Chế tài chưa đủ răn đe
- Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trong năm 2021, Sở Xây dựng TP đã phát hiện 190 công trình vi phạm trật tự xây dựng; trong đó có đến 122 công trình không phép, 40 công trình sai phép. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Ông Phùng Phú Phong: Theo báo cáo ngày 24/1/2022 của Sở Xây dựng gửi UBND TP, trong năm 2021, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 26 trường hợp không phép; 47 trường hợp sai phép; 130 trường hợp trái phép (trong khu vực quy hoạch). Đã xử lý tháo dỡ 131 trường hợp (bao gồm 130 trường hợp xây dựng trái phép trong khu quy hoạch và 1 trường hợp khác). Đối với số liệu này trong năm 2020 thì không phép 34 trường hợp; sai phép 84 trường hợp; trái phép 212 trường hợp.
Như vậy, năm 2021 tình hình vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng có chiều hướng giảm ở các tiêu chí. Các trường hợp vi phạm được cơ quan chức năng xử lý theo quy định, kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong khu quy hoạch.
Tại Đà Nẵng, công tác quản lý trật tự xây dựng được phân cấp toàn diện cho UBND cấp quận/huyện, phường/xã theo quyết định của UBND TP. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng xây dựng không phép, sai phép.
Để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, có nơi thiếu kiểm tra, giám sát và chưa chủ động xử lý triệt để các vi phạm.
Hiện nay việc sai phạm tập trung ở nhóm hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực đã được quy hoạch. Đối với 130 trường hợp xây dựng trái phép trong năm 2021 được nêu ở trên, chủ yếu tại các khu đã quy hoạch của địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.
Có thể nêu ra một số nguyên nhân chính của tình trạng này, gồm: Các công trình vi phạm tập trung ở nhóm các công trình có quy mô nhỏ, lẻ; xây dựng lén lút nằm sâu trong các khu vực đã được quy hoạch; thời gian xây dựng ngắn và thường tập trung vào ban đêm, các ngày cuối tuần, lễ tết… nên lực lượng chức năng tại địa phương khó phát hiện và xử lý kịp thời; Tình trạng chậm triển khai tại các dự án đã công bố quy hoạch dẫn đến nhiều trường hợp xây dựng trái phép như đã nêu; Ý thức chấp hành quy định pháp luật về xây dựng của chủ đầu tư, các nhà thầu và các tổ chức, cá nhân có liên quan là chưa cao; Công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn người dân trong việc thực hiện quy hoạch và chấp hành nghiêm các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa được các địa phương triển khai thường xuyên;
Công trình Văn phòng làm việc The Summit Building tại địa chỉ 350 Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng), do Công ty TNHH Summit Building làm chủ đầu tư xây dựng sai phép |
Bên cạnh đó cũng phải kể đến trình độ năng lực, công tác thực thi công vụ trong lĩnh vực trật tự xây dựng của một số bộ phận quy tắc đô thị đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không được phát hiện chỉnh đốn kịp thời; đôi lúc tham mưu chưa kịp thời, chưa kiên quyết, ngại va chạm; Công tác lãnh chỉ đạo tại địa phương đôi lúc còn bị động dẫn đến công tác thực thi công vụ có lúc còn lúng túng, tạo kẻ hở cho một số cá nhân lợi dụng thực hiện cho mục đích sai trái.
- Có quan điểm cho rằng, do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, vai trò của cơ quan chức năng chưa thật sự phát huy và quyết liệt nên tình trạng công trình xây dựng sai phép, không phép vẫn diễn ra. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Phùng Phú Phong: Như đã nêu ở trên, hiện nay tình trạng công trình xây dựng sai phép, không phép vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên qua tổng hợp số liệu xử lý của các năm, có thể nhận thấy các vi phạm có chiều hướng giảm rõ rệt.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi sai phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng và tiến đến chấm dứt tình trạng xây dựng không phép theo đúng tinh thần Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1/11/2017 của Ban thường vụ Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn TP.
Việc xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn trước đây (Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ) vẫn có một số nhóm hành vi vi phạm có mức phạt chưa cao, chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, thay thế cho Nghị định cũ.
Bên cạnh đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã rà soát và bổ sung nhiều nhóm hành vi vi phạm về trật tự xây dựng cũng như gia tăng mức phạt đối với các công trình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cho thấy về cơ bảo đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi phạm.
Để sớm áp dụng vào thực tế, hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với Bộ Xây dựng để tiến hành triển khai tập huấn Nghị định nêu trên tại TP Đà Nẵng. Trong thời gian đến, các cơ quan chức năng sẽ triển khai bám sát nghị định trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý về trật tự xây dựng.
Các sai phạm mang tính lịch sử
- Sau một loạt các sự việc liên quan đến công trình xây dựng sai phép như Chung cư Mường Thanh, The Song Đà Nẵng, The Summit Building … và mới đây là công trình Bệnh viện Hòa Hảo xây dựng không phép trên đất quốc phòng, đã một lần nữa cho thấy công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP đang có vấn đề. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
Ông Phùng Phú Phong: Các công trình phóng viên đề cập, là những công trình sai phạm ở những năm trước đây và hiện đã và đang được xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với Chung cư Mường Thanh, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định cưỡng chế; tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư có văn bản xin tự nguyện khắc phục hậu quả và căn cứ theo quy định pháp luật có liên quan, hiện nay các đơn vị đang xem xét phương án nêu trên để xử lý theo quy định; Đã tháo dỡ toàn bộ các hạng mục các công trình vi phạm tại dự án The Song Đà Nẵng; đã xử lý các vi phạm hành chính theo quy định đối với dự án The Summit Building…
Riêng đối với công trình Bệnh viện Hòa Hảo xây dựng trên phạm vi đất quốc phòng, có sai phạm trong những năm trước đây. Sở Xây dựng đã có thông cáo báo chí vào ngày 11/2/202 và các đơn vị quân đội đang rà soát các dự án có liên quan và triển khai thực hiện theo quy định.
Đối với nhóm công trình xây dựng trên đất quốc phòng, để công tác quản lý được chặt chẽ, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản liên quan, đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên đất quốc phòng không thuộc diện bí mật nhà nước theo quy định của Luật Xây dựng.
Bệnh viện Hoà Hảo xây dựng không phép trên đất quốc phòng ở Đà Nẵng |
Hơn nữa, để việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP được chặt chẽ, tránh tình trạng buông lỏng, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP ban hành các quyết định phân cấp quản lý cho UBND cấp quận/huyện, phường/xã. Đây là các quy định nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý trật tự xây dựng và quy định quy trình kiểm tra trật tự xây dựng
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Xây dựng đã đề xuất và tham mưu UBND TP ban hành nhiều quy định và biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực xây dựng và tỉ lệ sai phạmh có chiều hướng giảm dần qua các năm. Cụ thể, tình hình vi phạm trong năm 2021 giảm hầu hết ở các tiêu chí; Tỉ lệ công trình vi phạm (nhóm hành vi sai phép, không phép) so với tổng giấy phép cấp năm 2021: 73/10.454 (chiếm tỉ lệ 0,7%); Tỉ lệ công trình vi phạm (nhóm hành vi sai phép, không phép) so với tổng số lượt kiểm tra: 73/8.817 (chiếm tỉ lệ 0,83%);
- Như ông đã thấy, hầu hết các công trình xây dựng sai phép này đều nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là câu hỏi trách nhiệm đặt ra đối với ngành trong công tác quản lý nhà nước. Vậy theo ông, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở đâu, và vai trò của Sở Xây dựng như thế nào?
Ông Phùng Phú Phong: Trước hết cần khẳng định các công trình vi phạm đều được kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý được thực hiện căn cứ trên cơ sở Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trong giai đoạn trước đây, tình hình xây dựng tại TP Đà Nẵng có những diễn biến phức tạp. Với vai trò tham mưu, quản lý ngành xây dựng, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP ban hành các quy định, quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, phân cấp quản lý, cũng như quy định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý trật tự xây dựng và quy định quy trình kiểm tra trật tự xây dựng; tránh tình trạng buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và xử lý. Về thẩm quyền hiện được phân cấp toàn diện cho UBND cấp quận, phường. Sở Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị.
Gần nhất, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 38/2021/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2021. Đây là quy định nhằm cụ thể hóa, quy định chặt chẽ các nội dung trong công tác cấp phép xây dựng
Ngoài ra, đối với công tác quản lý, sử dụng chung cư vốn ngoài ngân sách, UBND TP cũng đã ban hành quy chế hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà chung cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn; giao trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cho UBND các quận, huyện và UBND các phường, xã.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế để nâng cao hiệu qua hoạt động quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.
Như vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu, thời gian qua Sở Xây dựng đã đề xuất và tham mưu UBND TP ban hành nhiều quy định và biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực xây dựng.
Sẽ số hoá và minh bạch thông tin trên cổng dịch vụ công
- Sau những gì diễn ra, ông có nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần công khai hóa, minh bạch hóa và công bố các giấy phép xây dựng dối với các công trình xây dựng trên địa bàn để không chỉ cơ quan quản lý nhà nước theo dõi mà cả người dân cũng có quyền giám sát.
Ông Phùng Phú Phong: Hiện tại, công tác công khai minh bạch, công bố giấy phép xây dựng hiện nay được thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài chủ đầu tư là nơi nhận giấy phép xây dựng thì giấy phép xây dựng còn được gửi đến UBND quận huyện, UBND phường, xã, đội kiểm tra quy tắc đô thị của quận, huyện để giám sát, kiểm tra.
Theo quy định của Luật xây dựng 2014, Luật số 62 sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng tại Điều 107 có yêu cầu chủ đầu tư thông báo ngày khởi công đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước khi khởi công xây dựng công trình ít nhất là 3 ngày làm việc. Tại Điều 109 Luật Xây dựng có quy định chủ đầu tư phải lắp đặt biển báo công trình tại công trình xây dựng để công khai thông tin về công trình (trừ nhà ở riêng lẻ).
Như vậy theo các quy định nêu trên thì việc công khai thông tin về giấy phép xây dựng đã được thực hiện; đảm bảo cho chính quyền địa phương, người dân giám sát theo dõi công trình.
- Trong thời gian qua, với vai trò cơ quan quản lý chuyên môn, Sở Xây dựng đã làm gì để công khai hóa các thông tin giấy phép xây dựng. Nhất là công khai trên website của Sở và các cổng thông tin khác liên quan khác
Ông Phùng Phú Phong: Hiện nay Sở Xây dựng đã có kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ giải pháp phát triển hạ tầng số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành xây dựng và phần mềm quản lý chuyên ngành, nâng cấp website, kết nối kho dữ liệu chung của TP, phát triển dịch vụ công trực truyến theo nhu cầu của người dân, trong đó có việc cấp giấy phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch qua mạng.
Việc triển khai và hoàn thành chuyển đổi số sẽ giúp cho việc quản lý nhà nước của Sở Xây dựng được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc cung cấp thông tin, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và các tổ chức công dân trong hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Cảm ơn ông!