ICT Press Club: Chặng đường 20 năm của "Kiến thức" và "Đoàn kết"

E-magazine ICT Press Club: Chặng đường 20 năm của "Kiến thức" và "Đoàn kết"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Kiến thức" và "Đoàn kết" là 2 từ khóa mà ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam - đưa ra để mô tả chặng đường 20 năm phát triển của CLB. 

CLB Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) được thành lập vào ngày 26/12/2003 theo quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam.

Hiện nay CLB quy tụ hơn 50 phóng viên, biên tập viên hoạt động tại 43 cơ quan báo chí, đều là những người phụ trách, theo dõi mảng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông trong nhiều năm.

Trong 20 năm qua, CLB đã trở thành cầu nối giữa người đọc, người xem với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ CNTT, viễn thông và khách hàng.
Bên cạnh các bài viết phản ánh thực trạng CNTT nước nhà, các chủ trương, chính sách phát triển CNTT của đất nước, cổ vũ những thành quả đã được, CLB cũng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn, bàn tròn với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành CNTT và viễn thông, tạo tiếng vang lớn trong xã hội.

Một trong những sự kiện nổi bật mà CLB thực hiện hàng năm là bình chọn và công bố 10 sự kiện ICT nổi bật nhất. Các thành viên trong CLB cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kiến thức và chia sẻ tư liệu tác nghiệp.

Trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập vào ngày 26/12 vừa qua, CLB đã được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng bằng khen vì những hoạt động hữu ích, có ý nghĩa trong suốt chặng đường thành lập và phát triển.

Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Phú - Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Nhà báo CNTT Việt Nam - về chặng đường 20 năm của CLB.

tit-ict-1-6822.jpg

PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về chặng đường đã qua của CLB Nhà báo CNTT Việt Nam?.

Ông Nguyễn Việt Phú: CLB Nhà báo CNTT Việt Nam được thành lập từ năm 2003 năm theo quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là CLB chuyên môn, tập hợp các anh chị em phóng viên hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí của Việt Nam, chuyên theo dõi về lĩnh vực CNTT và viễn thông.

Trong khoảng thời gian 20 năm qua chúng tôi đã duy trì số lượng khoảng 50 phóng viên từ 43 cơ quan báo chí. Trong khoảng thời gian đó thì cũng có một số phóng viên của CLB chuyển sang theo dõi những lĩnh vực khác; hoặc cũng có những phóng viên mới từ lĩnh vực khác chuyển sang theo dõi lĩnh vực CNTT cũng được kết nạp vào CLB.

Việc kết nạp thành viên thông qua quá trình tuyển chọn với tiêu chí là phải được các thành viên trong Ban chủ nhiệm phê duyệt, hoặc được các thành viên khác trong CLB giới thiệu và phải là người thực sự là hoạt động trong lĩnh vực báo chí, CNTT, viễn thông.

Hàng năm chúng tôi đều tiến hành rà soát để những thành viên không còn theo dõi lĩnh vực CNTT- viễn thông sẽ dừng sinh hoạt tại CLB.

Trong chặng đường 20 năm qua, CLB Nhà báo CNTT Việt Nam đã có những hoạt động khá nổi bật. Hàng năm, vào dịp cuối tháng 12 thì CLB thường tổ chức công bố 10 sự kiện CNTT – viễn thông tiêu biểu.

Các sự kiện này do các thành viên trong CLB đề cử và họ chính là những nhà báo đang theo dõi rất sát sao lĩnh vực của mình. Ngoài CNTT, viễn thông thì một số nhà báo còn quan tâm đến mảng doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường, chủ trương chính sách. Mỗi nhà báo trong CLB có một thế mạnh riêng, nhưng khi đề cử các sự kiện thường tuân theo một quy tắc chung, đó là sự kiện có tác động lớn đến xã hội và là một hoạt động nổi bật.

Ngoài ra CLB cũng thường xuyên tổ chức những cuộc tọa đàm chuyên sâu với chủ đề mà mọi người quan tâm. Chẳng hạn như việc tắt sóng 2G có tác động tới thị trường, xã hội như thế nào; Chuẩn bị tiến tới 5G thì Việt Nam sẽ phải có những bước đi và lộ trình thế nào để ít bị tác động làm xáo trộn thị trường cũng như gây tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp viễn thông cũng như người sử dụng dịch vụ.

Có thể nói trong 20 năm hoạt động của CLB thì các thế hệ nhà báo tiền nhiệm cùng với thế hệ hiện tại cũng như các phóng viên trẻ là một tập thể đoàn kết. Chặng đường 20 năm của CLB đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, của Hội Nhà báo và tập thể các anh chị em phóng viên hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí.

PV: Nhìn lại quá trình phát triển 20 năm thì đâu là những thuận lợi và đâu là những khó khăn mà CLB đã phải trải qua?

Ông Nguyễn Việt Phú: Cái khó khăn đầu tiên là mỗi một phóng viên khi theo dõi mảng CNTT - viễn thông đều có một cá tính sáng tạo riêng, cũng như mỗi tòa soạn có những tôn chỉ, mục đích riêng. Khi tập hợp trong CLB thì đây không phải là một tòa soạn báo, do đó, CLB thường xuyên phải tôn trọng các ý kiến của từng phóng viên. Thậm chí đôi khi các phóng viên viết bài phản biện mang tính xây dựng và phản biện phát triển thì có những bài viết đã gây nên phản ứng đâu đó ở các doanh nghiệp hoặc là thậm chí cả cơ quan nhà nước.

Nhưng chúng tôi nghĩ đó là một chuyện bình thường. Các hoạt động của CLB mang tính minh bạch và dân chủ chứ không phải là một CLB mang tính áp đặt. Tôi cho rằng đó không phải là khó khăn. Chính sự phong phú, đa dạng của các thành viên trong CLB đã tạo nên màu sắc, sự đa dạng và nhiều chiều thông tin trong hoạt động tác nghiệp. Và khi tập trung vào trong một CLB thì đã tập hợp được sức mạnh từ những thế mạnh riêng của mỗi anh chị em phóng viên, đồng thời cũng mang đến sức sống cho hoạt động của CLB trong từng đấy năm.

tit-ict-2-8560.jpg

PV: Hoạt động của CLB hiện nay có khác gì so với cách đây 10 năm, 20 năm không?

Ông Nguyễn Việt Phú: Rất là khác chứ. Cách đây 20 năm thì lúc đó những cái khái niệm về CNTT, về viễn thông, về nhà mạng, rồi những vấn đề thậm chí rất cơ bản như 2G, những làn sóng đã qua như CDMA hoặc lúc phải chuyển đổi từ SIM này sang SIM kia, những chính sách tác động… thì lúc đó mọi người chưa có nhiều kiến thức đâu.

Lúc đó những bài mang tính phổ biến kiến thức rất là nhiều, chẳng hạn như Internet là gì, IP là gì, kết nối dial-up là gì, kết nối băng rộng thế hệ tiếp theo, cáp quang, những cách thức truyền dẫn mới. Việc chuyển từ 2G lên 3G hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao thì phải tuyên truyền để bạn đọc hiểu, cũng như những khái niệm đó dần đi sâu vào đời sống xã hội.

Nhưng hiện tại thì đã khác rồi. Người đọc bây giờ thông thái hơn nhiều, thông minh hơn nhiều vì họ đã được tiếp cận những khái niệm đó. Bây giờ người ta quan tâm nhiều hơn đến các chính sách, chẳng hạn chính sách về giá, chính sách ưu đãi hoặc gần đây là việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Họ thắc mắc tại sao trước đây không phải chuẩn hóa mà bây giờ phải chuẩn hóa. Chúng tôi phải diễn giải, đưa đến thông tin đúng để bạn đọc hiểu và làm đúng theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, đúng theo mong muốn của Chính phủ.

Thực ra việc tác nghiệp trong thời gian gần đây của anh chị em báo chí CNTT nói chung cũng có những khó khăn khi phải cạnh tranh với các môi trường truyền thông khác, ví dụ như mạng xã hội. Chúng tôi cũng phải cạnh tranh với cả những nền tảng xuyên biên giới trong việc đưa thông tin.

Tôi cho rằng nếu có một tập thể nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí chính thống mà vững vàng về kiến thức, lập trường, quan điểm, chủ trương, thì đây chính là một môi trường truyền thông rất tốt để đưa các thông tin đúng và chuẩn xác nhất đến cho người đọc, người xem ở Việt Nam.

PV: Ban chủ nhiệm của CLB Nhà báo CNTT Việt Nam đều là những nhà báo có uy tín, làm việc ở các tờ báo lớn, và rất bận rộn. Theo ông, việc đảm nhiệm thêm công việc ở CLB có phải là “vác tù và hàng tổng không”?

Ông Nguyễn Việt Phú: Thực ra đấy là một niềm đam mê của tất cả thành viên trong Ban chủ nhiệm. Bên cạnh việc đang trực tiếp sản xuất tin bài, trực tiếp quản lý các mảng mà mình theo dõi ở tòa soạn thì anh em chúng tôi đều xuất thân là phóng viên trực tiếp, cho nên niềm đam mê, thậm chí là ham học hỏi, chia sẻ kiến thức như một lẽ tự nhiên.

Khi mọi người quyết định tham gia Ban chủ nhiệm thì ngoài công việc phải hoàn thành ở cơ quan thì sẽ phải dành một khoảng thời gian để chăm sóc và làm những việc cần thiết cho CLB. Chúng tôi đều cân đối được thời gian và hiện nay tất cả mọi người đều đang nỗ lực để góp phần cho hoạt động cộng đồng có ý nghĩa của các nhà báo đang là thành viên của Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Không có nhiều CLB nhà báo có thể hoạt động thành công, đem lại nhiều tiếng vang trong xã hội. Trong khi đó CLB Nhà báo CNTT Việt Nam được đánh giá là một trong hai CLB có nhiều hoạt động hiệu quả và hữu ích nhất. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của CLB để đây luôn là một nơi sinh hoạt yêu thích và uy tín của các nhà báo trong lĩnh vực CNTT – viễn thông?

Ông Nguyễn Việt Phú: Thực ra các CLB khác thì tôi cũng không có nhiều thông tin. Riêng CLB Nhà báo CNTT Việt Nam, trong thời gian 20 năm hoạt động, chúng tôi luôn tư duy mình cần tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo để hỗ trợ thông tin cho anh chị em phóng viên.

Khi một phóng viên riêng lẻ muốn đi đến một cơ quan quản lý nhà nước hoặc một doanh nghiệp để thực hiện bài viết mà tòa soạn đang cần, nhưng vấn đề đó các nhà báo đồng nghiệp cũng đang cần và nếu 30 nhà báo mà hẹn gặp riêng rẽ, cùng hỏi một vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước hoặc một doanh nghiệp thì sẽ mất nhiều thời gian cho họ để trả lời từng người, thậm chí mất thời gian của anh chị em phóng viên.

Tốt nhất là CLB nên làm điều đó, tập hợp tất cả các câu hỏi để tổ chức toạ đàm đa chiều. Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các đối tác họ có cơ hội chia sẻ thông tin, trở thành một diễn đàn minh bạch và đa chiều thì những hoạt động đó sẽ mang lại sức sống cho CLB, chứ không phải là chúng tôi mong muốn làm một điều gì khác biệt. Những hoạt động tác nghiệp thông thường của phóng viên khi được mở rộng ra cho nhiều người thì sẽ tạo thành nguồn tin tốt cho các anh chị em phóng viên cùng tác nghiệp.

tit-ict-3-3332.jpg

PV: Trong thời gian tới CLB có ý định mở rộng, kết nạp thêm thành viên hay đưa ra một mô hình hoạt động nào mới không, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Phú: CLB đang mở rộng thêm một vài hoạt động, ví dụ như giải chạy, giải bóng đá. Các thành viên trong CLB có nhiều người rất đam mê thể thao, vì vậy chúng tôi mong muốn sẽ phát triển thêm một số hoạt động ngoại khóa để anh em phóng viên tăng cường khả năng vận động cũng như giao tiếp với các đối tác và CLB khác thông qua hoạt động thể thao.

Còn việc mở rộng các thành viên thì hiện nay Ban chủ nhiệm CLB cũng đang rà soát. Tất cả các phóng viên khi tham gia CLB phải là người có kiến thức, đã có quá trình làm việc trong một cơ quan báo chí chính thống, đã được thẩm định các bài viết, chứ không phải ai muốn tham gia cũng được chấp nhận.

psx-20231226-120555-8735.jpg
Các thành viên ICT Press Club tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập

Chúng tôi muốn giữ chất lượng của CLB chứ không phải vì mục đích phát triển các thành viên mà bỏ qua chất lượng. Cũng có khá nhiều các phóng viên trẻ tâm sự là tham gia CLB Nhà báo CNTT khó quá, mình bảo thôi cũng phải thông cảm vì khâu tuyển chọn thành viên cũng phải khắt khe một chút, chính điều đấy mới tạo nên sức mạnh và chất lượng của CLB.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, cụ thể là Hội Nhà báo Việt Nam?

Ông Nguyễn Việt Phú: Hội nhà báo Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Báo chí sau khi đã kiện toàn và thiết lập mối quan hệ với các CLB thì hiện nay mô hình quản lý của Hội Nhà báo với các CLB thông qua Trung tâm Văn hóa Báo chí đã trở nên chặt chẽ hơn.

Tất cả các thành viên của CLB, các hoạt động của CLB thì Hội Nhà báo đều nắm được thông qua Trung tâm Văn hóa Báo chí. Những hoạt động thiết thực và có hiệu quả, có tác động với xã hội của CLB Nhà báo CNTT đều được Hội Nhà báo ủng hộ.

Trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập CLB, Hội nhà báo Việt Nam đã tặng bằng khen cho các hoạt động hiệu quả của CLB. Điều này minh chứng CLB Nhà báo CNTT đã hoạt động rất tốt, các hoạt động chuyên môn đúng với tôn chỉ, mục đích, những hoạt động báo chí mà Hội Nhà báo khuyến khích.

PV: Vâng, xin chúc mừng những thành công của CLB Nhà báo CNTT Việt Nam trong 20 năm qua. Vậy nếu có thể tóm lược chặng đường 20 năm qua trong hai từ khóa thì đó là những từ gì ạ?

Ông Nguyễn Việt Phú: Tôi có thể nói hai từ đó là "Kiến thức" và "Đoàn kết". Tất cả các phóng viên trong Câu lạc bộ đều là những người có kiến thức chuyên môn về báo chí, kiến thức về công nghệ thông tin, viễn thông rất tốt. Thứ hai, đó là một tập thể đoàn kết, và hai yếu tố đó đã mang lại sức sống cho CLB.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!