Hồng Sơn, tiền vệ có đôi chân “ma mị”

VietTimes -- "Ở thời của tôi, Nguyễn Hồng Sơn chính là tiền vệ hay nhất không chỉ của Việt Nam mà còn với toàn Đông Nam Á. Cậu ấy sở hữu kỹ thuật cá nhân cực kỳ xuất sắc, nhãn quan chiến thuật sắc bén và được thể hiện liên tục qua nhiều trận đấu", Alfred Riedl nói.
Huyền thoại sân cỏ Việt. Ảnh HS
Huyền thoại sân cỏ Việt. Ảnh HS

Cầu thủ Thể Công sinh năm 1970 có một sự nghiệp lẫy lừng (1988-2004) trong vai trò cầm trịch lối chơi. Hồng Sơn là chủ nhân của 2 Quả bóng Vàng vào các năm 1998 và 2000, Vua phá lưới mùa giải 1990, cầu thủ xuất sắc nhất giải Tiger Cup 1998 và một lần trở thành cầu thủ xuất sắc nhất tháng. Với Thể công, Hồng Sơn đã có 2 chiếc Cúp vô địch năm 1990 và 1998 cùng siêu cúp 1998.

“Quái nhân” bóng đá Việt

Trong tập thể đội bóng áo lính thời kỳ đó có khá nhiều đồng đội xuất sắc không kém như Công Tuyền, Việt Hoàng, Mạnh Cường nhưng cầu thủ số 8 vẫn là nhạc trưởng không thể thiếu. Hồng Sơn thường chuyền bóng cho đồng đội mà không cần nhìn, xoay lưng anh vẫn chuyền đúng địa chỉ. Cách hiệu quả nhất để hạn chế sức tấn công của Thể Công là “triệt” Hồng Sơn, vì thế trong cuộc đời cầu thủ Hồng Sơn không biết bao lần bị chấn thương, phải dùng đến nạng.

Hồng Sơn thi đấu đã truyền nguồn cảm hứng lớn cho người hâm mộ giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam hội nhập khu vực. Ảnh TT
Hồng Sơn thi đấu đã truyền nguồn cảm hứng lớn cho người hâm mộ giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam hội nhập khu vực. Ảnh TT

Hồng Sơn chơi cho đội tuyển giai đoạn 1993-2001, với 48 trận ra sân Sơn “công chúa” đã có 16 bàn thắng. Anh cùng đội tuyển giành 2 HCB SEA Games 1995 và 1999, HCB Tiger Cup 1998. Rõ ràng, về số bàn thắng Hồng Sơn thua xa Công Vinh (51), số trận cũng không bằng (85) và không có tên trong những tấm HCV AFF Cup hay SEA Games nhưng đội tuyển quốc gia có Hồng Sơn thi đấu đã truyền một nguồn cảm hứng lớn cho người hâm mộ giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam hội nhập khu vực.

Việc các cầu thủ đội tuyển Việt Nam chưa được tiếp cận nhiều với bóng đá đỉnh cao, còn quá nhiều hạn chế trong việc tổ chức thế trận nên thường lép vế trước người Thái. Hồng Sơn là khó khăn duy nhất khiến đối thủ còn phải dè chừng vì tư duy chiến thuật và kỹ thuật vượt trội.

Hồng Sơn thi đấu ở hàng tiền vệ, dù chỉ cao 1,67m nhưng cầu thủ Thể Công có những động tác kỹ thuật che chắn, vờn bóng làm nức lòng người xem. Hồng Sơn có thể chơi tốt 2 chân, những cú xỉa bóng bằng má ngoài, những đường chuyền có điểm rơi, những cái lắc người vặn sườn đối phương đã tạo nên dấu ấn không thể lẫn vào đâu.

Học trò cưng

Hồng Sơn có thể xử lý bóng đậm chất kỹ thuật trong phạm vi 16,5m, những cú hất bóng, đánh gót đầy sáng tạo. Dường như bất cứ HLV nào khi nắm đội tuyển đều xây dựng lối chơi xung quanh Hồng Sơn. Đây là điều mà Huỳnh Đức, Công Vinh dù xuất sắc trong khâu ghi bàn những không có được vị trí như thế trong đội tuyển.

HLV Dido để lại câu nói bất hủ về Sơn: "Nếu Hồng Sơn được sinh ra ở Brazil, cậu ấy đủ khả năng trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới". Ảnh TC
HLV Dido để lại câu nói bất hủ về Sơn: "Nếu Hồng Sơn được sinh ra ở Brazil, cậu ấy đủ khả năng trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới".  Ảnh TC

Năm 2001 trước khi rời Việt Nam, HLV Dido để lại câu nói bất hủ về Sơn: "Nếu Hồng Sơn được sinh ra ở Brazil, cậu ấy đủ khả năng trở thành huyền thoại của bóng đá thế giới". Sau khi Hồng Sơn giải nghệ, chỉ có Văn Quyến là có những pha xử lý bóng đạt đến tầm này nhưng lại không đóng góp nhiều cho đội tuyển vì những sai lầm cá nhân ngoài sân cỏ.

Thời điểm đó, bóng đá Thái Lan nổi lên với những cái tên như Kiatisak, Natipong, Chukiat, Tawan thì có thể nói Hồng Sơn là 1 trong số ít cầu thủ Đông Nam Á khiến người Thái phải cảnh giác. Không ít trận đấu tiền vệ nổi tiếng nhất của bóng đá Thái lúc đó là Chukiat luôn chọn phương án phạm lỗi từ xa để bảo đảm an toàn cho khung thành.

HLV Alfred Riedl, người có thâm niên HLV các sân cỏ Đông Nam Á khẳng định rằng Nguyễn Hồng Sơn là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ông  Alfred Riedl đã 3 lần (1998-2001; 2003; 2005-2007) dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam và là HLV đội tuyển đạt nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Người đàn ông sinh năm 1949, trong người có 1 quả thận Việt Nam này chia sẻ: "Tôi chắc chắn đó chính là một trong những người giỏi nhất, thậm chí có thể là hay nhất lịch sử tuyển Việt Nam. Tôi tin chắc nếu có cơ hội, Hồng Sơn có thể chơi được và sẽ chơi hay tại châu Âu. Vấn đề của cậu ấy chỉ là sự thích nghi với văn hóa bóng đá mới”.

Với 1 người đã từng vô địch Áo (1969, 1970), vua phá lưới giải Áo (1972), Bỉ (1973, 1975) và chiếc giày Đồng châu Âu (1975) thì những nhận xét của ông đáng tin cậy. Rất nhiều nhà chuyên môn và khán giả hâm mộ Việt Nam cũng có chung nhận định như 2 vị HLV trên.