Họp một đằng, góp ý một nẻo
Mở đầu,Vụ trưởng Chính sách thuế Phạm Đình Thi khẳng định cuộc họp bàn về tính công bằng trong giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Thế nhưng không hiểu do người phiên dịch dịch sai hay các bên có cách hiểu khác nhau, mà đại diện Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại nói về một nội dung khác, theo hướng: Tạo nhiều ưu đãi, bảo hộ hơn nữa cho các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, ông Toshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam đồng thời là chủ tịch luân phiên VAMA, đề nghị: Giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải chuyển từ giá bán buôn sang giá xuất xưởng.
Lý do là để đảm bảo đúng chiến lược phát triển ngành ô tô đã được phê duyệt cũng như mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ông Thi nhắc: Đây là cuộc họp về tính công bằng trong cách tính thuế TTĐB, không phải họp xác định ưu đãi, bảo hộ cho doanh nghiệp hay phát triển ngành ô tô.
“Nếu áp dụng cách tính giá bán tới tay người tiêu dùng, giá xe chắc chắn tăng tối thiểu 10%”. Đại diện một hãng xe nhập khẩu |
Lãnh đạo Toyota liên tiếp quay lại “cầu cứu” thư ký đi theo. Tuy nhiên, sau mỗi ý kiến thư ký của vị này phân tích, chỉ thấy khán phòng cười ồ lên. Nhiều thành viên dự họp lắc đầu ra điều không hiểu ý của người phát biểu.
Chưa hết, ngay giữa cuộc họp, nội bộ VAMA bỗng dưng thể hiện sự bất đồng. Một trong 3 thành viên có ý kiến khác với đa số thành viên còn lại là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Ông Trương Đình Huy, phụ trách chiến lược Thaco khẳng định ủng hộ với đề xuất của Bộ Tài chính (tăng thuế TTĐB-đồng nghĩa giá ô tô nhập đáng lý giảm theo cam kết, sẽ bị tăng). Trong quá trình thảo luận tại VAMA, Thaco đã gửi 2 công văn với nội dung cần nghiên cứu kỹ trước khi góp ý. “Với tư cách doanh nghiệp có đến 90% xe sản xuất, lắp ráp trong nước, suy đi tính lại, chúng tôi thấy đề nghị của Bộ Tài chính sẽ đảm bảo công bằng”, ông Huy nêu quan điểm.
Sự khác biệt quan điểm trong nội bộ VAMA còn thể hiện rõ hơn khi hai hãng xe đến từ Nhật Bản Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam có nhìn nhận khác nhau. Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Hồ Mạnh Tuấn nói giá xe nhập về chưa có các chi phí liên quan đến marketing, bán hàng… Tuy nhiên, ông Maruta lập tức quay sang “đính chính” và khẳng định họ vẫn có sự hỗ trợ chi phí đó từ các công ty mẹ phụ trách khu vực.
Ở đâu tiếng nói người tiêu dùng?
Cao trào của buổi họp diễn ra khi các bên bàn đến giá tính thuế. Mỗi bên đưa ra một quan điểm. Bên nọ đòi áp giá nhập khẩu, bên kia muốn áp giá xuất xưởng, hãng khác đòi áp giá bán buôn. Các ý kiến tham gia từ hãng xe bình dân như Hyundai Thành Công, Suzuki Việt Nam hay các ông lớn hạng sang đều thể hiện các quan điểm khác nhau khi dựa trên vị thế
của họ.
Còn ông Phạm Đình Thi nói: Với tư cách người làm chính sách, áp giá nào phải đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên gồm nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vị này cũng cho biết, Vụ Chính sách thuế đã nhận được ý kiến thống nhất của 20 cơ quan bộ, ban ngành và địa phương liên quan. Không thấy ông này nói gì tới tiếng nói của hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan tương tự.
Tổng Giám đốc một Công ty nhập khẩu ô tô phân tích: “Thuế TTĐB đánh vào người tiêu dùng, tại sao lại áp dụng cách tính thuế khác nhau giữa các nhà sản xuất. Thuế TTĐB không phải là công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp, mà đánh vào người tiêu dùng có nhu cầu đặc biệt”.
Một nhà nhập khẩu khác tuyên bố: Hoặc giữ nguyên phương án hiện tại, hoặc là áp dụng giá bán tới tay người tiêu dùng. Có thể điều này sẽ tạo ra sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, nhưng lại gây bất lợi cho người tiêu dùng. Vị này nói: “Nếu áp dụng cách tính giá bán tới tay người tiêu dùng, giá xe chắc chắn tăng tối thiểu 10%”. Điều này là hiện thực trong bối cảnh chưa biết thuế nhập khẩu sẽ như thế nào tới năm 2018.
Theo Báo Tiền Phong