Thăm dò giờ chót của Reuters/Ipsos cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 45/42% phiếu phổ thông và có thể đạt 303 phiếu đại cử tri, trong khi đối thủ Trump chỉ đạt 235 phiếu đại cử tri (cần đạt 270 để đắc cử).
Cuộc điều tra đã hỏi ý kiến của 15.000 cử tri trên 50 bang của nước Mỹ. Theo Busines Insider đã có khoảng 42 triệu cử tri Mỹ đi bầu cử sớm, bao gồm 6,4 triệu cử tri ở bang then chốt Florida, nơi số lượng cử tri gốc Latinh đi bầu cao kỷ lục. Khảo sát nhanh ở một số bang cho thấy, lợi thế đang nghiêng về ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong số phiếu bầu sớm.
Ứng viên Cộng hòa Donald Trump hy vọng thắng đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm nay. Nhưng để rút khoảng cách với đối thủ Hillary Clinton, ông Donald Trump sẽ phải thắng tại các bang có vai trò chủ chốt hoặc những bang còn nhiều cử tri đang do dự như Florida, Ohio, Nevada hoặc Pensylvania.
Tổng thống Obama, người đã tạo ra 11 triệu công ăn việc làm trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, đang ra sức hỗ trợ bà Clinton bằng cách kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho bà. Còn thị trường Mỹ cũng đang lên cơn sốt trong những ngày trước bầu cử tổng thống.
Cứ 8/10 người Mỹ đều mong ngóng kỳ bầu cử sớm kết thúc, nhưng dự báo nhiều yếu tố khó lường như bạo động, khủng bố có thể xảy ra và ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu. Báo Pháp Le Figaro gọi cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 là “cuộc bỏ phiếu của mọi mối nguy hiểm”.
Nguy cơ khủng bố khiến nhà chức trách lo ngại. Cho dù nguy cơ khủng bố thực sự rất mơ hồ, nhưng cũng đã đủ để các bang New York, Texas và Virginia được đặt vào tình trạng báo động. Tại bang North Carolina, một tòa án liên bang đã ngăn cản chính quyền phe Cộng hòa gạch tên 4.000 cử tri đã đăng ký bầu cử. Tại bang Ohio, một thẩm phán đã ra lệnh cấm hai phe Cộng hòa và Dân chủ có các hành động hăm dọa gần các khu vực đặt hòm phiếu.
Cơ quan an ninh không lo ngại về nguy cơ tin tặc tấn công các máy kiểm phiếu, vì để làm được điều đó, cần hàng ngàn hacker và các máy này lại không kết nối với nhau. Tuy nhiên, chính quyền liên bang đã cảnh báo về nguy cơ trục trặc trong quá trình truyền kết quả kiểm phiếu trên mạng và công bố các kết quả này trên các trang mạng xã hội.
Kết quả kiểm phiếu càng sít sao thì nguy cơ tranh chấp sẽ càng lớn, có nghĩa là “cuộc đấu” giữa Hillary Clinton và Donald Trump sẽ còn kéo dài.
So với các ứng viên tổng thống ở các kỳ bầu cử trước, cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều chi ít tiền hơn cho quảng cáo trên truyền hình. Tính tới cuối tháng 9, các ứng viên, các đảng và các quỹ ủng hộ bầu cử đã tiêu tổng cộng 3,2 tỷ USD, ít hơn 210 triệu USD so với dịch bầu cử tổng thống năm 2012.
Bên phe Cộng hòa, ông Donald Trump tiêu tốn ít hơn 35% so với ứng viên Mitt Romney trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2012. Khác với ông Mitt Romney, ứng viên Donald Trump không chú trọng quảng cáo trên đài truyền hình và phát thanh. Thay vào đó, nhà tài phiệt Donald Trump tập trung nhắm vào các trang mạng xã hội. Điều này đã giúp ông tiết kiệm được gấp 5 lần chi phí quảng bá so với ông Mitt Romney năm 2012. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình mới đây nhất, ông Donald Trump tự hào cho biết mình đã tiếp xúc được với 25 triệu cử tri thông qua mạng Internet.
Ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton cũng tiêu tốn ít hơn 26% so với ứng viên Obama trong kỳ bầu cử trước. Bà đã giảm được chi phí quảng cáo khi sử dụng cơ sở dữ liệu một cách khôn khéo. Trong khi đó bà lại quyên được nhiều tiền cho quỹ tranh cử hơn so với ông Obama năm 2012.
Thắng ăn cả, ngã về không
Bầu cử tổng thống Mỹ theo nguyên tắc The Winner Takes All "Được ăn cả", nghĩa là ứng viên nào chiến thắng ở một bang sẽ nhận được toàn bộ số đại cử tri của bang đó được phân bổ theo tỷ lệ phiếu bầu.
Trên toàn nước Mỹ tổng cộng có 538 đại cử tri, con số tương đương với 435 hạ nghị sĩ ở Hạ viện và 100 thượng nghị sĩ, cộng thêm 3 đại cử tri cho riêng thủ đô Washington, không thuộc về bất kỳ bang nào.
Chính các đại cử tri này chứ không phải các cử tri, trên bình diện thuần kỹ thuật và thủ tục sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống vào ngày 19/12. Để chiến thắng một ứng viên tổng thống phải giành được đa số đại cử tri tức là 270. Theo hãng tin Pháp AFP, nếu căn cứ kết quả trong quá khứ thì công việc có vẻ dễ dàng hơn đối với Hillary Clinton.
Từ năm 1992, 18 bang luôn bầu cho đảng Dân chủ, với tổng số 242 đại cử tri. Trong cùng thời kỳ, 13 tiểu bang khác luôn bầu cho phía Cộng hòa, nhưng chỉ tập trung 102 đại cử tri. Hiện nay, còn lại khoảng 10 bang gọi là "chưa ngã ngũ" (swing states) kết quả vẫn khó lường. Đây chính là những nơi mà hai ứng viên Trump và Hillary đều tập trung sức lực vận động cử tri bầu cho mình. Số đại cử tri càng lớn thì các bang này càng có tính quyết định, như Florida với 29 đại cử tri, Ohio (18), hay North Carolina với 15 đại cử tri.
Tuy nhiên việc giành được số 270 đại cử tri đôi khi lại phụ thuộc vào những bang nhỏ như Nevada, Iowa, hay New Hampshire, nên có khả năng là một bang trong quá khứ trung thành với một đảng, năm nay lại có thể đổi hướng, cho nên không ứng viên nào dám coi thường.
Theo giới quan sát, tâm điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 dường như là Florida, một bang mà tổng thống Obama đã tuyên bố: Chỉ cần thắng ở Florida, bà Clinton nắm chắc vé vào Nhà Trắng. Trong khi người cầm chịch chiến dịch vận động của Donald Trump, Kellyanne Kelly đã thừa nhận nếu bại trận tại Florrida, Donald Trump không thể đắc cử chung cuộc.