Nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tổng thống Mỹ được giao cho Cục Mật vụ (U.S. Secret Service) trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ và hiện nay trực thuộc Bộ An ninh nội địa đảm nhiệm.
Tuy nhiên, phải đến tận năm 1906 lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống mới được thành lập còn các tổng thống Mỹ trước đó không hề có lực lượng chuyên trách này...
Theo nguyệt san Tuyệt mật của Nga thì những người dân của nước Mỹ non trẻ khi đó cho rằng lực lượng bảo vệ riêng là công cụ của chế độ quân chủ và những nhà lãnh đạo được bầu lên qua bầu cử dân chủ thì không cần đến đội bảo vệ riêng. Vì vậy, lực lượng đặc vụ Mỹ đến tận năm 1906 mới bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Nhà Trắng.
Trong thời gian cầm quyền của vị Tổng thống đầu tiên George Washington từ năm 1789-1797, nước Mỹ thường xuyên ở trong tình trạng mất ổn định: những phần tử chống đối công khai tạo phản, gián điệp Anh hoạt động mạnh.
Tháng 6/1776, khi G. Washington đang còn là Tổng tư lệnh của lực lượng khởi nghĩa, vị Thống đốc New York là William Tryon đã vạch kế hoạch bắt giữ G. Washington và giao cho quân Anh lúc đó đang tấn công thành phố này. Gần 500 người tham dự vào âm mưu này, trong đó bao gồm cả nhân viên cận vệ của G. Washington là Thomas Hickey.
Tuy nhiên, âm mưu của William Tryon đã bị bại lộ và ông này bị bắt giam, Thomas Hickey cũng bị treo cổ. Mặc dù G. Washington có rất nhiều kẻ thù nhưng ông chưa bao giờ yêu cầu Quốc hội cấp kinh phí để xây dựng lực lượng bảo vệ riêng cho mình.
TT Mỹ Abraham Lincoln |
Những tổng thống Mỹ tiếp theo đã kế tục truyền thống của người tiền nhiệm G. Washington: chỉ trong những tình huống đặc biệt mới huy động lực lượng bảo vệ.
Vị Tổng thống thứ 6 là John Quincy Adams trong nhiệm kỳ 1825-1829 đã từng nhận được rất nhiều thư đe dọa. Thậm chí có một cựu trung sĩ quân đội đã đột nhập vào Nhà Trắng với mục đích tìm ông để “thanh toán nợ nần” nhưng đã không thành công. Tuy bị đe dọa nhưng TT Q. Adams vẫn thích đi dạo một mình trong thành phố và thậm chí ông còn đi bơi ở sông Patomac.
Người kế nhiệm ông Q. Adams là Andrew Jackson nhiệm kỳ 1829-1837 từng là Anh hùng nước Mỹ qua những lần tham gia các cuộc chiến tranh với người Anh và người Ấn Độ. Vốn xuất thân từ quân đội, TT A. Jackson không ngại xung đột với Quốc hội, không sợ mếch lòng chính quyền các bang địa phương và cũng không e sợ cả Tòa án tối cao.
TT A. Jackson đã xử lý những bức thư đe dọa một cách khác thường: ông gửi tất cả những bức thư có nội dung đe dọa đến một tòa soạn báo, qua đó đăng lên báo để bày tỏ thái độ coi thường đối với những kẻ mà ông cho là hèn nhát. Tháng 5/1833, viên Trung úy Robert Lundoff vốn bị cách chức và đuổi khỏi quân đội do ăn cắp công quỹ đã tìm cách trà trộn vào một buổi chiêu đãi do vị tổng thống này tổ chức. Robert Lundoff đã lén tấn công A. Jackson vì cho rằng, chính vì ông mà hắn bị sa thải khỏi quân đội.
Tuy nhiên, vị Tổng thống nước Mỹ lúc đó đã không làm kinh động đến mọi người mà một mình chống cự và đuổi kẻ tấn công ông ra khỏi cửa. TT A. Jackson đã không thông báo vụ việc này với cơ quan an ninh. Tuy nhiên, ngày 10/1/1835, ông đã gặp phải một thích khách thật sự. Đây cũng là vụ ám sát đầu tiên mà Tổng thống Mỹ gặp phải.
Trong buổi tang lễ của Nghị sĩ Davis, Richard Lawrence - một kẻ thang lang không nghề nghiệp người Anh đã nhằm bắn vào A. Jackson nhưng viên đạn bị kẹt. A. Jackson cầm gậy batoong và xông về phía Richard Lawrence, hắn bóp cò súng lần nữa nhưng súng vẫn không nổ. Richard Lawrence đã bị bắt sống, còn vị Tổng thống Mỹ 67 tuổi đã sống sót nhờ vào may mắn bởi theo lý thuyết thì khả năng đạn bị tắc 2 lần liên tiếp chỉ là 1/125.000. Mặc dù gặp nguy hiểm qua vụ ám sát trên nhưng TT Jackson vẫn không tổ chức đội bảo vệ riêng.
Đến năm 1842, tình hình đã có sự thay đổi. Một ngày, một người đi đường say rượu đã ném đá vào TT John Tyler (vị Tổng thống Mỹ thứ 10 giai đoạn 1841-1845) khi đó đang đi dạo trên bãi cỏ phía nam Nhà Trắng. Sau sự kiện này, Quốc hội Mỹ đã đồng ý cung cấp kinh phí để thành lập một lực lượng gồm 15 nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên, nhiệm vụ của lực lượng này không phải là bảo vệ nguyên thủ quốc gia của nước Mỹ mà là bảo vệ Nhà Trắng với danh nghĩa “tài sản của liên bang”.
Hiện trường vụ ám sát Tổng thổng Ronald Reagan |
Những vệ sĩ bảo vệ tổng thống một cách chuyên nghiệp xuất hiện lần đầu tiên vào nhiệm kỳ của TT Abraham Lincoln. Khi ông Lincoln đắc cử Tổng thống cũng là thời kỳ xung đột Nam-Bắc lên cao, nội chiến đã xảy ra tại nước Mỹ. Nhưng ngay từ thời gian nội chiến chưa bắt đầu, người miền Nam đã có ý đồ phá hoại buổi lễ nhậm chức của TT Abraham Lincoln.
Cuối tháng 2/1861, TT Lincoln dự định đi tàu hỏa từ quê hương ông ở Illinois đến Washington. Cơ quan đường sắt đã biết được có người âm mưu phá hoại hành trình của ông Lincoln nên đã cầu cứu Công ty Thám tử Pinkerton Chicago. Allan Pinkerton, ông chủ hãng thám tử tư này đã phái nhân viên đến những ga lớn trên toàn tuyến đường sắt giữa New York và Washington, còn bản thân ông thì xuống thành phố Baltimore ở bang Maryland thuộc miền Nam để điều tra về âm mưu ám sát ông Lincoln của phe miền Nam.
Cấp dưới của ông Allan Pinkerton là Webster đã xâm nhập vào lực lượng quân đội miền Nam và thu thập được thông tin rằng, phe miền Nam sẽ tổ chức ám sát ông Lincohn khi chuyến tàu chở ông này đến ga Baltimore. Sau khi nhận được thông tin này, ông Allan Pinkerton đã đi liên tục suốt ngày đêm để chặn đoàn tàu chở Tổng thống tại thành phố Philadelphia và chọn cho ông Lincoln một tuyến đường khác an toàn hơn.
Chuyến hành trình nguy hiểm này đã gây ấn tượng sâu sắc với TT Abraham Lincoln đến mức ông đã muốn giao cho Allan Pinkerton trách nhiệm đối phó với những hoạt động gián điệp của phe miền Nam tại Washington. Tuy nhiên, Tư lệnh quân đội Patomac là McLean đã thuyết phục Allan Pinkerton phụ trách hoạt động tình báo của quân đội liên bang tại khu vực tuyến đầu xung đột giữa hai bên. Và trong công việc này, Allan Pinkerton đã thu được rất nhiều thành công.
Công ty Thám tử Allan Pinkerton tồn tại một thời gian dài. Sau đó Allan Pinkerton thường nói với mọi người rằng, nếu để cho những thám tử của ông bảo vệ TT Abraham Lincoln thì ông Lincoln đã không chết.
Cuộc đời của TT Abraham Lincoln gắn liền với chiến tranh. Vì vậy nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho ông Lincoln chủ yếu do quân đội đảm nhiệm. Bộ binh và kị binh tuần tra xung quanh Nhà Trắng cũng như bảo vệ đoàn tàu đặc biệt của TT Lincoln. Đến tháng 11/1864, khi cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc kết thúc, TT Lincoln mới có 4 nhân viên cảnh sát bảo vệ.
Vì những nhân viên cảnh sát luôn theo cạnh ông dù ở bất kỳ đâu nên Tổng thống thường thấy bất tiện và đã nhiều lần yêu cầu họ giữ khoảng cách xa với ông. Năm 1865, nhân viên bảo vệ John Parker tháp tùng TT Lincoln đến nhà hát Ford. Đáng lẽ ra John Parker phải đứng gác ngay trước cửa lô ngồi dành riêng cho ông Lincoln nhưng anh ta đã rời khỏi vị trí đi xem kịch và thậm chí còn bỏ đi ra hẳn bên ngoài nhà hát. Cũng chính vì vậy mà John Wilkes Booth - một diễn viên có cảm tình với phe miền Nam đã vào được lô riêng của TT Lincoln và găm một viên đạn vào đầu ông.
Cùng ngày hôm đó, một đồng bọn của John Wilkes Booth cũng âm mưu ám sát Phó tổng thống Andrew Johnson và tướng Grant - Tổng Tư lệnh quân đội miền Bắc.
Trong 12 năm sau sự kiện này, hàng loạt vụ ám sát chính trị gia đã xảy ra trên khắp nước Mỹ, số chính trị gia đã bị ám sát trong thời gian này lên tới 24 người. Mặc dù như vậy, tổng thống Mỹ vẫn chưa có lực lượng bảo vệ chuyên trách. Sau khi chiến tranh kết thúc, lực lượng cảnh sát chuyên trách tuần tra xung quanh Nhà Trắng cũng bị giải tán và đội cảnh sát bảo vệ tổng thống cũng giảm xuống chỉ còn 3 người.
Ngày 2/7/1881, Tổng thống thứ 20 là James Garfield chết do bị ám sát bởi Charles J.Guiteau - một kẻ thần kinh không ổn định. Sau cái chết của ông Garfield, đội bảo vệ tổng thống vẫn chỉ có 3 nhân viên cảnh sát bình thường và không hề được huấn luyện đặc biệt về chuyên môn bảo vệ yếu nhân.
Một điều trớ trêu là tiền thân của Cục Mật vụ bảo vệ được thành lập ngay trước khi TT Lincohn bị sát hại có vài giờ đồng hồ. Hôm đó, Bộ Tài chính đề nghị TT Lincohn phê chuẩn cho phép Bộ này thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên tấn công loại tội phạm sản xuất tiền giả khi đó đang hoành hành ở nước Mỹ và đặt tên cho đơn vị này là Cục Mật vụ. Sau cái chết của TT Lincohn, việc này rơi vào quên lãng và đến tận năm 1865, Cục Mật vụ này mới được chính thức thành lập.
Ban đầu, Ban đặc vụ chỉ có 10 nhân viên và 1 chỉ huy. Các nhân viên đặc vụ đều được tuyển lựa trong số các thám tử tư và quân nhân đã giải ngũ. Sau đó số lượng nhân viên của Ban đặc vụ đã được tăng cuờng nhưng đến tận cuối thế kỷ XIX, tổng số nhân viên của Ban đặc vụ vẫn không quá 30 người. Ban đầu mỗi nhân viên của Ban đặc vụ chỉ được hưởng mức lương 4-7 USD/ngày và không có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Thậm chí các nhân viên của Ban đặc vụ này còn không có huy hiệu như nhân viên của những lực lượng hành pháp khác. Phải đến tận năm 1873, các nhân viên đặc vụ mới được sử dụng huy hiệu kim loại có dòng chữ “Sở Đặc vụ Hoa Kỳ".
Khi chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha xảy ra, Quốc hội Mỹ yêu cầu Sở Đặc vụ bảo vệ tổng thống 24/24 giờ. Khi đó Sở Đặc vụ không chỉ phải truy bắt gián điệp Tây Ban Nha trên lãnh thổ Mỹ mà còn phải thu thập thông tin tình báo quân sự.
Thời điểm này, cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lẫn Cục Điều tra liên bang (FBI) đều chưa ra đời. Sở Đặc vụ tập trung cả nhiệm vụ hoạt động gián điệp và phản gián. Chính vì vậy mà cả quân đội lẫn Bộ Tư pháp đều cho rằng Sở Đặc vụ tập trung quá nhiều quyền hạn nên ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, cơ quan này đã bị tước bỏ bớt quyền hạn và quay trở về với những nhiệm vụ ban đầu nhưng vẫn tiếp tục duy trì nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ lúc đó là William McKinley.
Thời gian đó, hàng ngày TT McKinley đều nhận được những cú điện thoại nặc danh có nội dung đe dọa từ những kẻ vô chính phủ. Do sự ép buộc của tình thế, Quốc hội Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế liên quan đến công tác bảo vệ tổng thống của Sở Đặc vụ nhưng vẫn chưa coi đây nhiệm vụ chính thức của cơ quan này.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những phần tử theo chủ nghĩa vô chính phủ đã sát hại TT Pháp Sadi Carnot, Thủ tướng Tây Ban Nha Antonio Canovas, Nữ hoàng Áo Elizabeth và Quốc vương Italia Humbert. Những hoạt động ám sát này đã ảnh hưởng nặng nề đến Leon F.Czolgosz - một phần tử theo chủ nghĩa vô chính phủ người Ba Lan tại Mỹ. Khi thăm dò được rằng TT William McKinley sẽ tham dự một cuộc triển lãm, hắn đã lên kế hoạch ám sát nhằm vào ông William McKinley.
Lợi dụng cơ hội Tổng thống gặp gỡ những người tham quan triển lãm, hắn đã tiếp cận được với ông ở cự ly chỉ cách khoảng 1 mét. Khi đó, xung quanh TT William McKinley có 3 nhân viên đặc vụ và 4 quân nhân. Kẻ ám sát đã rút khẩu súng ngắn giấu trong tay áo và bắn liên tiếp 2 phát vào W. McKinley, trong đó 1 phát đạn bắn trúng vào dạ dày đã giết chết vị Tổng thống thứ 25 của nước Mỹ.
W. McKinley là Tổng thống Mỹ thứ ba bị ám sát. Cái chết của ông đã khiến Quốc hội Mỹ nhìn nhận vấn đề đảm bảo an ninh cá nhân của tổng thống Mỹ một cách thận trọng hơn trước. Tổng thống kế nhiệm Theodore Roosevelt đã yêu cầu giao nhiệm vụ này cho Sở Đặc vụ.
Đến năm 1906, Quốc hội Mỹ mới chính thức quyết định giao cho Sở Đặc vụ phụ trách bảo đảm an ninh cho tổng thống và cung cấp kinh phí cho hoạt động này
Từ năm 1902, các điệp viên Mật vụ (U.S. Secret Service) luôn theo sát tổng thống Mỹ để đảm bảo an toàn cho ông chủ Nhà Trắng. Tạp chí Life thực hiện bộ ảnh về lực lượng Mật vụ Mỹ, những người bảo vệ tổng thống Mỹ và các nhân vật cao cấp trong chính quyền nước này.
Mật vụ Mỹ thời xa xưa
TT Franklin Delano Roosevelt (ngoài cùng bên phải) đón sinh nhật lần thứ 61 của ông trên máy bay từ Trinidad tới Miami năm 1943. Trên máy bay có các điệp viên Elmer Hipsley (người để ria, đang đứng) và Guy Spaman (mặc bộ vest tối màu đang ngồi). |
Chó của TT Franklin Delano Roosevelt chơi đùa |
Mật vụ bảo vệ đoàn xe hộ tống của TT Harry S. Truman bên ngoài tòa nhà quốc hội hôm 13/4/1945 sau cái chết của Franklin Delano Roosevelt. Truman đang trên đường tới nơi gặp gỡ lãnh đạo quốc hội. |
Tổng thống Truman (trái) đi cùng điệp viên Mật vụ của ông - John Campion năm 1946. |
Điệp viên bảo vệ bên ngoài nhà của Richard M. Nixon năm 1955 trong thời gian ông làm quyền tổng thống do Dwight D. Eisenhower bị ốm. |
TT Eisenhower (trái) và Giám đốc Mật vụ James Rowley. |
Lucy Baines Johnson, con gái của TT Lyndon Johnson, được Mật vụ đưa tới trường học năm 1964. |
Cô Lucy Baines Johnson lái chiếc xe Corvette Sting Ray, |
Đoàn điệp viên bao quanh xe tổng thống khi Richard M. Nixon vẫy chào dân chúng trong ngày nhậm chức tháng 1/1969. Sau vụ ám sát John F. Kennedy, an ninh quanh ông chủ Nhà Trắng được tăng cường. |
Vào ngày 30/3/1981, John Hickley Jr. bắn 6 phát đạn nhằm vào TT Ronald Reagan khi ông rời khách sạn Hilton ở Washington D.C. Trong ảnh, Mật vụ bao quanh tổng thống và những người đi cùng đoàn với ông. Tổng thống bị dính một phát đạn còn đại diện báo chí của ông bị thương nặng. |
Và ngày nay
Nhiều người sửng sốt khi tin tức về cặp vợ chồng ở bang Virginia có thể bước vào quốc tiệc |
Nhiếp ảnh gia Brooks Kraft chuyên chụp ảnh tổng thống |
Thiết bị liên lạc cài tai, kính viễn vọng, dụng cụ dò tìm kim loại và nhiều công nghệ khác chỉ có thể bảo vệ nhân vật chính ở giữa đám đông ồn ào. "Mật vụ ở đó để xử lý nguy cơ, họ không thể loại trừ nguy cơ", điệp viên Joe Petro, từng phục vụ trong Mật vụ 23 năm, nói. "Một cách để xử lý nguy cơ là dùng biện pháp nắm chặt và không rời tay. Khi tổng thống đứng gần đám đông, một tay điệp viên không được phép để cách người ông quá 15 cm. Tay đó phải thường xuyên để cạnh bụng, lưng, thậm chí tóm lấy dây thắt lưng của ông". |
Mật vụ được thành lập năm 1865 để điều tra các vụ gian lận tài chính sau Nội chiến. Cho tới tận năm 1902, 1 năm sau vụ ám sát TT William McKinley, cơ quan mới bắt đầu bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và gia đình của họ. Văn bản thành lập Mật vụ được đặt trên bàn của Abraham Lincoln trong đêm ông bị ám sát. Không ai làm việc này vì tiền. Lương khởi điểm của điệp viên Mật vụ, phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ và nhiều yếu tố khác, trong khoảng 43.000 USD tới 73.000 USD mỗi năm. |
Petro - hiện là giám đốc an ninh cho tập đoàn Citigroup, tác giả cuốn Standing Next to History: An Agent's Life Inside the Secret Service, nhấn mạnh việc các điệp viên được huấn luyện gắt gao giúp chuẩn bị cho họ đối phó với các tình huống khẩn cấp. Cứ hai tháng một lần, các điệp viên lại được huấn luyện trong khoảng hai tuần ở trung tâm đào tạo tại Beltsville, bang Maryland. Họ được đào tạo để không bao giờ giả định rằng, khu vực đang đứng 100% an toàn. "Không có chỗ cho giả định đó trong nghề này", Petro nói. |
Chiếc xe của tổng thống là một biểu tượng quốc gia và quyền lực. Từ năm 1983, mỗi tổng thống được ngồi trên một chiếc xe limousine hiệu Cadillac. Xe của TT Barack Obama được gọi là quái vật (The Beast) vì tính ưu việt của nó. The Beast có một hệ thống tuần hoàn không khí riêng để bảo vệ tổng thống trong trường hợp xảy ra tấn công hóa học. Cửa của nó là một lớp bọc thép dày tới 20 cm, ngay cả cửa kính chống đạn cũng dày tới gần 13 cm. |
"Phần lớn công việc của họ diễn ra rất nhàm chán", nhiếp ảnh gia Brooks Kraft nói,"Họ đứng trên cánh đồng trong 10 tiếng hay trên bậc thang 12 tiếng. Họ đứng trong cái lạnh, cái nóng và luôn phải giữ im lặng. Việc của họ là quan sát và lắng nghe". |
Điệp viên Joe Petro nói rằng mỗi điệp viên có những mẹo riêng để phát hiện những mối nguy hiểm trong đám đông. |
Mật vụ không chỉ bao gồm những điệp viên luôn mặc vest, đeo cà vạt, kính đen và đeo tai nghe. Những điệp viên trong ảnh trên là thành viên của nhóm phản công (CAT), những người được trang bị vũ khí tối tân. Họ không có mặt cạnh tổng thống khi ông ở trong đám đông nhưng ở các bậc thang, trên mái các tòa nhà hoặc trên các lối đi. |
Tất nhiên là những loại vũ khí cho các điệp viên thường tân tiến và nguy hiểm nhất, bao gồm những khẩu súng ngắn SIG Sauer P229 tốt nhất dùng trong các cuộc đọ súng, súng ngắn Remington 870, tiểu liên Uzi và tiểu liên FN90 (trong ảnh). |
Ít người biết rằng chiếc xe The Beast của tổng thống luôn đi theo ông kể cả ở trong nước hay nước ngoài. Nó là trọng tâm của cái gọi là "gói an toàn" bao gồm một nhóm các phương tiện quan trọng chở tổng thống, thiết bị liên lạc đặc biệt và các điệp viên được trang bị vũ khí, |
"Có một truyền thuyết rằng các điệp viên Mật vụ phải thề sẵn sàng hy sinh mạng sống |
Mật vụ cũng có những huyền thoại của riêng họ. Năm 1975, điệp viên Larry Buendorf phát hiện một phụ nữ trong đám đông tại Sacramento khi TTGerald Ford đang bắt tay dân chúng. Buendorf nhận thấy trong cử chỉ và ánh nhìn của cô ta có cái gì rất lạ. Khi cô ta với tay lấy cái gì đó, Buendorf đứng chắn trước mặt tổng thống, hét lớn "có súng" và tóm lấy khẩu súng của người phụ nữ kia. Cò súng vướng vào ngón tay cái của Buendorf và không nhả đạn. Người này sau đó được xác định là thành viên của tổ chức Squeaky Fromme định ám sát tổng thống. |
Theo VND