Họa sĩ tố NXB Giáo dục vi phạm tác quyền tranh

VietTimes – Chỉ vừa cầm lên tay cuốn "Tập vẽ lớp 4", nhiều họa sĩ đã tá hỏa vì không hiểu tại sao thương hiệu lớn như NXB Giáo dục mà lại vi phạm tác quyền?
Tranh "Phong cảnh miền núi" của họa sĩ Đỗ Huy Thanh được tác giả cho biết là đã bị "phớt lờ" chuyện tác quyền?
Tranh "Phong cảnh miền núi" của họa sĩ Đỗ Huy Thanh được tác giả cho biết là đã bị "phớt lờ" chuyện tác quyền?

Trong cuốn "Tập vẽ lớp 4" đang phát hành rộng rãi vào toàn bộ các trường tiểu học trên toàn quốc, có in một bức tranh phố của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Liên lạc với họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai ông Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết gia đình không hề nhận được sự xin phép của NXB Giáo dục dưới bất cứ hình thức nào.

“Theo Luật Bản quyền, quyền tác giả là quyền vĩnh viễn, trong đó có quy định rõ quyền thừa kế tác quyền, nghĩa là gia đình vẫn thay mặt quản lý quyền tác giả cho đến 50 năm sau khi họa sĩ mất. Ông Phái đã mất 30 năm nay, gia đình chưa hề thu được đồng tiền nào từ xã hội, nhưng vẫn luôn ủng hộ các hoạt động văn hóa, giáo dục. Không xin phép gia đình, tức là NXB Giáo dục đã vi phạm tác quyền. Chưa kể, không biết họ in tranh từ nguồn nào? Đáng ngại nhất là NXB có thể in nhầm tranh giả nếu không hỏi ý kiến gia đình” – Họa sĩ Bùi Thanh Phương nói.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương cung cấp thêm chi tiết: “Bức tranh này đã thuộc về nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, được ông lưu giữ bảo quản tại tư gia”. 

Bức tranh phố cổ Hà Nội của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái được đem in "vô tư" trong SGK
Bức tranh phố cổ Hà Nội của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái được đem in "vô tư" trong SGK 

Họa sĩ Đỗ Huy Thanh bỗng nhiên một ngày tá hỏa phát hiện ra bức “Phong cảnh miền núi” của mình được in trong SGK “Tập vẽ lớp 4” nhưng NXB đã phớt lờ chuyện bản quyền.

Dù SGK là công cụ giảng dạy môn mỹ thuật trong nhà trường, nhưng điều mà ai cũng biết từ bao nhiêu năm nay, SGK vẫn là món hàng kinh doanh độc quyền của NXB Giáo dục, chứ không phải sản phẩm giáo dục miễn phí cho học sinh. 

Họa sĩ Đỗ Huy Thanh kể bức tranh gốc ông vẫn đang giữ tại nhà. Ông không hiểu NXB Giáo dục đã tiếp cận bức tranh, hoặc hình ảnh chụp bức tranh từ nguồn nào và mang in vào sách mà không hề liên lạc, hỏi ý kiến tác giả, trả tiền bản quyền tranh.

“Thực sự thì lúc họa sĩ Đỗ Huy Thanh triển lãm đã có người thích bức “Phong cảnh miền núi” quá đến xin mua, nhưng vì đúng thời điểm đó lại phát hiện ra bức tranh đã bị vi phạm bản quyền, được in trong SGK, sự việc còn chưa rõ ràng, nếu bán tranh đi, e rằng câu chuyện bản quyền còn khó khăn hơn nữa, nên chúng tôi khuyên họa sĩ đừng bán. Vì thế, anh Thanh đã từ chối vị khách nọ, gỡ tranh xuống mang về” – Họa sĩ Vân Hoa kể.

Bức tranh gốc của họa sĩ Đỗ Huy Thanh đang lưu giữ
Bức tranh gốc của họa sĩ Đỗ Huy Thanh đang lưu giữ

Còn rất nhiều họa sĩ khác có tranh in trong cuốn “Tập vẽ lớp 4”. Bức “Chợ quê” của họa sĩ Đỗ Phi Trường, “Làng Triều Khúc” của họa sĩ Triệu Khắc Lễ, “Phong cảnh miền núi” của họa sĩ Lê Huy Hòa, “Sân nhà” của họa sĩ Nguyễn Đức Việt.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng: “NXB Giáo dục in tranh ông Phái, chắc là do yêu mến họa sĩ thôi. Cảnh báo nhẹ nhàng cũng được, nhưng vẫn phải gióng lên tiếng chuông, vì tranh Phái thuộc top đầu bị vi phạm triền miên bao nhiêu năm nay rồi”.

Ngược lại, họa sĩ Đỗ Huy Thanh buồn bã bảo: “Tôi không nghĩ NXB Giáo dục là một thương hiệu lớn như vậy, mà lại “sơ suất”, "quên" không liên lạc với các tác giả? Tôi được biết, tất cả cũng như tôi thôi, chả ai được đoái hoài gì đâu”.

Bên cạnh tranh của họa sĩ Đỗ Huy Thanh là tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Việt
Bên cạnh tranh của họa sĩ Đỗ Huy Thanh là tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Việt 
Bên cạnh tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là tranh của họa sĩ Lê Huy Hòa, Phi Trường và Triệu Khắc Lễ
Bên cạnh tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là tranh của họa sĩ Lê Huy Hòa, Phi Trường và Triệu Khắc Lễ