Sau khi hệ thống của CTCP Chứng khoán VNDirect không thể kết nối với các sàn chứng khoán vì bị hacker tấn công, giá cổ phiếu của VNDirect đã rớt 6 phiên liên tiếp, tổng cộng 1.450 đồng. Về vốn hóa, với hơn 1,2 tỉ cổ phiếu đang giao dịch, VNDirect đã mất gần 1.800 tỉ đồng.
Nhưng xét một cách tổng quan, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nói rằng thiệt hại là "quá lớn” VNDirect không chỉ thiệt hại về tiền bạc mà ảnh hưởng cả về lòng tin của thị trường và uy tín đối với khách hàng.
Theo phân tích của chuyên gia này, ngoài việc thất thu trong hoạt động thường nhật, VNDirect còn phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn để khắc phục hệ thống. Cả tuần vừa qua, các chuyên gia an ninh mạng vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm và vá lỗ hổng. Việc khắc phục hệ thống cơ bản sẽ còn lâu dài, không phải chỉ trong một sớm một chiều.
“Chi phí ấy rất lớn. Nếu bình thường, VNDirect chi 1 đồng để vận hành hệ thống thì nay thì họ phải bỏ ra 3-4 lần số tiền đó chỉ để xử lý sự cố”, TS. Thịnh nêu quan điểm về sự việc xảy ra tại VNDirect - một trong những việc vụ việc lớn nhất của hệ thống chứng khoán Việt Nam trong 24 năm hoạt động.
Nhìn bao quát thị trường chứng khoán, việc hệ sinh thái VNDirect bị tấn công sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều khách hàng sẽ cân nhắc về việc các công ty chứng khoán họ đang giao dịch có ổn không. Với những nhà đầu tư không không chuyên nghiệp, tâm lý sợ rủi ro sẽ luôn thường trực.
“Tôi mong rằng, sự cố của VNDirect gây chỉ thiệt hại mang tính thời điểm cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư và cho thị trường chứng khoán nói chung. Nhìn về lâu dài, vụ tai nạn lần này có thể là cảnh báo giúp năng lực bảo đảm an toàn thông tin của VNDirect nói riêng, các tổ chức, định chế tài chính ở Việt Nam sẽ được cải thiện. Từ đó, doanh nghiệp chứng khoán mới có thể phát triển ổn định, bền vững”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Nhà đầu tư rời sàn VNDirect, nên hay không?
Cùng suy nghĩ với TS. Đinh Trọng Thịnh, anh Nguyễn Hải Nam - một trong những nhà đầu tư chứng khoán tại sàn VNDirect - cho biết trong thời gian hệ thống VNDirect tê liệt, các nhà đầu tư giao dịch trên sàn này ngồi trên đống lửa.
Các nhà đầu tư cho rằng bị tấn công mạng là chuyện không ai muốn nhưng thiệt hại vật chất vẫn là thật, chưa kể là cơ hội... Trên thị trường thay đổi từng giây này mà tài sản của hàng loạt nhà đầu tư bị đóng băng cả tuần thì rõ ràng là trách nhiệm của công ty.
“VNDirect nắm giữ tài sản của nhà đầu tư thì phải có đủ năng lực và phải có trách nhiệm với nó. Tôi sử dụng VND đã hơn 4 năm, rất ưng giao diện VND mà mình đang chờ xem sau khi khắc phục được toàn hệ thống thì VND sẽ ứng xử như thế nào. Chứ hiện nay thì chúng tôi quá thất vọng khi nhìn tài sản vơi đi mà không làm được gì”, nhà đầu tư Nguyễn Hải Nam nói.
Các nhà đầu tư nhắc đến từ “thất vọng” là bởi VNDirect vốn là doanh nghiệp uy tín, với vốn điều lệ lớn thứ ba trong ngành chứng khoán với vốn điều lệ (hơn 12.000 tỉ đồng) và có thị phần môi giới cổ phiếu đứng thứ ba trên sàn HoSE năm 2023 và đứng thứ 2 trên sàn HNX. Vì thế, VNDirect thu hút được số lượng nhà đầu tư sử dụng tài khoản VNDirect để giao dịch không hề nhỏ.
Trên các diễn đàn, nhóm đầu tư trực tuyến, một số khách hàng của VNDirect tỏ ra mất bình tĩnh, và tuyên bố sẽ chuyển tài khoản sang công ty khác sau sự cố này và đặc biệt là sau khi VNDirect công bố chính sách tri ân khách hàng và khắc phục phần nào tổn thất sau sự cố “sập” hệ thống.
Bình luận về luồng ý kiến của các nhà đầu tư về chính sách đền bù không thoả đáng, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mức bồi thường, mức độ thiệt hại để yêu cầu VNDirect bồi thường tương đối khó xác định. “Việc giao dịch trên thị trường chứng khoán có điểm rất đặc thù so với giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ thông thường. Chúng ta rất khó chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra”, ông Thịnh nói.
“VNDirect như một định chế tài chính ở Việt Nam. Họ đã phát triển nhiều năm, có uy tín trên thị trường và cũng đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ. Vì thế, các nhà đầu tư nên cân nhắc về năng lực, mức độ ổn định, an toàn của công ty chứng khoán trước khi quyết định rời sàn”, ông Thịnh nói thêm.
Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, các nhà đầu tư hoặc các doanh nghiệp phát hành chứng khoán hoàn toàn có quyền thu thập tài liệu và các chứng cứ để khởi kiện VNDirect.
Ông dẫn ví dụ một công ty phát hành chứng khoán dự kiến phát hành số cổ phiếu nhất định tại phiên giao dịch nhưng do lỗi hệ thống nên không thể phát hành được. Khi đó, họ có thể tính toán được thiệt hại và làm việc với công ty chứng khoán để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp mà 2 bên mà không giải quyết được thì có thể xử lý bằng con đường tư pháp.
Trao đổi với VietTimes, đại diện của VNDirect cho biết hiện doanh nghiệp này vẫn đang dồn hết sức cho việc xử lý sự cố; các công đoạn rà soát an ninh thông tin để đảm bảo điều kiện kết nối an toàn mất thêm khá nhiều sức lực và thời gian.
“Hiện chúng tôi chưa thể tính toán được thiệt hại, nhưng chắc chắn con số này là rất lớn”, vị này nói.
Phía VNDirect cũng cho biết mặc dù đã tập trung lực lượng, cố gắng chạy đua với thời gian nhưng nền tảng giao dịch của công ty vẫn gặp một số vấn đề về đồng bộ dữ liệu, tắc nghẽn hệ thống do lượng truy cập tăng đột biến trong phiên giao dịch đầu tiên (ngày 1/4) sau 1 tuần hệ thống tê liệt. Tính đến cuối ngày 1/4, sau một ngày mở lại giao dịch, hệ thống VNDirect đã thực hiện thành công hơn 65.000 lệnh giao dịch.