Hội nghị Bộ Chính trị Trung Quốc xác định tiến hành lâu dài “đấu tranh kinh tế thương mại quốc tế”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25/4, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để phân tích tình hình kinh tế, xác định tiến hành lâu dài “đấu tranh kinh tế thương mại quốc tế”.

Ngày 25/4, ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kinh tế. Ảnh: SingTao.
Ngày 25/4, ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kinh tế. Ảnh: SingTao.

Tình hình nghiêm trọng, lâu dài và khó khăn

Hội nghị đã định nghĩa cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng là "cuộc đấu tranh kinh tế và thương mại quốc tế", nói rằng tác động của các cú sốc bên ngoài đã gia tăng và Trung Quốc phải chuẩn bị đầy đủ các phương án, cắt giảm dự trữ bắt buộc và lãi suất thích hợp, tăng cường các điều tiết chu kỳ bất thường. Các nhà phân tích chỉ ra rằng tuyên bố của Bộ Chính trị cho thấy Trung Quốc sẽ không lựa chọn thỏa hiệp hay lùi bước nhượng bộ, và đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến lâu dài.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức sau khi Mỹ áp thuế lên tới 145% đối với Trung Quốc hồi đầu tháng 4.

CCTV News đưa tin, so với "xung đột kinh tế và thương mại" năm 2018, "cuộc đấu tranh kinh tế và thương mại" phản ánh đánh giá mới nhất của trung ương về mức độ nghiêm trọng, tính lâu dài và khó khăn của tình hình quốc tế hiện nay.

Trang Jiemian News dẫn lời ông Vương Thanh (Wang Qing), chuyên gia phân tích vĩ mô tại China Orient Asset Management, cho biết cuộc họp này đã xác định rõ ràng hơn về cuộc chiến thuế quan. "Trung Quốc sẽ không lựa chọn thỏa hiệp nhượng bộ, mà sẽ thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết. Đồng thời, trong nước sẽ kiên định xử lý công việc của mình và ổn định đại cục kinh tế vĩ mô. Ở cấp độ quốc tế, sẽ liên kết nhiều lực lượng để tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế", ông nói.

Chien tranh thuong mai.png
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ ngày càng gay gắt thêm vì vấn đề thuế quan.
Ảnh: FT.

Không công bố biện pháp kích thích, tránh gây căng thẳng

Ông Lục Đình (Lu Ting), nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Nomura Securities, đã phân tích trong một báo cáo công bố hôm 25/4 rằng cuộc họp của Bộ Chính trị không công bố các biện pháp kích thích cụ thể vì không muốn tạo ra sự căng thẳng và hỗn loạn trong trò chơi "ai chớp mắt trước", và chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi đi tín hiệu rằng ông ta có ý định làm dịu cuộc chiến thương mại.

Hội nghị Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ ra rằng: cần ổn định việc làm, ổn định doanh nghiệp, ổn định thị trường và ổn định dự báo.

Theo diễn giải của CCTV, “ổn định việc làm” được xếp đầu tiên, “đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của thuế quan, tỷ lệ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được trả về để ổn định việc làm sẽ được tăng lên”, điều này cho thấy trước những cú sốc bên ngoài ngày càng gia tăng, chính phủ rất coi trọng vấn đề việc làm, đây là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của người dân.

Về ổn định doanh nghiệp và thị trường, “thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn” cho thấy quyết sách vĩ mô cho thấy sự quan tâm hơn đến các chủ thể vận hành kinh tế vi mô. Dưới tác động của các chính sách gia tăng và chính sách bảo toàn kể từ tháng 9 năm ngoái, nền kinh tế đã có xu hướng tích cực và niềm tin xã hội tiếp tục được thúc đẩy. Việc nhắc lại “ổn định dự báo” cho thấy đây vẫn sẽ là mục tiêu quan trọng của kiểm soát vĩ mô trong tương lai.

Chinh phu tro cap tieu dung.jpg
Chính phủ Trung Quốc trợ giá cho một số mặt hàng tiêu dùng. Ảnh: FT.

Trong tháng trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) đã 4 lần kêu gọi "chọn thời điểm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất". Sau đó, cuộc chiến thuế quan leo thang. Ngày 7/4, tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận cho biết tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất có thể được hạ xuống "bất cứ lúc nào".

Hôm 25/4, Bộ Chính trị Trung Quốc lại dùng cụm từ “hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất đúng thời điểm” đã nêu trong Hội nghị công tác kinh tế Trung ương tháng 12/2024 và Báo cáo công tác chính phủ đầu tháng 3 năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy Trung Quốc vẫn đang theo dõi diễn biến của cuộc chiến thuế quan để quyết định thời cơ ra tay hành động.

Ngân hàng trung ương dự kiến ​​cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Ông La Chí Hằng (Luo Zhiheng), nhà kinh tế trưởng của Yuekai Securities, dự đoán quý II có thể là thời điểm thực hiện cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất; trong đó tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giảm 0,5 điểm phần trăm và lãi suất có thể giảm 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.

Ông cũng chỉ ra rằng giọng điệu của cuộc họp Bộ Chính trị về chính sách bất động sản đã thay đổi từ "tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thị trường bất động sản ngừng sụt giảm và ổn định" trong báo cáo công tác của chính phủ thành "tiếp tục củng cố sự ổn định của thị trường bất động sản", có nghĩa là đánh giá chính thức hiện nay là thị trường bất động sản về cơ bản đã ổn định.

Su quan Trung Quoc tai My.png
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ bác bỏ và phủ nhận thông tin ông Tập Cận Bình gọi điện cho Tổng thống Trump. Ảnh: SingTao.

Trump nói ông Tập Cận Bình đã gọi điện, Đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ

Tạp chí Time hôm 25/4 đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về các vấn đề thương mại và thuế quan, hy vọng đạt được thỏa thuận để đảo ngược thâm hụt thương mại. Ông cũng cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông nhưng ông không muốn gọi lại. Ông Trump không tiết lộ ngày tháng hoặc nội dung cuộc gọi.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bác bỏ và phủ nhận, tái khẳng định Trung Quốc và Mỹ chưa hề tổ chức tham vấn hoặc đàm phán về thuế quan, chứ chưa nói đến việc đạt được thỏa thuận.

Những ngày gần đây, Mỹ liên tục bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề thuế quan và cho biết hai bên đã có các cuộc đối thoại. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 26/4 đã lên tiếng bác bỏ dưới hình thức trả lời câu hỏi của nhà báo, cho biết phát biểu này hoàn toàn gây nhầm lẫn và “Trung Quốc và Mỹ chưa hề tổ chức tham vấn hay đàm phán về vấn đề thuế quan, chứ chưa nói đến việc đạt được thỏa thuận”.

Theo SingTao