Nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) thay mặt cho Ban thường vụ báo cáo về 5 vấn đề chính trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2, bao gồm công tác kết nạp hội viên, tổng kết hoạt động chuyên môn của các đơn vị thành viên, báo cáo tài chính, công tác nhân sự điều hành và phương hướng tổ chức Đại hội lần thứ 3.
Đánh giá về hoạt động hội viên, nhà báo Lê Thọ Bình cho biết công tác hội viên của VDCA đã được thực hiện rất tốt. Qua 2 nhiệm kỳ từ năm 2011 đến nay, VDCA đã kết nạp được 437 hội viên, trong đó hội viên cá nhân là 374 người, hội viên tổ chức là 63. Riêng nhiệm kỳ 2 số hội viên kết nạp là 353, với 52 hội viên tổ chức và 301 hội viên cá nhân, số lượng kết nạp gấp rưỡi nhiệm kỳ 1.
Hiện VDCA có 15 đơn vị trực thuộc, có 9 đơn vị có tư cách pháp nhân. Hội cũng mới thành lập chi nhánh miền Nam - sVDCA. Mặc dù mới thành lập nhưng đơn vị này đã tổ chức được một số hoạt động có ý nghĩa.
Về công tác chuyên môn của các hội viên VDCA, có 2 nhóm hoạt động chính là truyền thông tổ chức sự kiện và đào tạo chuyển đổi số gắn với sản xuất kinh doanh.
Về truyền thông tổ chức sự kiện, Hội đã thực hiện rất thành công, với hoạt động nổi bật là Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Năm nay là năm thứ 5 Giải thưởng được tổ chức, số lượng các đơn vị tham gia ngày càng đông, uy tín của Giải ngày càng lớn.
Hội có cơ quan ngôn luận là Tạp chí Điện tử VietTimes đang phát triển ngày một lớn mạnh. Tạp chí đã có chỗ đứng nhất định trong làng báo. Tính trong các Hội và Hiệp hội, VietTimes là tờ tạp chí uy tín hàng đầu. Nhà báo Lê Thọ Bình cũng đề nghị các hội viên, trưởng các đơn vị phối hợp với Tạp chí để sản xuất, viết bài chuyên sâu theo đúng tôn chỉ mục đích của Hội và của Tạp chí.
Câu lạc bộ Cafe Số cũng là một điểm sáng của VDCA. CLB Cafe Số đã kết nối được các nhà báo, các chuyên gia, quan chức bộ ngành để thảo luận chuyên đề về những vấn đề mà xã hội và nhà báo quan tâm. Tiếng nói của Câu lạc bộ đã góp phần nâng cao vị thế của VDCA đối với các cấp lãnh đạo và toàn thể xã hội.
Nhà báo Lê Thọ Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (ảnh: Văn Lâm) |
VDCA cũng đã có những nghiên cứu, phản biện chính sách như góp ý cho Đề án Chuyển đổi số quốc gia (7/2019), tọa đàm góp ý cho Nghị định chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước (11/2019), góp ý xây dựng dự thảo luật đối tác công tư. Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) - đơn vị trực thuộc Hội đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo về chính sách pháp luật, an toàn thông tin, được đánh giá cao.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2020, VDCA đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm trực tuyến và trực tiếp với các đối tác: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vụ Kinh tế - Ủy ban kinh tế Quốc hội, Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) và nhóm chuyên gia PPP của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Về đào tạo chuyển đổi số gắn với sản xuất kinh doanh, Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) và Viện Phát triển Kinh tế số (VIDE) đã có những hoạt động rất tích cực. Người đứng đầu các viện đã tham gia phát biểu, nói chuyện ở cả trong và ngoài nước. Hai viện thực hiện các chương trình tư vấn đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hội đã thành lập Trung tâm Bản quyền số với những hoạt động để bảo vệ tác quyền trên môi trường mạng. Trung tâm đã ký được hợp đồng với nhiều cơ quan báo chí mặc dù bảo vệ bản quyền là một công việc khó khăn.
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số (CRC) đã tổ chức được nhiều khóa học có ý nghĩa cho các cá nhân và đơn vị đang triển khai các chương trình chuyển đổi số.
Chi bộ cơ quan Hội Truyền thông số Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cấp trên, luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đồng thời thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo xây dựng và phát triển Hội. Liên tục trong những năm qua, chi bộ Hội luôn được Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận là chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chi hội Nhà báo Truyền thông số Việt Nam, được Hội Nhà báo Việt Nam quyết định thành lập, đã đi vào hoạt động và tổ chức đại hội nhiệm kỳ 1 (2021- 2023).
Về công tác nhân sự, Ban chấp hành Hội (BCH) nhiệm kỳ 2 gồm 68 người và Ban thường vụ Hội (BTV) là 22 người. Đã có 38 ủy viên BCH đăng ký tái cử nhiệm kỳ 3.
Trong buổi họp của BTV sáng cùng ngày, các ủy viên đã nhất trí rằng việc kết nạp thành viên BCH mới cần tính đến nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới. BCH cần có sự kết hợp của các ủy viên trẻ tuổi, nhiệt huyết với các ủy viên giàu kinh nghiệm. Hiện đang có 27 cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông được đề cử vào BCH Hội nhiệm kỳ 3.
BTV thống nhất đề cử TS. Nguyễn Minh Hồng tiếp tục ứng cử chức danh Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 3. BTV và BCH cũng sẽ lựa chọn các nhân sự phù hợp để giới thiệu ứng cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ mới: các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hội.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Doãn Hợp - Chủ tịch danh dự của Hội chia sẻ về thời gian đầu thành lập Hội với khó khăn "3 không" - không trụ sở, không người hỗ trợ, không kinh phí. Giờ đây, sau hơn 10 năm, ông thấy Hội đã có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Hội đã tổ chức rất thành công Giải thưởng Chuyển đổi số thường niên, CLB Cafe số tổ chức nhiều buổi thảo luận hữu ích, nhiều đơn vị, cá nhân nộp đơn xin gia nhập Hội...
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Văn Lâm) |
Chủ tịch danh dự Lê Doãn Hợp đề nghị BTV, BCH Hội tiếp tục thực hiện tốt định hướng về kinh tế số, chuyển đổi số, truyền thông số. Về nhân sự, ưu tiên trẻ hóa, tri thức tốt, chuyên nghiệp hóa tốt. Chủ tịch danh dự gợi ý cơ cấu lãnh đạo của Hội nên bao gồm 1 Chủ tịch và 5 Phó chủ tịch, cùng 15 ủy viên Ban thường vụ.
Ông Lê Doãn Hợp cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những việc mà Hội chưa làm được, trong đó có công tác truyền thông tại các tỉnh, địa phương chưa tốt. Ông đề nghị các đơn vị thuộc Hội cần lưu tâm đến công tác truyền thông tới các địa phương.
Tiếp lời ông Lê Doãn Hợp, ông Vũ Kiêm Văn - Phó Tổng thư ký VDCA chia sẻ rằng sau 10 năm, nhiều đơn vị đã biết đến Hội và các hoạt động của Hội. Một số lĩnh vực VDCA hoạt động tiên phong như Chuyển đổi số, bản quyền số, truyền thông số.
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng diễn ra thường xuyên. Các tập đoàn như Google, TikTok, Alibaba, Amazon đã tìm đến Hội để hợp tác tổ chức sự kiện, đào tạo doanh nghiệp. Các hiệp hội nước ngoài như KOSA - Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc, VRCIA - Hiệp hội Công nghiệp nội dung thực tế ảo cũng đã có sự hợp tác với VDCA. Ông Vũ Kiêm Văn đề nghị nhiệm kỳ tới VDCA sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Về các thành viên, ông Vũ Kiêm Văn cho biết mặc dù chi nhánh miền Nam của VDCA thành lập trễ đến 4 năm so với dự định, nhưng chi nhánh này đang hoạt động rất tốt, đồng bộ, tích cực.
Ông Vũ Kiêm Văn nói rằng hiện số lượng hội viên cá nhân đang nhiều hơn số lượng hội viên tổ chức. Ông đề nghị nhiệm kỳ tới số lượng hội viên tổ chức phải nhiều hơn nữa. Đồng thời hoạt động hội viên phải tích cực hơn cả ở 2 đầu phía Bắc và phía Nam.
Có cùng ý kiến phát biểu, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc và ông Phạm Đức Bảo cho rằng nhân sự của nhiệm kỳ mới nên tinh gọn, đảm bảo lựa chọn được những ủy viên tâm huyết, nhiệt tình vì hoạt động của Hội.
Ông Lê Nghiêm, ủy viên Ban Thường vụ Hội, nguyên Cục trưởng Cục quan hệ đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông, cảm nhận VDCA có thương hiệu ngày càng uy tín, có nhiều hoạt động ý nghĩa như các như của CLB Cafe Số.
Hội có cơ quan ngôn luận là Tạp chí điện tử VietTimes có vai trò khá nổi bật, có nhiều thông tin kịp thời, chính xác trong lĩnh vực CNTT và truyền thông số. Ngoài ra, Tạp chí còn có những tin bài giá trị về kinh tế số, y tế số, quan hệ quốc tế.
Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục quan hệ đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) (ảnh: Văn Lâm) |
Ông Lê Nghiêm nói rằng đây là 2 mảng sáng trong Hội. Ông cũng nói rằng vai trò truyền thông cần được coi là trọng tâm trong hoạt động của Hội. Ông nêu ý kiến VDCA nên mở rộng thêm hoạt động truyền thông bằng cách kết nạp thêm thành viên là các tổng biên tập, các cơ quan truyền thông, các công ty truyền thông.
Vai trò của người lãnh đạo Hội là rất quan trọng. Ông Lê Nghiêm đánh giá Chủ tịch Danh dự Lê Doãn Hợp và Chủ tịch Hội Nguyễn Minh Hồng đã những người lãnh đạo rất có tâm huyết và góp công rất lớn trong sự thành công của VDCA.
TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ về hoạt động của Hội trong thời gian qua (ảnh: Văn Lâm) |
Nhà báo Hoàng Tư Giang, ủy viên BCH Hội chia sẻ câu chuyện CLB Cafe Số được Thủ tướng nhắc đến khi đã tổ chức thành công những buổi tọa đàm về Thủy điện. Về sự phát triển của Hội trong tương lai, nhà báo Tư Giang đề nghị Hội cần có những quyết định đúng đắn đối với những việc chưa làm được trong nhiệm kỳ này để nhiệm kỳ tới có thể phát triển bền vững.
Nhà báo Hoàng Tư Giang (ảnh: Văn Lâm) |
Phát biểu tổng kết hội nghị, nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ rằng, sau kỳ Đại hội sắp tới, VDCA sẽ tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động theo Nghị quyết Đại hội Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ (2022-2027), xây dựng và phát triển Hội ngày càng vững mạnh, tích cực góp phần xây dựng ngành Thông tin và Truyền thông của đất nước. Hội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng, triển khai các Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề tập trung vào chuyển đổi số và phát triển nền Kinh tế số; Tích cực tổ chức các hoạt động dự án, chương trình, sự kiện, hợp tác trong nước và quốc tế./.