Hồ sơ khác thường của kẻ khủng bố sát hại hàng chục người bằng xe tải ở New Orleans

Các chuyên gia an ninh cho biết trường hợp của nghi phạm Shamsud-Din Jabbar không giống như hồ sơ điển hình của những người bị ISIS tẩy não, cực đoan hóa.
Shamsud-Din Jabbar trong bức ảnh ngày 11/7/2020, cùng với video giám sát tĩnh cho thấy nghi phạm đi dọc Phố Dauphine trước khi lái một chiếc xe tải lao vào đám đông ở New Orleans, Louisiana, Mỹ vào ngày 1/1. Ảnh: Reuters.

Khi các nhà điều tra tìm hiểu về nghi phạm thề trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng và giết chết 14 người bằng xe tải vào ngày đầu năm mới ở New Orleans, một câu hỏi quan trọng được nêu ra: Làm thế nào một cựu chiến binh và từng là nhân viên của một tập đoàn lớn lại biến thành một kẻ cực đoan?

Phó Trợ lý Giám đốc FBI Christopher Raia hôm 2/1 cho biết các video do nghi phạm Shamsud-Din Jabbar thực hiện ngay trước vụ tấn công cho thấy người đàn ông 42 tuổi đến từ bang Texas ủng hộ ISIS, tuyên bố đã gia nhập nhóm chiến binh này trước mùa Hè năm ngoái và tin rằng hắn đang ở trong một “cuộc chiến giữa những người có đức tin và những người không có đức tin”.

Ông Raia cho biết, trong khi FBI đang điều tra “con đường dẫn đến cực đoan hóa” của nghi phạm, bằng chứng thu thập được kể từ sau vụ tấn công cho thấy Jabbar “100% được truyền cảm hứng từ ISIS”.

Jabbar, người mà chính quyền kết luận đã hành động một mình, bị giết trong cuộc đấu súng với cảnh sát.

Anh trai cùng cha khác mẹ của nghi phạm, Abdur Jabbar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Jabbar, người từng làm việc cho công ty kiểm toán Deloitte, đã từ bỏ đạo Hồi ở độ tuổi 20 hoặc 30, nhưng gần đây đã lấy lại đức tin của mình.

Abdur Jabbar nói với Reuters ở Beaumont, Texas, nơi Jabbar sinh ra và lớn lên, rằng ông không biết người anh em cùng cha khác mẹ của mình trở nên cực đoan từ khi nào.

Ali Soufan, cựu đặc vụ FBI từng điều tra các vụ khủng bố và là thành viên hội đồng cố vấn cho Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, cho biết trường hợp của Jabbar không giống như hồ sơ điển hình của những người bị ISIS tẩy não, cực đoan hóa.

Jabbar đã phục vụ 10 năm trong Quân đội Mỹ và ở độ tuổi 40, ông Soufan lưu ý, đồng thời giải thích rằng những người trở thành nạn nhân của chiến dịch tuyển mộ của ISIS thường trẻ hơn nhiều.

“Đây là một kẻ…từ một người yêu nước trở thành một kẻ khủng bố ISIS”, ông Soufan nói.

Những kẻ từng thực hiện một loạt vụ tấn công chết người trên thế giới thường tuyên bố có mối liên hệ với ISIS và các nhóm thánh chiến khác.

Những kẻ này bao gồm kẻ sống sót duy nhất trong nhóm khủng bố đã giết chết 130 ở Paris, Pháp vào năm 2015, kẻ đã giết chết 49 người tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Florida, Mỹ vào năm 2016 và người đàn ông lái xe tải lao vào làn đường dành cho xe đạp đông đúc vào năm 2017 ở New York, giết chết 8 người.

Một số vụ tấn công, như vụ tấn công năm 2015 ở Paris, được thực hiện bởi các thành viên ISIS đã qua đào tạo. Nhưng các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào về vai trò trực tiếp của nhóm khủng bố này trong các vụ tấn công khác.

Nhân viên An ninh Nội địa tuần tra trên Phố Bourbon sau khi vụ khủng bố xảy ra trong lễ đón năm mới ở New Orleans. Ảnh: Reuters.

Tuyển mộ trên mạng

Hiện vẫn chưa rõ Jabbar có mối liên hệ nào với các nhóm cực đoan ở nước ngoài hay không.

Các quan chức Mỹ và các chuyên gia khác cho biết ISIS chủ yếu tiến hành tuyển dụng bên trong các phòng trò chuyện trực tuyến và qua các ứng dụng liên lạc được mã hóa kể từ khi để mất “vương quốc” mà chúng chiếm giữ vào năm 2014 ở Iraq và Syria vào tay liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Ngay cả khi liên minh tiếp tục tấn công các vị trí còn sót lại của tổ chức, ISIS vẫn tăng cường hoạt động ở Syria trong khi các chi nhánh của chúng ở Afghanistan và châu Phi vẫn tiếp tục tuyển mộ, mở rộng mạng lưới và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công.

Các quan chức Mỹ cho biết ISIS đã lợi dụng cái chết của hàng chục nghìn người Palestine trong cuộc chiến của Israel ở Gaza để tăng cường tuyển quân.

Nate Snyder, cựu quan chức chống khủng bố của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), cho biết cả các nhóm cực đoan quốc tế và có trụ sở tại Mỹ đều áp dụng một chiến lược tương tự để thu hút tân binh.

Ông Snyder cho biết các nhóm khủng bố sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của chúng và sau đó chuyển các cuộc thảo luận sang ứng dụng được mã hóa như Telegram, ứng dụng này có thể phát triển thành các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa hai người.

Ông Snyder, người đã rời DHS vào tháng 12 và tham gia cuộc đua giành chức chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cho biết: “Khi đó mọi người cảm thấy như họ là một phần của cộng đồng”.

Ông cho biết những người được tuyển dụng có thể nhận lệnh trực tiếp hoặc tự cực đoan hóa để hành động.

Edmund Fitton-Brown, cựu nhà ngoại giao người Anh, người đứng đầu một nhóm chuyên theo dõi ISIS và al-Qaeda của Liên hợp quốc, cho biết những cá nhân dễ bị tuyển dụng “có thể là những người bị mất việc, gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, có thể kết luận rằng dù có cố gắng đến mấy thì cũng không bao giờ thuộc về” cộng đồng.

Lời kêu gọi chính của ISIS là quyết tâm thành lập một “vương quốc” Hồi giáo dòng Sunni được cai trị bởi luật Hồi giáo, không giống như Taliban, vốn “đã bán đứng chủ nghĩa dân tộc Afghanistan”, hay al-Qaeda với thành viên đã hợp tác với người Hồi giáo dòng Shiite của Iran, vị chuyên gia cho hay.

Fitton-Brown, cố vấn cấp cao của Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan, một tổ chức nghiên cứu và chính sách, cho biết: “Những người thực hiện các cuộc tấn công đó có thể chưa bao giờ thực sự gặp ai đó là thành viên của ISIS trong cuộc đời họ”.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể thực hiện một cuộc tấn công lấy cảm hứng từ ISIS”, ông nói thêm.

Fitton-Brown cho hay, đâm ô tô vào đám đông hoặc dàn dựng các vụ đâm chém điên cuồng “là những cuộc tấn công không phức tạp, kinh phí rất thấp và gần như không thể chống lại được”.