|
Nhà máy điện hạt nhân (ảnh minh họa). |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 13/9 dẫn báo Đất Việt của Việt Nam ngày 5/9 cho hay, vài nhà máy điện hạt nhân công suất từ 500 đến 1.000 megawatt của Trung Quốc đã đưa vào sử dụng ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó một số nhà máy cách các đô thị chủ yếu của miền bắc Việt Nam như Hà Nội chỉ 200 - 300 km, thậm chí nhà máy điện hạt nhân cảng Phòng Thành, Quảng Tây cách thành phố Móng Cái của Việt Nam chỉ có 60 km. Điều này gây nhiều lo ngại cho người dân ở miền bắc Việt Nam.
Bài báo dẫn lời phó giáo sư Lưu Đức Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là một khoảng cách nguy hiểm, một khi xảy ra sự cố thì Việt Nam sẽ bị ô nhiễm hạt nhân nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc xả nước thải và nước làm mát có chứa chất phóng xạ vào nước biển thì sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến môi trường sinh thái của vùng biển Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng Việt Nam cần trao đổi trực tiếp với phía Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin đến các nhà máy điện hạt nhân ở lân cận biên giới.
Còn ông Lưu Đức Hải cho rằng nếu Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở lân cận vịnh Bắc Bộ, Việt Nam cần phải xem xét đánh giá các tác hại của việc xây dựng những nhà máy đó đối với môi trường của Việt Nam, đồng thời có thể đề nghị sự giám sát quốc tế đối với toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành của các nhà máy lân cận Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, các nước xung quanh như Indonesia, Thái Lan, Campuchia đều có kế hoạch thi công nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam mặc dù không thể ngăn cản các nước láng giềng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ của họ, nhưng cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống cảnh báo sớm an toàn hạt nhân, đặc biệt là ở biên giới Việt-Trung.
Một nguồn tin nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc rằng căn cứ vào tiêu chuẩn mới nhất của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho dù xảy ra sự cố hạt nhân ở cấp độ cao, phạm vi khu vực ngoài 20 km của nhà máy điện hạt nhân cũng không nhất thiết áp dụng biện pháp đề phòng triệt để.
"Sự cố hạt nhân Fukushima đạt tới cấp 7 – mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế, khu vực ứng phó khẩn cấp cũng chỉ không đến 30 km".
Đối với việc Việt Nam muốn giám sát nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, những người "trong ngành" cho rằng ngành điện hạt nhân là một ngành có độ minh bạch cao, thông tin trong ngành được tiếp cận kịp thời trên phạm vi quốc tế.
Những thông tin công khai này bao gồm địa chỉ, dây chuyền công nghệ của nhà máy điện hạt nhân, trong đó điều quan trọng nhất là thông tin đánh giá ảnh hưởng đến môi trường. Những thông tin này người dân Việt Nam lên mạng là có thể tra cứu được.
"Hiện nay, dây chuyền công nghệ của dự án điện hạt nhân Trung Quốc ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây rất tiên tiến, đã có thể ngăn chặn xảy ra sự cố như Fukushima" - nguồn tin của bài báo cho hay.
Nguồn tin này còn cho biết, địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đơn thuần là xuất phát từ nguyên tắc và tiêu chuẩn khoa học. Với thực trạng phát triển công nghệ điện hạt nhân hiện nay, Việt Nam không phải lo ngại về vấn đề này.