|
Ảnh minh họa |
Hoạt hình “bom tấn” lên ngôi
Cùng với xu hướng chung của thế giới, “khẩu vị” của khán giả Việt Nam đối với phim hoạt hình cũng có sự thay đổi khá lớn trong 10 năm qua, khi phim hoạt hình chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong danh sách phim chiếu rạp tại Việt Nam.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, danh sách phim điện ảnh gây sốt tại Việt Nam có nhiều phim hoạt hình nước ngoài, chủ yếu là từ Hollywood như The Boss Baby (tên tiếng Việt là Nhóc Trùm); Smurfs: The Lost Village; Despicable Me 3….
Đánh giá về sự tăng trưởng doanh thu phòng vé của phim hoạt hình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam, cho biết, 10 năm trước, doanh thu phim hoạt hình chỉ chiếm từ 2% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Nhưng hiện nay, con số này đã tăng gấp 6 lần, lên tới 12% trong năm 2016. Thực tế, nếu nhìn vào doanh thu “khủng” không kém gì các bộ phim điện ảnh bom tấn thì sự tăng trưởng về con số tuyệt đối còn lớn hơn nhiều.
Lý do được các nhà chuyên môn chỉ ra là phim hoạt hình có lợi thế so với các thể loại khác khi có thể thu hút mọi đối tượng ra rạp, trong đó gia đình và trẻ em chiếm tỷ trọng tương đối. Ngoài ra, phim hoạt hình cũng ít gặp phải giới hạn kiểm duyệt khi các nội dung đều phù hợp với khán giả nhỏ tuổi.
Cơn sốt hoạt hình ở phòng vé Việt bắt đầu từ năm 2008 với bộ phim Kung Fu Panda. Đến năm 2011, cùng với sự phát triển của thị trường phim hoạt hình Việt Nam, các nhà phát hành Hollywood yêu cầu phải có phiên bản lồng tiếng Việt để các bộ phim đến được gần hơn với công chúng. Vị trí quan trọng của phim hoạt hình càng được khẳng định khi tính từ năm 2010, thể loại này chưa bao giờ vắng mặt trong Top 10 phim đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam hàng năm.
Hoạt hình Việt ‘cần một câu chuyện hay’
Đánh giá về xu hướng “phổ cập” phim hoạt hình tại các rạp chiếu hiện này, ông Hải cho biết, thị trường điện ảnh, trong đó có thị trường cho phim hoạt hình rất giàu tiềm năng. Thời gian gần đây, phim hoạt hình luôn nằm trong top phim có doanh thu cao tại Việt Nam. Khán giả mua vé vào rạp đa phần là trẻ hoặc là gia đình trẻ và thể loại phim hoạt hình luôn là lựa chọn số 1 cho cả gia đình trong ngày cuối tuần hoặc ngày lễ.
Cũng chính vì lý do này mà các nhà phát hành phim Hollywood cũng dành nhiều ưu ái cho thị trường Việt Nam, một trong những thị trường được đánh giá là hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Như trường hợp bộ phim Kung Fu Panda 3 được chiếu sớm 10 ngày trước thị trường Mỹ để đáp ứng mong mỏi của khán giả.
Tuy nhiên, hiện nay, phim hoạt hình Việt Nam vẫn vắng bóng ngoài hệ thống rạp chiếu. Năm 2016, người yêu điện ảnh Việt từng khấp khởi vui mừng khi dự án sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp tựa đề “Dưới bóng cây: Hành trình trở về” rục rịch khởi động. Dự kiến ra rạp vào năm 2016, nhưng đến tận thời điểm này, vẫn chưa có thông tin về việc sản xuất bộ phim. Hay như dự án phim hoạt hình chiếu rạp của hãng phim hoạt hình Việt Nam “Tôi là Bê tô” được “thai nghén” trong năm 2016 vẫn chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do.
Cho đến vừa qua, sự ra mắt của Hãng phim hoạt hình VinTaTa thuộc Tập đoàn Vingroup được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, góp phần khai phá tiềm năng của thị trường cũng như có thể xây dựng chú khỉ Monta, linh vật của hãng trở thành một linh vật hoạt hình biểu tượng của Việt Nam, sánh ngang với chuột Mickey, mèo Hello Kitty, Minions...
Thực tế, với sự vào cuộc của các tập đoàn lớn như Vingroup, hoạt hình Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh về mặt đầu tư khủng lẫn kỹ thuật 2D, 3D, kỹ xảo hiện đại nhưng điều thiếu là “một câu chuyện hay” có thể chinh phục được khán giả Việt cũng như tìm được “ngôn ngữ” bước ra thế giới.
Chính vì thế, nhằm “bắt trúng” gu thị trường, ngày 30/10 vừa qua, VinTaTa đã phát động cuộc thi “Tác giả lừng danh” tìm kiếm kịch bản với tổng giá trị giải thưởng “khủng” lên đến gần 2 tỷ đồng. Việc sẵn sàng trao giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam cho một cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản phim cho thấy nhà sản xuất thực sự tâm huyết và “cầu tài”.
NSND Nguyễn Hà Bắc - người đã có hàng chục năm lăn lộn với ngành hoạt hình Việt Nam với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cũng đánh giá: “Tôi rất ủng hộ người Việt Nam làm phim hoạt hình mang bản sắc Việt Nam và có chỗ đứng trên thị trường, mà để có chỗ đứng trên thị trường trong lĩnh vực này thì phải là doanh nghiệp làm vì họ có tiềm lực tài chính. Vingroup với cách làm quyết liệt từ trước đến nay, tôi tin họ sẽ làm nghiêm túc, bài bản, và như vậy mới có thể thành công”.
Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” chính thức nhận ý tưởng kịch bản đến hết 30/11/2017. Các tác giả sẽ trải qua 4 vòng thi bao gồm Vòng đầu vào, Vòng loại, Sản xuất phim nháp và Vòng show thực tế để chọn ra được những kịch bản suất sắc nhất.
Thông tin chi tiết về cuộc thi: http://tacgialungdanh.vintata.com