Điều này làm dấy lên một câu hỏi, rằng Hollywood đang dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn bộ phim hay nhất?
Ngay từ khi công bố danh sách đề cử Oscar 2015, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã bị chỉ trích dữ dội vì thiếu tính đa dạng, do các hạng mục diễn xuất đều thuộc về diễn viên da trắng. Trong đêm trao giải Oscar, Viện Hàn lâm lại gây nên một cuộc tranh cãi mới khi chọn phim chiến thắng là Birdman (Người chim), mô tả về một diễn viên điện ảnh hết thời muốn tìm kiếm vinh quang trên sân khấu.
Liên tục trao giải cho phim tôn vinh nghiệp diễn
Việc này khiến giới quan sát cho rằng kinh đô điện ảnh đang quá ưu ái các phim mang tính “hướng nội” – hệ quả của một nền văn hóa đại chúng chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các chương trình truyền hình thực tế và truyền thông xã hội. “Ngày hôm nay, tính ái kỷ đang được tôn vinh trong văn hóa đại chúng và giờ nó đang dần xuất hiện ở giải Oscar” – nhà phê bình Tom O'Neil thuộc trang web Gold Derby chuyên xếp hạng mùa trao giải, nói với hãng tin AFP.
Cảnh trong Birdman, tác phẩm điện ảnh đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm nay.
Đã có nhiều lời bàn ra tán vào sau khi phim Birdman chiếm trọn các giải thưởng hàng đầu (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87. Việc phim “rinh” giải Oscar Phim hay nhất đã khiến người ta nhớ tới The Artist (Nghệ sĩ) của đạo diễn Michel Hazanavicius, đã đoạt giải Oscar phim hay nhất hồi năm 2012. The Artist cũng kể về một diễn viên phim câm đã hết thời và gặp nhiều khó khăn khi tham gia các bộ phim có tiếng kèm theo.
Năm 2013, giải Oscar Phim hay nhất tiếp tục được trao cho Argo. Đây là bộ phim dựa trên sự kiện có thật, nói về việc tình báo Mỹ cải trang thành các nhà làm phim để giải cứu con tin ở Iran.
“Trong nhiều thập kỷ qua, Hollywood vẫn nhận thức rõ rằng tung ra các tác phẩm điện ảnh với đề tài làm phim thường không mang lại lợi nhuận. Vì thế họ không làm nhiều phim về đề tài này. Nay các nhà làm phim đang đi ngược lại quan điểm của các hãng phim lớn, vốn chỉ quan tâm tới đề tài hành động, siêu người hùng... và cho ra những bộ phim mang dấu ấn cá nhân lớn hơn” - Tim Gray, thuộc tạp chí Variety, nhận định.
Một xu hướng tự nhiên
Ông Robert Thompson, giáo sư về văn hóa đại chúng tại trường Đại học Syracuse, nói rằng các bộ phim mang đề tài về hoạt động làm phim chỉ là một xu hướng tự nhiên. Ông cho rằng xu hướng này không hẳn là dở.
“Có thể nói rằng khoảng 80% các dự án mà tôi biết có mang đề tài về hoạt động làm phim. Đây là một ngành liên tục tự phản chiếu bản thân. Nhiều bộ phim dạng này có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên tôi không cho đây là một xu hướng thể hiện việc đề cao quá mức nghề làm phim” - Thompson nói.
Làm phim bom tấn hay phim nghệ thuật là vấn đề gây tranh cãi từ lâu ở Hollywood. Năm nay, phần lớn trong số 8 phim được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hay nhất là phim độc lập, thay vì các quả bom tấn chiều theo thị hiếu đám đông.
Cụ thể, 2 phim sáng giá nhất là Birdman do Alejandro Gonzalez Inarritu viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn với kinh phí chỉ 18 triệu USD. Trong khi đó phim Boyhood chỉ tốn 4 triệu USD để sản xuất, dù mất tới 12 năm làm phim.
Các mức kinh phí này chỉ như “muối bỏ bể” khi so với khoản tiền từ 100-200 triệu được các hãng phim đầu tư cho những quả bom tấn tung ra hồi năm ngoái như Đấu trường sinh tử: Húng nhại (Hunger Games: Mockingjay - Part 1), Vệ binh dải ngân hà (Guardians of the Galaxy) hay Biệt đội Big Hero 6.
Theo giáo sư Thompson, 3 trong 4 dự án điện ảnh gần đây đoạt Tượng vàng Phim hay nhất đều nói về nghề diễn hoặc làm phim và được dàn dựng với mức kinh phí tương đối thấp. Vấn đề nằm ở chỗ 3 phim đều có chất lượng tốt và chứa đựng thông điệp mạnh mẽ nên việc chúng đoạt giải là rất xứng đáng.
Theo Vtv