Hiệp hội Luật sư Trung Quốc bắt đầu tức tối tuyên bố xuyên tạc về vụ kiện Biển Đông

VietTimes -- Trong thời điểm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, Hiệp hội luật sư Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố xuyên tạc, biện hộ cho Bắc Kinh liên quan đến vụ kiện này. 
Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Nguồn ảnh: Internet.

VietTimes xin trích dẫn cho bạn đọc toàn văn bản tuyên bố này để dư luận có thêm căn cứ, nhìn nhận đầy đủ và chân thực hơn về bản chất “xuyên tạc có nghề” của những tổ chức thuộc sự chi phối của Bắc Kinh khi đối mặt với sức ép to lớn từ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) có uy tín tại The Hague, Hà Lan. Tuyên bố cho hay:

"1. Kiên trì ủng hộ lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Kiên định ủng hộ chủ trương của 'Văn kiện lập trường của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề quyền thụ lý vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines'. Bất cứ quốc gia, tổ chức và cá nhân nào đều không có quyền phủ định cái gọi là chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

2. Philippines coi thường thực chất của tranh chấp Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ và cấu thành bộ phận không thể tách rời của phân chia ranh giới biển, phủ định đồng thuận giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines, phủ định tuyên bố mang tính loại trừ của Trung Quốc dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), 

đã vi phạm quy định của Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), lạm dụng trình tự trọng tài của UNCLOS, đã xâm phạm quyền tự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của Trung Quốc, đơn phương đâm đơn kiện trọng tài Biển Đông là phi pháp.
 
3. Tòa trọng tài được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Philippines, trong tình hình không có quyền thụ lý, Tòa tùy ý mở rộng quyền, vượt quyền, tồn tại vấn đề nghiêm trọng về các phương diện như nhận định sự thực, áp dụng pháp luật. 

Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan.

Hành vi của Tòa trọng tài đã hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc và tôn chỉ của UNCLOS, đã gây thiệt hại cho tính hoàn chỉnh và uy tín của UNCLOS, đã đi ngược lại công lý quốc tế, vi phạm mục tiêu và tinh thần pháp trị quốc tế - giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không có bất cứ tính công bằng nào.

4. Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận vụ kiện trọng tài do Philippines đơn phương khởi kiện là hành động chính đáng bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển quốc gia, bảo vệ pháp trị quốc tế, bảo vệ tính quyền uy và tính hoàn chỉnh của UNCLOS".

Như vậy, Hiệp hội Luật sư Trung Quốc mang tiếng là tổ chức nắm được luật pháp, nhưng lại không coi luật pháp quốc tế ra gì, đã đưa ra tuyên bố ủng hộ lập trường sai trái của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Cho dù các cơ quan chịu sự chi phối của chính quyền Bắc Kinh có nhào nặn lịch sử, nhào nặn luật pháp quốc tế đến cỡ nào, cũng không làm thay đổi một sự thực là cực nam Trung Quốc kết thúc đảo Hải Nam; Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông và vùng biển phụ cận, nhưng là tham lam, đưa ra yêu sách vô lý, phi pháp - đây chính là căn nguyên gây ra tranh chấp Biển Đông hiện nay.

Bất chấp sự thực lịch sử và những hành động liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh, tuyên bố của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc đã lặp lại truyền thống gắp lửa bỏ tay người của Bắc Kinh, đã ra sức đổ tội lên đầu chính quyền Philippines, đồng thời đánh tráo khái niệm, khăng khăng cho rằng vụ kiện của Philippines liên quan đến “tranh chấp lãnh thổ” và “phân chia ranh giới biển”, từ đó tìm cách bác bỏ quyền thụ lý của Tòa trọng tài. 

Nhưng, sự thực vẫn là sự thực, cho dù Trung Quốc có đưa ra "tuyên bố mang tính loại trừ", nhưng việc Philippines kiện Trung Quốc rõ ràng nằm trong quyền thụ lý của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc và rõ ràng là một con đường hòa bình, một quyền lợi của Philippines. 

Trung Quốc phê phán Philippines vi phạm DOC, nhưng thực tế chứng minh rằng, các hành động bồi lấp, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá tơi bời DOC. 

Con đường giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông có nhiều, chứ không chỉ có đàm phán song phương theo chủ trương của Bắc Kinh. Philippines đã nhiều năm đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng không đạt kết quả gì.Do đó, Manila mới kiện Trung Quốc ra tòa. 

Giải quyết bằng con đường tư pháp quốc tế rõ ràng cũng là một con đường hòa bình, công khai, minh bạch và cũng rất có hiệu quả trong thời đại văn minh hiện nay; cũng được cả cộng đồng quốc tế ủng hộ, chứ không như Trung Quốc đang tự tạo ra một bức "Trường Thành tự cô lập" mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã đề cập tại Đối thoại Shangri-La vừa qua. 

Philippines thực hiện đúng quyền lợi của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc có quyền tự lựa chọn phương thức giải quyết của mình, nhưng cũng không thể phản đối quyền lợi của nước khác.

Cộng đồng quốc tế trông đợi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sẽ bác bỏ hoàn toàn yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Btime.com.

Hiệp hội luật sư Trung Quốc chỉ là hiệp hội của một nước thành viên UNCLOS, trong khi UNCLOS là sản phẩm của cả cộng đồng quốc tế, Tòa trọng tài lại được thành lập theo các quy định của UNCLOS. Vì vậy, liệu Hiệp hội Luật sư Trung Quốc hiểu luật pháp quốc tế hơn hay Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc hiểu luật pháp quốc tế hơn?

Hiệp hội Luật sư Trung Quốc phê phán Tòa trọng tài Liên hợp quốc không có tính công bằng. Lẽ nào, chỉ có con đường đàm phán song phương do Trung Quốc chủ trương sẽ mang tính công bằng, hợp pháp, văn minh, không có tình trạng nước lớn bắt nạt nước nhỏ, không có chuyện đi đêm với nhau, không có chuyện dùng mọi thủ đoạn lôi kéo, chia rẽ quan hệ giữa các nước để có lợi nhất cho mình?

Trung Quốc bất chấp phán quyết của một tòa trọng tài của Liên hợp quốc thì liệu Trung Quốc còn xứng đáng là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nữa hay không? Nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế cần xem xét lại tư cách này của Trung Quốc.