IMF: Trung Quốc “chuyển nợ thành cổ phần" có thể phản tác dụng

IMF luôn bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ của Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra phản ứng khẩn cấp.
IMF cảnh báo Trung Quốc chuyển nợ thành cổ phần không cẩn thận sẽ phản tác dụng. Ảnh: WSJ
IMF cảnh báo Trung Quốc chuyển nợ thành cổ phần không cẩn thận sẽ phản tác dụng. Ảnh: WSJ

Trước việc Trung Quốc có kế hoạch cho phép các ngân hàng thương mại "đổi nợ lấy cổ phần" trong chính các công ty mắc nợ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày hôm qua 26-4 đã phát hành một báo cáo cảnh báo Bắc Kinh cần hành động một cách thận trọng, áp dụng các giải pháp tối ưu và toàn diện hơn hiện nay, nếu không sẽ phản tác dụng, để các doanh nghiệp “thây ma” tồn tại và xung đột với lợi ích của các ngân hàng.

Theo báo Wall Street Journal, IMF luôn bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ của Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra phản ứng khẩn cấp. Theo quan điểm của IMF, đây là vấn đề rất nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Hiện, nợ xấu của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.

Ngày 13-4, IMF từng cảnh báo số nợ xấu mà các doanh nghiệp đang nợ của các ngân hàng Trung Quốc đã lên tới gần 1.300 tỉ đô la Mỹ; nếu các doanh nghiệp này không trả được nợ thì hệ thống ngân hàng có thể phải gánh chịu tổn thất lên tới 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tháng trước, Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch cho phép các ngân hàng chuyển nợ xấu thành cổ phần, giúp giải quyết các các khoản nợ xấu. Trung Quốc cũng có thể thiết kế các gói tài sản xấu thành các sản phẩm chứng khoán hóa và bán ra ngoài. Hiện, chi tiết của 2 chương trình này không được tiết lộ.

Vấn đề nằm ở chỗ: chuyển nợ thành cổ phần và chứng khoán hóa tài sản xấu sẽ dẫn đến các vấn đề tiềm năng khác. Tuy 2 phương thức trên có thể giúp giải quyết các khoản nợ xấu nhanh chóng nhưng cũng có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sâu sắc hơn. Điều đáng chú ý là khoảng 60% các khoản nợ xấu thuộc các doanh nghiệp nhà nước và tập trung ở một số ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.

Nếu không giải quyết được vấn đề cơ bản của các doanh nghiệp, việc cơ cấu lại nợ của bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng sẽ dẫn đến thiệt hại lớn hơn trong tương lai, theo IMF.

Ngoài ra, để những giải pháp kỹ thuật giúp giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống, IMF cho rằng Trung Quốc cần một chương trình toàn diện bao trùm toàn bộ hệ thống.

Lo ngại của IMF cho thấy dư luận bên ngoài ngày càng hoài nghi về kế hoạch tối ưu hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc. Giám đốc điều hành HSBC cũng cho rằng Trung Quốc cần nhiều biện pháp hơn nữa để đối phó với những thách thức của việc gia tăng nợ xấu.

Ngày 17-4, Phó tổng giám đốc IMF Chu Dân bày tỏ việc chuyển nợ thành cổ phần không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Trung Quốc, đây chỉ là một trong những cách để cơ cấu lại nợ. Cho phá sản cũng là một cách giải quyết vấn đề nợ. Chuyển nợ thành cổ phần chỉ giúp được các doanh nghiệp có triển vọng phát triển. Đối với những doanh nghiệp ngập trong nợ nần và không có tiềm năng, chuyển nợ thành cổ phần không có ý nghĩa thiết thực. Đối với các "công ty thây ma", việc chuyển nợ xấu của họ thành cổ phần chỉ đơn giản là phân chia rủi ro cho hệ thống tài chính.

* Ngoài vấn đề chuyển nợ thành cổ phần, IMF cũng bày tỏ quan ngại về quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất khẩu sang chú trọng vào tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. IMF cho biết quá trình này của Trung Quốc thực sự rất phức tạp và tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

Nguy cơ từ các ngân hàng châu Âu và Brexit 

Trước đó, IMF từng kêu gọi những hành động khẩn thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới, như những năm 2008-2009, trong vòng 5 năm tới.

Theo IMF, những đe dọa đối với sự ổn định tài chính toàn cầu ngày càng gia tăng kể từ cuối năm ngoái, cần có những biện pháp bổ sung để đưa ra một tập hợp chính sách hiệu quả và cân bằng hơn nhằm góp phần cải thiện tăng trưởng, lạm phát và bảo đảm ổn định tài chính. Sự vững chắc tài chính bị xói mòn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo sự ổn định tài chính toàn cầu của IMF cho thấy những năm gần đây, các ngân hàng ở các nước phát triển trong đã trở nên an toàn hơn và có khả năng chống đỡ tốt hơn với những căng thẳng về tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng này đã chịu sức ép của thị trường vào đầu năm nay.

Hiện, 1/3 các ngân hàng tại khu vực đồng euro (eurozone) đang gặp nhiều thách thức để có thể duy trì hoạt động có lợi nhuận. Theo IMF, eurozone cần có chiến lược tổng thể để giải quyết 900 tỉ euro nợ xấu đang nằm trong sổ sách của các ngân hàng này và các ngân hàng này cũng cần giải quyết vấn đề năng lực dư thừa.

Ngoài ra, IMF cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là rủi ro chính ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế, chính trị mà còn với hệ thống tài chính châu Âu và thế giới, vì London là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Theo TBKTSG