|
"Vấn đề lớn là ở chỗ tôi không bao giờ trù tính sẽ ở Nga. Khi tôi làm việc với các phóng viên về những báo cáo quốc gia, tôi đã vạch kế hoạch đi Iceland để tìm nơi nương náu ở đó. Nhưng giữa Iceland và Hồng Kông là khoảng cách rất lớn" - Edward Snowden cho biết trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình La Sexta.
"Không còn cơ may ở lại Hồng Kông, tôi thử đến một nước Mỹ Latinh là Ecuador. Nhưng ngay lúc biết rằng trước tiên tôi sẽ đến Matxcơva thì Chính phủ Mỹ liền hủy hộ chiếu của tôi, khi đó tôi đang trên hành trình, đang bay trên trời, tôi ngồi trong máy bay. Tôi giải thích với các nhà báo rằng tôi không mang tài liệu mật theo người, tôi đã đưa cho các nhà báo tất cả và hủy bản sao của mình. Vì vậy, tôi không thể hợp tác với Chính phủ Nga, thậm chí giả như có muốn cũng chẳng làm được", — cựu nhân viên NSA cho biết.
Cựu nhân viên tình báo Mỹ một lần nữa nhấn mạnh rằng anh ta không hợp tác với Chính phủ Nga, không trao bất kỳ tài liệu nào, mà quyết định về việc cấp qui chế tị nạn tại LB Nga cũng không gắn với đòi hỏi cung cấp thông tin nào đó.
"Thực chất là như vậy. Tôi dự tính nói chuyện với các nhà báo, tôi định vạch kế hoạch mọi thứ theo cách triệt tiêu tất cả những sức ép tiềm năng nhắm vào tôi từ bên nào đó hoặc từ Chính phủ", — Snowden tuyên bố.
"Khi mà bạn chẳng có gì trong tay thì sẽ vô nghĩa nếu cứ gây sức ép (để lấy được thông tin mật)… bởi sẽ chẳng nhận được thứ gì. Và đó là cách thức duy nhất có thể giúp đảm bảo an toàn cho chính mình. Bản chất sự việc ở đây là làm sao để chứng tỏ bạn chẳng có mảy may giá trị gì hết", — Snowden nhấn mạnh.
Snowden cũng chỉ ra rằng ngay từ đầu việc anh ta hiện diện trên lãnh thổ Nga và ở lại đó phần lớn cũng do những hành động của chính quyền Mỹ, đã đi đến vi phạm luật pháp quốc tế trong khi cố gắng bắt giữ anh ta.
"Chính phủ nước tôi chỉ trích tôi vì tôi đang ở Nga, nhưng chính là họ chứ không phải ai khác đã nhốt tôi ở đây" - Snowden nhận xét.
"Ngay sau khi rõ ra là tôi có thể rời Nga ra đi, thí dụ như đến Mỹ Latinh, chính phủ Hoa Kỳ đã làm chuyện bất thường. Khi ông Evo Morales trở về đất nước mình, chiếc máy bay ngoại giao của ông ấy buộc phải hạ cánh. Mà như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế. Những người đứng đầu Nhà nước có quyền miễn trừ ngoại giao trong các chuyến đi của họ. Thế mà Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - tất cả đều đóng không phận. Và điều này dẫn đến một câu hỏi thú vị - những nước này nói rằng: "Đúng. Chúng tôi sẽ đóng cửa không phận của nước mình. Chúng tôi cho hạ cánh máy bay của Tổng thống Bolivia". Nhưng ai mà thực sự tin được rằng họ cũng sẽ làm điều tương tự với một số quốc gia Tây Âu giàu có nào đó?" — Snowden nêu câu hỏi.
Xin nhắc, trước đó, luật sư của Snowden là ông Anatoly Kucherena cũng kể, quan điểm của ông về các nước phương Tây đã thay đổi như thế nào trong tương quan hành động của vị khách hàng người Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn của RT, ông Kucherena — tác giả cuốn sách "Thời bạch tuộc" mà nguyên mẫu nhân vật chính trong đó là Snowden —, nói rằng thân chủ của ông khi thách thức chính quyền Hoa Kỳ đã không sa vào tuyệt vọng và vẫn tiếp tục chiến đấu. Theo lời ông, ở Mỹ luôn tụng ca rằng họ có tự do báo chí và tự do ngôn luận, nhưng trên thực tế chẳng phải như vậy.
"Với thí dụ là bộ phim về Snowden, tôi một lần nữa tin chắc rằng ở đó khá là nhiều thói đạo đức giả và sự trơ tráo", — ông Kucherena nói thêm.
Việc chuẩn bị quay bộ phim đã đặc biệt nhấn mạnh rằng không phải tất cả đều tự do, như người ta quảng cáo ở Mỹ, — ông Kucherena cho biết.
"Chúng tôi đã thảo luận nhiều với Edward về những vấn đề hiện hữu ngày nay ở Mỹ, kể cả những gì liên quan đến tự do báo chí. Khá nhiều trường hợp khi các nhà báo xuất bản tác phẩm, còn cơ quan an ninh đòi tiết lộ thông tin về nguồn cung cấp tư liệu. Các nhà báo có quyền từ chối làm như vậy, nhưng khi đó họ đối mặt với sự trừng phạt hiện thực vì từ chối tiết lộ thông tin", — ông giải thích.
Cần lưu ý, năm 2013, cựu nhân viên NSA Edward Snowden đã tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật về chương trình do thám giám sát của tình báo Mỹ, khơi lên vụ xì-căng-đan trong giới ngoại giao quốc tế. Chính quyền Hoa Kỳ đã theo dõi hàng triệu người châu Âu, kể cả cư dân Đức, là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Hiện tại Edward Snowden đang ở Nga, nơi anh ta được nhận qui chế tạm trú.
Theo Sputnik