Hé lộ ảnh hiếm có về các "nhà tù đen" của Mỹ

Một chiếc ghế đặt trong phòng thẩm vấn, một căn nhà kho không cửa sổ và một nhà tù có biệt danh Mỏ muối là những hình ảnh mới được công bố về các "nhà tù đen" bí mật khét tiếng của Mỹ.
Nhà tù có biệt danh Mỏ muối ở Afghanistan

Đây là nơi các phạm nhân bị giam giữ trong bóng tối, bị xiềng xích trong những phòng biệt giam, với nhạc đinh tai nhức óc phát liên tục và chỉ có một chiếc xô để phục vụ việc đi vệ sinh. 

Phòng 11, khách sạn Skopski Merak, Macedonia, nơi Khaled el-Masri bị giới chức Macedonia giam giữ trong tháng 1/2004, trước khi trao cho CIA (Nguồn: Daily Mail)

Các bức hình ám ảnh này đã được nhiếp ảnh gia Edmund Clark và điều tra viên chống khủng bố Crofton Black tập hợp lại và công bố để cho thấy bản chất của chiến tranh hiện đại, đồng thời hé lộ các cơ chế vô hình trong hoạt động kiểm soát nhà nước. 

Một bức ảnh có cảnh Mỏ muối, nhà tù đầu tiên của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Afghanistan, tại đó các quan chức Cục quản lý nhà tù liên bang Mỹ khi tới thăm đã bình luận rằng họ chưa từng thấy một cơ sở giam giữ nào mà tù nhân lại bị đẩy vào tình trạng "bóp ngẹt cảm xúc" như vậy. 

Chiếc ghế đặt trong phòng thẩm vấn tại một nhà tù mật ở Libya (Nguồn: Daily Mail)

Gul Rahman, một tù nhân Afghanistan trẻ tuổi, đã chết vì viêm phổi ở đây trong tháng 11/2002. Cậu ta được chôn cất trong một ngôi mộ vô danh. 

Bức ảnh khác chụp tại Litva có cảnh một nhà kho không cửa sổ nằm trong rừng, được CIA bí mật xây dựng để làm cơ sở giam giữ người. 

Năm 2001, ông Bush tuyên bố thực hiện "cuộc chiến chống khủng bố" và cuộc chiến này kéo dài tới năm 2008. Trong thời gian đó, đã có một lượng người biến mất vào mạng lưới các nhà tù bí mật mà CIA xây dựng tại nhiều nơi trên thế giới. 

Nhà kho được chuyển thành nhà tù bí mật của CIA ở Antaviliai, Litva (Nguồn: Daily Mail)


Thông qua những nhà tù này, CIA giam giữ nhiều người không qua xét xử và thẩm vấn họ để thu thông tin tình báo. Không có dữ liệu nào được lưu trữ lại để truy dấu những người bị giam giữ, do họ thường xuyên bị vận chuyển qua lại giữa các nhà tù mật.

Một số về sau được chuyển tới nhà tù Mỹ đặt tại Vịnh Guantánamo của Cuba hoặc được trả tự do mà không bị cáo buộc gì. Nhưng có một số khác vẫn nằm trong diện mất tích. 

Những điều này đã được nêu ra trong cuốn sách mới của hai người, có tên "Negative Publicity: Artifacts of Extraordinary Rendition" (tạm dịch Hình ảnh tiêu cực: Những dấu vết từ hoạt động vận chuyển tù nhân bí mật của CIA), nhằm nêu ra câu hỏi lớn về trách nhiệm và sự đồng lõa của các chính quyền với những nhà tù mật này, cũng như sự xói mòn của các quyền con người cơ bản.

Theo Vietnam+