|
Biển hiệu lớn tuyên truyền chống dịch COVID-19 ở trung tâm thành phố Manchester (Ảnh: DPA) |
Thủ tướng Anh công bố kế hoạch phân chia nước Anh thành nhiều khu vực có các mức độ cảnh báo “trung bình”, “cao” và “rất cao” để có thể đưa ra các mức hạn chế được áp dụng với từng vùng. Chính phủ Anh cho hay họ đang làm việc với các lãnh đạo địa phương để quyết định xem những nơi nào cần được đặt vào mục ưu tiên, và lệnh hạn chế nào họ cần phải áp dụng ở những khu vực này.
Những biện pháp hà khắc nhất nhằm chống dịch COVID-19 chắc chắn sẽ tập trung vào những khu vực ở miền Bắc nước Anh như Liverpool. Các quy định mới tại đây – có thể bao gồm việc đóng cửa một số địa điểm du lịch và giải trí, yêu cầu người dân tránh di chuyển tới các điểm nóng – sẽ được thảo luận lại sau mỗi 4 tuần lễ; theo kênh ITV của Anh.
Mặc dù tốc độ nhiễm bệnh COVID-19 ở thủ đô London thấp hơn so với nhiều phần khác của đất nước, nhưng Thị trưởng Sadiq Khan hồi tuần trước vẫn cảnh báo rằng ông có thể áp đặt thêm các lệnh hạn chế mới.
Thủ tướng Johnson có kế hoạch công bố thêm những động thái mới nhằm ngăn dịch trước Quốc hội Anh, trước khi xuất hiện trong một cuộc họp báo ở Phố Downing cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Chris Whitty.
Tuyên bố mà ông đưa ra xuất hiện sau khi con số ca nhiễm mới COVID-19 ở Anh tăng đột biến, điều này khiến cho chính quyền nước này phải ban bố chỉ thị thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch hà khắc, trong đó có một lệnh cấm người dân tới thăm nhà nhau, áp dụng với nhiều khu vực của đất nước.
“Đây là một thời khắc hết sức quan trọng” – một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh nói – “Sự tập trung của chúng tôi hiện tại luôn là bảo vệ sự sống và cuộc sống của người dân, cùng lúc kiểm soát sự lây lan của virus. Các biện pháp này sẽ giúp chúng tôi đạt được điều đó”.
Ngoài tuyên bố áp dụng các biện pháp mới đầy hà khắc, Chính phủ Anh hồi tuần trước còn đưa ra thêm biện pháp hỗ trợ cho nhân công tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi lệnh phong tỏa, trong đó Bộ trưởng Sunak cam kết sẽ chi 2/3 tổng lượng lương của nhân công ở các công ty bị buộc phải đóng cửa.
Tại Anh, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 42.000 người, giới chức y tế nước này lo ngại rằng một làn sóng dịch mới nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong mùa Đông năm nay.
Một bản nghiên cứu được thực hiện bởi hãng Ipsos MORI công bố mới đây cho thấy người dân Anh phần lớn là ủng hộ các biện pháp ngăn dịch mới. 7/10 người dân ở Anh ủng hộ áp dụng lệnh phỏng tỏa ở các khu vực nơi có số ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng mạnh.
|
Người dân ở Liverpool ra ngoài tụ tập cùng bạn bè (Ảnh: AP)
|
Tuyên bố của Thủ tướng Johnson cũng được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 ở khắp châu Âu đang tăng kỷ lục, khiến chính quyền nhiều nước phải áp dụng thêm các lệnh phong tỏa mới.
Chính phủ Italy hiện đang xem xét về các lệnh hạn chế mới, Pháp đã đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn đối với một số thành phố của họ, trong khi Cộng hòa Séc cũng đang bàn về các quy định chặt chẽ hơn.
Tuần trước, 2 bản nghiên cứu công phu đã được công bố cho thấy virus corona chủng mới đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Anh. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho hay tỷ lệ lâu nhiễm ở nước này đã tăng gần gấp đôi trong tuần bắt đầu từ ngày 1/10, trong khi Đại học Hoàng gia London ước tính có khoảng 45.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 18/9 đến 5/10.
Với tốc độ lây nhiễm khác nhau tùy từng vùng ở nước Anh, một hướng ứng phó tùy thuộc theo đặc tính từng vùng có lẽ là cách tốt nhất để chặn dịch; Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrich nói với hãng tin Sky News. Hướng tiếp cận này nếu được áp dụng, nhiều khu vực sẽ phải thay đổi các biện pháp chặn dịch hiện tại – trong đó bao gồm lệnh cấm tụ tập trên 6 người, cùng lệnh giới nghiêm bắt đầu từ lúc 22h00 tối.
Các tiếp cận của Thủ tướng Johnson nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 vốn đã chịu nhiều chỉ trích kể từ khi địa dịch bắt đầu. Những người chỉ trích ông cho rằng nước Anh áp dụng lệnh phong tỏa vào tháng 3 năm nay là quá chậm trễ, trong khi công tác xét nghiệm và truy vết người nhiễm COVID-19 nhiều lần chậm trễ, dữ liệu sai lệch nhiều.
Gần đây nhất, các lãnh đạo địa phương đã phàn nàn về việc Chính phủ ít thông tin liên lạc và tham vấn với họ, trong khi sự bất đồng và chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng tăng dần, nhiều nhà lập pháp ngày càng lo sợ về tầm ảnh hưởng của các lệnh hạn chế bởi chúng ảnh hưởng tới sự tự do của người dân.
Văn phòng Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng các biện pháp mới nhất mà họ công bố đã được thảo luận kỹ lưỡng với các lãnh đạo địa phương, trong đó Thủ tướng Johnson đã nói chuyện trực tiếp với ông Steve Rotheram, Thị trưởng của khu vực Liverpool. Các nhà lập pháp cũng được yêu cầu tham gia tranh luận, bỏ phiếu để thông qua các biện pháp mới trong cuối tuần này.