Thu về hàng nghìn tỷ đồng từ các phiên bán đấu giá thoái vốn Nhà nước
Cơ cấu tỷ trọng của các hoạt động đấu giá cổ phần đã có sự thay đổi rõ nét qua các năm. Cụ thể, năm 2015 và 2016 hoạt động cổ phần hóa (IPO) chiếm tỷ trọng lớn, thì trong năm 2017 các hoạt động đấu giá thoái vốn Nhà nước diễn ra tích cực. Năm 2017, có 48 doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động đấu giá cổ phần, bao gồm: 10 phiên IPO, 34 phiên bán đấu giá thoái vốn (chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước), 4 phiên đấu giá ra công chúng.
Năm 2017, các phiên đấu giá qua Sở GDCK Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tổng khối lượng đặt mua của nhà đầu tư cao hơn 9% so với tổng khối lượng chào bán. Tổng số cổ phần trúng giá đạt hơn 321 triệu cổ phần, đạt tỷ trọng 49% so với tổng số cổ phần chào bán, tương ứng với giá trị cổ phần bán được đạt hơn 5.045 tỷ đồng. Bình quân 1 phiên có 49 nhà đầu tư tham dự và giá trị cổ phần trúng giá đạt hơn 105 tỷ đồng.
Trong số các phiên đấu giá thoái vốn Nhà nước, đã có tới 28 phiên (chiếm tỷ lệ 82,3%) bán được 100% số cổ phần chào bán. Giá trúng giá trong các phiên thoái vốn ghi nhận nhiều phiên có giá trúng gấp từ 2 đến 4 lần so với mệnh giá, và cao hơn nhiều so với giá trúng giá khi thực hiện IPO.
Thống kê của HNX cũng cho thấy, số phiên thoái vốn có giá trúng giá bình quân từ 1,5 đến 2,5 lần so với giá khởi điểm chiếm hơn 30%.
Với số lượng cổ phần trúng giá đạt 169 triệu cổ phần, số vốn thu về cho Nhà nước đạt trên 2.630 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần thu về đạt hơn 933 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 934 tỷ đồng.
Có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn được Nhà nước thực hiện thoái vốn có giá trị vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, TCT Hàng hải Việt Nam, TCT Sông Đà…có tỷ lệ thoái vốn trung bình đạt khoảng từ 30-50% vốn điều lệ của công ty đưa ra đấu giá.
Các doanh nghiệp thoái vốn qua HNX có ngành nghề kinh doanh đa dạng như: nhiệt điện, thủy điện, dầu khí, nông lâm nghiệp đến du lịch, gạch men, giao thông, thương mại, dịch vụ…
Hoạt động đấu giá IPO tại HNX ghi nhận 3/10 phiên bán được 100% số cổ phần chào bán. Tổng số cổ phần bán được trong 10 phiên này đạt hơn 13 triệu cổ phần, đạt tỷ trọng 5% so với tổng số cổ phần chào bán và thu về cho Nhà nước hơn 133 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HNX còn tổ chức 4 phiên đấu giá cổ phần ra công chúng của các công ty có tên tuổi gồm TCT Viglacera – CTCP, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh, CTCP Đầu tư Apax Holdings.
Tổng số cổ phần bán được của 3 công ty này đạt hơn 138 triệu cổ phần, tương đương 100% tổng số cổ phần chào bán, thu về cho doanh nghiệp hơn 2.281 tỷ đồng. Trong đó, phiên đấu giá ra công chúng của TCT Viglacera – CTCP đã bán hết 100% số lượng cổ phần chào bán, thu hút sự chú ý của hơn 1.000 nhà đầu tư, cao nhất kể từ năm 2015, với 92% lượng cổ phần trúng giá được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Để có được kết quả trên, nguyên nhân một phần xuất phát từ việc Chính phủ cũng đã ban hành thêm nhiều quy định mới, giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Cuối năm 2016, Thông tư 115/2016/TT-BTC được ban hành đã gắn kết hoạt động đấu giá với đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thực hiện hóa tinh thần của Thông tư 115, trong năm 2017, đã có 3 công ty là Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã SKH), Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) và Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDC) tiến hành đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM ngay sau khi hoàn thành việc cổ phần hóa.
Tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP cho phép áp dụng cơ chế dựng sổ (Book building) trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Cơ chế này được thế giới áp dụng phổ biến trong lĩnh vực chứng khoán và là cơ chế mà kỳ vọng sẽ áp dụng tại thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai. Để chuẩn bị đưa cơ chế vào áp dụng, Sở GDCK Hà Nội đã tiến hành nâng cấp hệ thống đấu giá, trong đó bổ sung chức năng dựng sổ để sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm 2018.