Tại Hội thảo và Triển lãm “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” lần thứ 16 (Security Day 2023) - diễn ra ngày 30/11 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, ông Li Hai - Giám đốc An ninh bảo mật, Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ về cách Trí tuệ nhân tạo (AI) giải phóng giá trị dữ liệu đáng tin cậy, đồng thời đưa ra khuyến nghị về chính sách quản trị, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật cho AI và dữ liệu.
Ông Li Hai cho biết, AI đang là công cụ quan trọng cho phép các ngành công nghiệp nâng cao hiệu quả và năng suất ở quy mô lớn hơn thông qua “Tri thức + Dữ liệu + Thuật toán + Sức mạnh điện toán”. Cụ thể, dữ liệu là thành phần, thuật toán là động lực, sức mạnh điện toán là cơ sở hạ tầng của AI.
Đại diện Huawei đưa ra 6 khuyến nghị về chính sách quản trị, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật tin cậy cho AI và dữ liệu đang được các Chính phủ trên thế giới triển khai:
Thứ nhất, chính phủ đi đầu trong việc xây dựng các chiến lược an ninh mạng quốc gia, quy định về nơi lưu trữ dữ liệu và bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia.
Cụ thể, chính phủ cần ưu tiên 4 hoạt động: Thiết lập các chính sách, bộ luật, quy định phù hợp với kỷ nguyên số; Ươm mầm nhân tài thích ứng với kỷ nguyên số; Thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp thịnh vượng; Phát triển cơ sở hạ tầng số.
Thứ hai, nền tảng đám mây chủ quyền quốc gia. Chính phủ cần tăng cường tích hợp và hợp tác để tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây chung, nền tảng trao đổi và chia sẻ dữ liệu hợp nhất, nền tảng dịch vụ hợp nhất. Đặc biệt, đảm bảo đám mây an ninh quốc gia đạt mức độ bảo mật cao nhất.
Thứ ba, chính phủ đẩy nhanh quá trình đám mây hóa và số hóa của các bộ ngành, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn trong các ngành khác nhau.
Các bộ ngành đẩy nhanh đám mây hóa và số hóa sẽ giúp khơi thông và tinh gọn các dịch vụ xã hội như dịch vụ công, bảo hiểm xã hội, giao thông, thuế quan, giáo dục, y tế...
Thứ tư, chính phủ đi đầu trong việc thiết lập cơ chế quản lý và thu phí để tạo ra giá trị thông qua dịch vụ dữ liệu và tăng thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số.
Các nền tảng trao đổi dữ liệu quy mô lớn sẽ thúc đẩy chủ sở hữu dữ liệu, nhà cung cấp dữ liệu và người dùng dữ liệu mua bán với nhau.
Thứ năm, chính phủ chủ trì thiết lập cơ chế quản lý, tiêu chuẩn kiểm toán, bảo mật và hệ thống chứng nhận.
Việc thiết lập môi trường mạng an toàn cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có vai trò quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Do đó, chính phủ cần sửa đổi và hoàn thiện Luật an ninh mạng quốc gia, Quy định về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân, Tiêu chuẩn an ninh mạng theo luật định quốc gia,... dựa theo các khung tham chiếu toàn cầu.
Thứ sáu, chính phủ đi đầu trong việc xây dựng mô hình quản trị hợp tác đa bên phù hợp với nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, điều tiết và thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường bảo mật dữ liệu cơ bản cho đến bảo mật toàn bộ vòng đời dữ liệu.
Tại Hội thảo và Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, ông Li Hai nêu quan điểm, với GenAI (Generative AI – AI Tạo sinh), thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt của kỷ nguyên số. GenAI dân chủ hóa việc sử dụng AI, trao quyền sử dụng cho mọi lực lượng lao động, tạo điều kiện đổi mới và trao cơ hội kinh doanh mới cho khu vực công lẫn tư. Có thể nói, GenAI là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội, thúc đẩy năng suất và sản lượng tăng trên 18%.
Ông Li Hai khẳng định, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế số của mỗi quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh điện toán bình quân đầu người và ngược lại, cơ sở hạ tầng sức mạnh điện toán cũng trở thành động cơ mới của mỗi nền kinh tế số. Dự đoán, AI có thể làm tăng sức mạnh điện toán lên gấp 500 lần. Do đó, hơn 50 nước đã đưa mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đổi mới, xây dựng chính sách và tiêu chuẩn về AI vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia./.