|
Nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Ảnh: CNA |
Tờ Tin tức Trung Quốc ngày 15 tháng 1 cho hay ở Bắc Kinh ngày 14 tháng 1 đã diễn ra một cuộc hội thảo về quan hệ hai bờ năm 2016 và xu hướng năm 2017. Tham dự có hơn 40 học giả đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng năm 2017, rủi ro quan hệ hai bờ tăng lên, tồn tại khả năng "từ lạnh chuyển sang nóng, đối kháng yếu phát triển thành đối kháng nóng, đối kháng mạnh. Đồng thời Trung Quốc cần tiếp tục "làm tốt công tác" đối với người dân Đài Loan.
Nghê Vĩnh Kiệt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đài Loan ở Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng từ ngày 20 tháng 5 năm 2016, quan hệ hai bờ (quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan) đã bước sang cục diện mới, nhưng về tổng thể vẫn duy trì ổn định, cục diện lớn không thay đổi, Trung Quốc vẫn nắm chắc "quyền chủ đạo" của phát triển quan hệ hai bờ.
Năm 2017, tình hình đối đầu "lạnh" của quan hệ hai bờ sẽ không thay đổi, nhưng hoàn toàn không loại trừ khả năng xuất hiện xung đột lớn.
Nghê Vĩnh Kiệt phân tích cho rằng hiện nay chủ trương hai bờ của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn "có điều chỉnh, không đạt chuẩn". Nhiều phát biểu và động thái gần đây về hai bờ của bà Thái Anh Văn đều cho thấy hạt nhân chính sách của bà là "thân Mỹ và Nhật Bản, đối đầu với Trung Quốc".
Quan hệ hai bờ đã bước vào giai đoạn đặc biệt, rơi vào cục diện bế tắc, khó khăn, những vấn đề như "Đài Loan độc lập về văn hóa", "chính sách hướng Nam mới", phương án sửa đổi "Luật trưng cầu dân ý", nhà cầm quyền Thái Anh Văn tiếp xúc với chính quyền Donald Trump... đều có khả năng gây ra xung đột hai bờ trong tương lai.
Chu Vệ Đông, Phó Phòng nghiên cứu Đài Loan, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: "Tình hình quan hệ hai bờ hiện nay không phải là điều mà Trung Quốc muốn nhìn thấy, mà là thứ mà nhà cầm quyền Đài Loan cưỡng ép Trung Quốc".
Theo Chu Vệ Đông, triển vọng năm 2017, các loại biến số đan xen, chồng chéo, cùng thúc đẩy, rủi ro đối đầu của quan hệ hai bờ tăng cao, tình hình eo biển Đài Loan phức tạp, nghiêm trọng.
Biến số của quan hệ hai bờ quan trọng là ở thái độ của bà Thái Anh Văn, là “thân Mỹ và Nhật, đối đầu với Trung Quốc” hay cùng Trung Quốc đi về một hướng? Chu Vệ Đông cho rằng cần “cảnh giác cao” với xu hướng thi hành chính sách của bà Thái Anh Văn.
Đối với xu hướng chính sách đối với Đài Loan của chính quyền Mỹ Donald Trump, Cừu Khai Minh, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quan hệ hai bờ eo biển và Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng trong tương lai, nhà cầm quyền Đài Loan sẽ dựa nhiều hơn vào bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản. Nhà cầm quyền Đài Loan sẽ phải bỏ ra nhiều nguồn lực hơn, từ đó làm gia tăng sức ép xử lý các vấn đề nội bộ.
Theo nhà nghiên cứu Cừu Khai Minh, năm 2017, các nhân tố bên ngoái liên quan đến xử lý vấn đề Đài Loan tăng nhiều, tính phức tạp gia tăng. Công tác đối với Đài Loan phải bảo vệ đại cục, phục vụ cho đại cục, phải có "thành tích", không gian của quan hệ hai bờ "rất lớn".
Giáo sư Tạ Úc, Trung tâm sáng tạo hiệp đồng phát triển quan hệ hai bờ Trung Quốc cho rằng năm 2017 khi xử lý quan hệ hai bờ, Trung Quốc cần kiên trì giữ "giới hạn", đó là "nhận thức chung 9/2" và nguyên tắc "một Trung Quốc", không thể có bất cứ thỏa hiệp và nhượng bộ nào, không để nhà cầm quyền Đài Loan có bất cứ “ảo tưởng” nào đối với vấn đề này. Đồng thời, cần giữ được khả năng dẫn dắt quan hệ hai bờ.
Dương Nghị Châu, Phó hội trưởng Hội hữu nghị đồng bào Đài Loan, Trung Quốc cho rằng cuộc chiến đấu đối với "Đài Loan độc lập" cần kiên quyết và phải kiên trì phát triển hòa bình, phát triển hội nhập hai bờ, để người dân ở Đài Loan có thể chia sẻ thành quả phát triển của Trung Quốc. Tranh thủ lòng dân Đài Loan, để người dân Đài Loan biết được Trung Quốc "chỉ phản đối Đài Loan độc lập, không cưỡng ép người dân Đài Loan".
Khi tổng kết hội thảo, Lý Duy Nhất, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học Liên hợp Bắc Kinh cho rằng năm 2016 đã kết thúc, năm 2017 đã tới. Trung Quốc sẽ đối mặt với cục diện phức tạp mới, Trung Quốc cần cảnh giác với rủi ro "Đài Loan độc lập" tăng lên.
Ngoài ra, theo Lý Duy Nhất, bên cạnh việc "nếu cứng sẽ cứng, mềm sẽ mềm", kiên quyết "đấu tranh", Trung Quốc cũng cần tiếp tục tăng cường liên hệ với "đồng bào Đài Loan", thực hiện chính sách có lợi cho Đài Loan trên các lĩnh vực như kinh tế thương mại hai bờ, "cuối cùng hình thành cộng đồng vận mệnh hai bờ".