự báo tranh chấp Biển Đông sẽ khiến cho Indonesia sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ Trung Quốc trong tương lai, họ quyết định tăng cường hệ thống vũ khí ở quần đảo Natuna.
Hãng tin Reuters Anh ngày 5/11 cho hay do Indonesia muốn đổi mới hệ thống phòng thủ trên biển và trên không, từ máy bay trực thăng cứu hộ đến thiết bị trinh sát trên không, các nhà thầu quốc phòng tập trung ở Diễn đàn và Triển lãm quốc phòng Indonesia năm 2016 (Indo Defence Expo & Forum 2016) đều muốn giành giật lấy “miếng bánh” lớn này.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã cho biết quần đảo Natuna sẽ xây dựng quân cảng và mở rộng đường băng căn cứ không quân để có thể cất hạ cánh 4 máy bay chiến đấu.
Ông đồng thời cho hay sẽ triển khai nhiều máy bay chiến đấu hơn ở căn cứ không quân Ranai trên quần đảo Natuna. Indonesia hoàn toàn không ở trong trạng thái chiến tranh, nhưng Biển Đông cách họ rất gầnnên nước này cho rằng phải có sự chuẩn bị.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 4/11 cũng nhấn mạnh, quần đảo Natuna là lãnh thổ của Indonesia, Jakarta sẽ không thỏa hiệp. Ngoài tăng cường tập trận ở phạm vi "đường chín đoạn" do Trung Quốc áp đặt, Indonesia gần đây tích cực hơn trong việc tìm kiếm hợp tác với Australia, sẽ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Bloomberg cho rằng mặc dù Indonesia luôn tìm cách giữ vai trò “trung lập” trong tranh chấp Biển Đông, nhưng do Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu cá và tàu cảnh sát biển vào vùng biển do Indonesia quản lý, hơn nữa quan chức cấp cao Trung Quốc cũng có các phát biểu liên quan, Jakarta lo ngại họ có thể sẽ bị kéo vào tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng căng thẳng.
Indonesia muốn đổi mới phi đội máy bay chiến đấu F-5 cũ kỹ. Hiện nay, mặc dù họ đang thương thảo với Nga về vấn đề mua sắm máy bay chiến đấu Su-35, nhưng Indonesia vẫn chưa đưa ra quyết định người chiến thắng cuối cùng.
Nguồn tin trong ngành tiết lộ, hiện nay trong danh sách cạnh tranh còn có máy bay chiến đấu Gripen của Công ty Saab Thụy Điển, máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu và máy bay chiến đấu F-16 của Công ty Lockheed - Martin Mỹ. Hơn nữa, ngoài bán máy bay chiến đấu, họ cũng đề nghị tiến hành hợp tác sản xuất.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cam kết, muốn tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Indonesia, đồng thời tiến hành hiện đại hóa các trang bị quân sự cũ. Từ khi ông lên cầm quyền đến nay, tổng chi tiêu quốc phòng của Indonesia đã tăng khoảng 26%.
Indonesia thông qua liên doanh và hợp với một số nước để tìm kiếm công nghệ. Chẳng hạn, Indonesia đang hợp tác với Hàn Quốc cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Trong khi đó, theo đánh giá sơ bộ của các nhà phân tích, chi phí này có thể lên tới 8 tỷ USD.
Công ty hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korea Aerospace Industries Ltd.) cho hay họ không chỉ cùng với công ty hàng không vũ trụ Indonesia (PT Dirgantara Indonesia, PTDI) tiến hành tiêu thụ hàng hóa, mà còn hợp tác phát triển máy bay do thám không người lái.
Trong khi đó Tập đoàn THALES Pháp cho biết sau khi bán hàng cho Malaysia vào năm 2015, họ cũng quan tâm đến sản xuất ngành phòng không của Indonesia.
Ngoài ra, do Indonesia trước đây từng cho biết họ có nhu cầu nâng cấp máy bay trực thăng vận tải hạng nặng, Công ty Boeing Mỹ đã ra sức chào hàng cho Indonesia các máy bay trực thăng nổi tiếng như Apache và Chinook.