Hai nước tuyên bố tạm ngừng cuộc chiến mậu dịch. Mặc dù hai bên sau đó đều bắt tay nhau, cho rằng cuộc hội đàm “rất thành công”, nhưng giới phân tích quốc tế cho rằng, về thực chất, kết quả cuộc hội đàm chỉ gói gọn trong bốn chữ “duy trì nguyên trạng”. Tới đây Trung Quốc phải đương đầu với thách thức rất lớn, đó là làm thế nào thực hiện được cam kết về cải cách kết cấu chỉ trong vòng 90 ngày. Khoảng thời gian đó đối với Bắc Kinh là rất gấp, vì vậy khó có thể đoán được sắp tới cuộc chiến sẽ diễn biến ra sao.
Các giới ở Mỹ có phản ứng rất khác nhau về kết quả hội đàm. Kết quả này lập tức được các hội đoàn chủ trương phản đối thuế quan đánh giá cao, Hiệp hội kỹ thuật người tiêu dùng Consumer Technology Association tuyên bố: “Chúng tôi cảm thấy rất được cổ vũ khi thấy Tổng thống Donald Trump và ông Tập Cận Bình nỗ lực giảm thiểu những rào cản mậu dịch giữa hai nước”...
Hiệp nghị này lại khiến những người thuộc phái bảo thủ bất bình vì họ trông đợi ông Trump có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. The Wall Street Journal ngày 2.12 đưa tin, nhà kinh tế học Peter Morici của Đại học Mariland nói, trước đây các tổng thống G.Busch, Bill Clinton và B.Obama đều đã bị sa vào cái bẫy tương tự của Trung Quốc, tức là Trung Quốc chỉ biết hứa hẹn hươu vượn, nhưng thực tế thì không có kết quả gì. Ngay một thành viên tham gia cuộc hội đàm, ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ cũng có thái độ hoài nghi, không tin Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết.
Chuyên gia về Trung Quốc Derek Scissors của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ cho rằng, không thể nào trong 90 ngày tới Trung Quốc sẽ thay đổi mô thức phát triển của họ.
|
Quan điểm của các chuyên gia về Trung Quốc ở Mỹ về kết quả hội đàm cũng khác nhau. Một số người lạc quan thì cho rằng việc đối thoại sẽ tiếp tục tiến hành; nhưng một số khác lại bày tỏ lo ngại tái diễn việc Trung Quốc hứa hẹn thay đổi nhưng thực sự lại chẳng thay đổi gì. Họ chỉ ra rằng, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã phát biểu cho rằng, Trung Quốc không có bất cứ tiến triển nào trong việc giải quyết những vấn đề mà chính phủ Mỹ quan tâm.
Họ cho rằng điều này dự báo cuộc đàm phán tới đây sẽ rất gian nan. Chuyên gia về Trung Quốc Derek Scissors của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) nói: “Chúng ta tạm dừng tăng thuế 90 ngày để đổi lại thứ mà chúng ta nói với người Trung Quốc suốt 1 năm qua. Liệu 90 ngày đó có thể thay đổi được gì? Liệu trong 90 ngày tới Trung Quốc sẽ thay đổi mô thức phát triển của họ ư? Không thể nào!”.
Căn cứ khung thời gian 90 ngày mà phía Mỹ nêu lên, cuộc đàm phán Mỹ - Trung về các vấn đề giữa hai bên sẽ phải kết thúc vào ngày 1.3.2019, cũng tức là vào dịp trước khi Trung Quốc tiến hành hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp. The Wall Street Journal phân tích, vào thời điểm nhạy cảm đó, lãnh đạo Trung Quốc sẽ rất cảnh giác với việc nhượng bộ nước ngoài. Điều này càng làm tăng thêm cơ hội đàm phán không thành công.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia nổi tiếng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, hiệp nghị tạm thời đạt được giữa hai bên chỉ là một “placeholder” (kiểu giữ chỗ), nó đã có thể đạt được từ nhiều tháng trước. Bà cho rằng, trừ phi Trung Quốc thật sự tiến hành giải quyết vấn đề có tính kết cấu kinh tế, nếu không, hai bên sẽ quay trở lại cuộc chiến mậu dịch sau 90 ngày “hưu chiến”. Mà những vấn đề có tính kết cấu đó chính là nguyên nhân ban đầu khiến ông Trump tiến hành biện pháp thuế quan. Liệu Trung Quốc có những thay đổi có tính thực chất hay không thì còn phải đợi xem.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia nổi tiếng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, trừ phi Trung Quốc thật sự tiến hành giải quyết vấn đề có tính kết cấu kinh tế, nếu không, hai bên sẽ quay trở lại cuộc chiến mậu dịch sau 90 ngày “hưu chiến”.
|
Bà Wendy Cutler, Viện phó Viện nghiên cứu chính sách xã hội châu Á (Asia Society Policy Institute) cho rằng, thỏa thuận chung đạt được giữa hai ông Donald Trump - Tập Cận Bình là “một kết quả đáng hoan nghênh, nhưng còn rất xa mới đến điểm kết thúc (cuộc chiến mậu dịch)”. Bà nói với phóng viên Financial Times: “Hiện nay ánh mắt của mọi người đều chuyển từ bữa tối làm việc sang bàn đàm phán (sắp tới), để xem liệu Mỹ và Trung Quốc có đạt thực sự được một hiệp nghị có ý nghĩa không”.
Ông Myron Brilliant, người phụ trách vấn đề quốc tế của Hội Kinh doanh Mỹ (American Chamber of Commerce in China) - một tổ chức phi chính phủ tập hợp hơn 3.300 thương gia thuộc hơn 900 công ty hoạt động ở Trung Quốc, nói: "Hội này hoan nghênh cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo đã đạt được hiệp nghị đình chiến tạm thời, nhưng những công việc gian nan bây giờ mới bắt đầu”.
Ông William Zarit, Chủ tịch hội này khẳng định, trong cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp diễn ra, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là, làm thế nào thay đổi chính sách kinh tế mang tính kỳ thị lấy tôn chỉ là nhà nước ủng hộ và bảo hộ thị trường trong nước. Ông cho rằng: “Điều này cần phải giải quyết để xây dựng một môi trường cạnh tranh công bằng và xây dựng một mối quan hệ thương mại trên cơ sở công bằng và cùng có lợi".
Ông Nicholas Consonery, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Công ty nghiên cứu tư vấn Rhodium Group có trụ sở ở New York cho rằng, một điểm then chốt để quan sát theo dõi sau cuộc gặp gỡ cao cấp Mỹ - Trung là “Trung Quốc muốn đi xa tới đâu và chính phủ Donald Trump sẽ kiên trì lập trường đối với Trung Quốc đến mức độ nào”. Ông nói: “Hiện nay chúng ta cần quan sát chính phủ Trung Quốc liệu có tích cực xúc tiến cải cách tính kết cấu kinh tế hay không? Căn cứ vào lịch sử trước đây thì chúng ta sẽ không thể được dẫn tới kết cục quá lạc quan”.
Tờ The Washington Post viết, cuộc gặp gỡ này chẳng đem lại đột phá gì cho quan hệ kinh tế mậu dịch Mỹ - Trung. Vấn đề mậu dịch chỉ quay trở lại cuộc thảo luận mấy tuần trước đó, thời hạn 90 ngày cũng là một “kế hoạch đầy mưu mô”, Trung Quốc sẽ phải trả giá rất nhiều mới đạt được một hiệp nghị thực sự với Mỹ.
Ông Paul Haenle, Chủ nhiệm Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa: "Kết quả cuộc gặp gỡ không phải là tồi tệ nhất, nhưng những khó khăn lớn vẫn đang còn ở phía trước”. |
Stephen McDonell, phóng viên hãng BBC thường trú ở Trung Quốc phân tích, hiệp nghị đạt được không phải là “đình chiến”, mà chỉ là “ngăn chặn chiến tranh thương mại leo thang”. Trung Quốc thực ra cũng không phải từ bỏ gì mà lại được 90 ngày hòa hoãn, có thời gian để hai bên đàm phán.
Đáng chú ý là thông tin về cuộc hội đàm được các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc phát đi đầu tiên chỉ nói, hai nhà lãnh đạo “đạt được nhận thức chung quan trọng”, nhưng nội dung chỉ nhấn mạnh Mỹ không tăng thuế sau ngày 1.1.2019 mà không đả động gì đến “điều kiện tiền đề” mà Mỹ đề ra cho việc không tăng thuế, thậm chí còn không nhắc đến các chi tiết rất quan trọng, bao gồm thời gian 90 ngày tạm hoãn để đàm phán.
Ông Ngô Tân Ba, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Phục Đán dự đoán, phía Trung Quốc sẽ có biện pháp cụ thể cải cách kinh tế và mở cửa thị trường để phù hợp yêu cầu của Mỹ, nhưng muốn có được đột phá trong vòng 90 ngày thì “còn phải tùy thuộc vào quyết tâm của Bắc Kinh”. Ông cho rằng, đối với Bắc Kinh, việc đàm phán với Mỹ rất quan trọng vì không chỉ cần giải quyết vấn đề ngắn hạn, mà còn cần phải định ra cái khung để giải quyết vấn đề có tính kết cấu lâu dài.
Giáo sư Vương Dũng, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Chính trị kinh tế quốc tế Đại học Bắc Kinh cho rằng, Bắc Kinh vẫn cần chuẩn bị tốt việc đối phó với chính phủ Donald Trump ngày càng cứng rắn thêm. Ông cho rằng, Bắc Kinh tuy có khả năng điều chỉnh chính sách nghề nghiệp, bao gồm mở rộng thị trường và bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, nhưng e rằng sẽ rất khó thực hiện thay đổi về cơ bản tính kết cấu kinh tế.
Ông Paul Haenle, Chủ nhiệm Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa thận trọng: “Kết quả cuộc gặp gỡ không phải là sự đột phá, chi bằng nói đó là tránh được đàm phán tan vỡ. Kết quả đó không phải là tồi tệ nhất, nhưng những khó khăn lớn vẫn đang còn ở phía trước”.